Tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm công du Mông Cổ, Ireland và Pháp
RFI
Đăng ngày: 30/09/2024 - 13:20
RFI
Hội nghị thượng định của khối Pháp ngữ do nước Pháp tổ chức, sẽ diễn ra vào cuối tuần này, 04-05/10. Về chuyến thăm Pháp của tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Tô Lâm, đại sứ Pháp Olivier Brochet tại Việt Nam trả lời RFI Tiếng Việt, nhận định đây là cơ hội để thảo luận về việc cải thiện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, được thiết lập từ 11 năm qua. Đại sứ Brochet cho biết :
“Chúng tôi rất vui mừng được tiếp đón chủ tịch nước Việt Nam, tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm thăm chính thức nước Cộng Hòa Pháp trong vài ngày tới. Ông ở lại Paris khá lâu vì trước tiên, ông tham dự Thượng đỉnh Tổ chức Pháp ngữ, sau đó là chuyến thăm chính thức trong khuôn khổ hợp tác song phương.
Tôi nghĩ tín hiệu mà Việt Nam cũng như chủ tịch nước Tô Lâm gửi đi có tầm quan trọng lớn. Thứ nhất là cam kết mạnh mẽ đối với cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam, một trong những nước sáng lập viên và rất năng động trong cộng đồng Pháp ngữ, hiện giờ hiểu được những lợi ích mới trong cộng đồng Pháp ngữ đối với quá trình phát triển của Việt Nam, ở đây tôi nghĩ đến sự phát triển kinh tế.
Tiếp theo, chúng tôi vui mừng vì chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris chỉ ít thời gian sau khi ông nhậm chức. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng cường hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Dĩ nhiên chuyến công du là cơ hội để chúng tôi thảo luận về mối quan hệ đối tác chiến lược có từ 11 năm nay. Cả hai nước chúng ta đều mong muốn nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược này để cho phép phát triển hơn nữa những chương trình hợp tác tốt đẹp, có từ lâu và mạnh mẽ, quan tâm hơn nữa đến những thách thức mà Việt Nam cần vượt qua trong quá trình phát triển hiện nay.
Đó là những thách thức liên quan đến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, những thách thức liên quan đến phát triển bền vững của đất nước mà chúng ta mới chứng kiến gần đây sau trận bão Yagi với những hệ quả nghiêm trọng. Việt Nam đã cam kết chuyển đổi năng lượng, một lĩnh vực mà Pháp sẵn sàng đồng hành với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ đề cập đến vấn đề giao thông, cũng như cùng nhau xem xét những lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác, như về hiện đại hóa về năng lượng, y tế… Đó là những vấn đề căn bản ở Việt Nam và Pháp có thể làm nhiều hơn với Việt Nam nếu Việt Nam mong muốn.
Tiếp theo, hai nước sẽ tiếp tục chương trình trao đổi về con người, trong đó có sinh viên để có thêm nhiều sinh viên Việt Nam tới Pháp du học, cũng như trong khuôn khổ Cộng đồng Pháp ngữ, cũng là một chương trình giúp Việt Nam đào tạo thế hệ trẻ”.
No comments:
Post a Comment