Friday, October 25, 2024


Quan Điểm: LƯƠNG CƯỜNG NẮM CHỨC CHỦ TỊCH NƯỚC – DÂN TỘC VIỆT KHÔNG QUÊN NỖI NHỤC BỊ XỎ MŨI

Đài Phát Thanh DLSN
25/10/2024
DLSN

Thưa quý thính giả,

Theo các cơ quan truyền thông, báo chí của CSVN, ngày 21/10/2024, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Đại tướng Lương Cường đã chính thức được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo các cơ quan này thi ông Cường đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối với 440/440 phiếu bầu từ các đại biểu Quốc hội.

Tướng Lương Cường sinh năm 1957 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, gia nhập quân đội năm 1975. Năm 2016, Ông được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội và năm 2019 thăng cấp Đại Tướng. Ông được bầu vào Bộ Chính Trị trong Đại hội đảng lần thứ 13 tháng Giêng năm 2021. Tháng 5 năm 2024,Lương Cường được bầu giữ chức Thường trực Ban Bí Thư Trung ương Đảng, vị trí quan trọng thứ 5 trong Bộ Chính Tri, chỉ sau “tứ trụ”.

Gọi Quốc Hội “bầu” ông Cường làm Chủ tịch nước, nhưngthực chất chỉ là Quốc Hội hợp thức hóa quyết định của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN trong cuộc họp 2 ngày trước đó, từ 18 đến 20 tháng 10. Tương tự, sự kiện được gọi là “đồng thuận tuyệt đối 440/440 phiếu bầu” của các đại biểu Quốc Hội, thực chất cũng chỉ là tuân hành nghiêm ngặt chỉ thị từ cơ quan chóp bu của đảng CSVN mà thôi.

Việc Lương Cường, một tướng lãnh quân đội, được bầu làm Chủ tịch nước cho thấy đây là kết quả sự gian xếp giữa 2 nhóm quyền lực chính trị đang tranh chấp gay gắt trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là lực lượng quân đội và lực lượng công an, cụ thể là giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Nếu Tô Lâm, nguyên Bộ Trưởng Bộ Công An liên tục gần 2 nhiệm kỳ kéo dài 9 năm, chiếm được ghế Tổng Bí Thư đảng, thì, để đối trọng phần nào, tướng Lương Cường đã đại diện cho phe quân đội chiếm chức Chủ tịch nước, đứng hàng thứ hai trong “tứ trụ”, chỉ thua Tổng Bí Thư.

Sự đối đầu giữa Bộ Quốc Phòng, đúng ra là Tổng Cục 2 của Bộ này, và Bộ Công an là một phần của cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả hai cơ quan này đều nắm giữ quyền lực lớn lao, với vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia và kiểm soát thông tin, dẫn đến sự cạnh tranh không thể tránh khỏi giữa hai lực lượng.

Tổng Cục 2, hay Tổng cục Tình báo Quốc phòng, là cơ quan tình báo chính của quân đội Việt Nam, với nhiệm vụ chính là thu thập thông tin tình báo chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng. Với mạng lưới tình báo rộng khắp và sự liên kết với các đơn vị quân đội, Tổng Cục 2 có một vị thế mạnh mẽ trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Công an có vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm an ninh nội bộ, kiểm soát trật tự xã hội và thực thi pháp luật. Bộ này cũng sở hữu một hệ thống tình báo và lực lượng an ninh rộng lớn, bao gồm cả Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát, với nhiệm vụ theo dõi và triệt phá các hoạt động có thể đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm các vụ án tham nhũng lớn và các hoạt động được gọi là “phản động”.

Sự đối đầu giữa Tổng Cục 2 và Bộ Công an trở nên nổi bật trong quá trình điều tra và xử lý các vụ án tham nhũng lớn, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng, Vũ Nhôm, và Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Trong các vụ án này, cả hai cơ quan đều có những lợi ích riêng và những mâu thuẫn phát sinh khi hai bên va chạm trong việc thu thập thông tin tình báo và tiến hành bắt giữ các đối tượng liên quan.

Ví dụ, vụ Vũ Nhôm tức Phan Văn Anh Vũ, một doanh nhân liên quan đến các hoạt động tình báo của Tổng cục 2, đã tạo ra sự căng thẳng lớn giữa Bộ Công an và Tổng Cục 2. Bộ Công an tiến hành điều tra và bắt giữ Vũ Nhôm về tội tham nhũng, trong khi Tổng Cục 2 bảo vệ các hành động của Vũ Nhôm với tư cách là một đối tượng tình báo của quân đội. Điều này cho thấy sự cạnh tranh về mặt quyền lực giữa hai lực lượng trong việc xử lý các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng.

Cũng cần lưu ý đến yếu tố “đàn anh phương Bắc” trong vụ Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước. Chỉ vỏn vẹn 12 ngày trước khi được bầu vào chức vụ này, Lương Cường, với tư cách Thường trực Ban Bí Thư đảng CSVN đã qua thăm Trung Cộng với lý do “theo lời mời của Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc”. Sự kiện này cho thấy, với hệ thống tình báo dày đặc tại Việt Nam,Trung Cộng đã biết trước kết quả thương lượng giữa hai phe quân đội và công an, và chuyến thăm Bắc Kinh của Cường là hình thức mà Tập Cận Bình thể hiện sự “chuẩn thuận” vai trò Chủ tịch nước của tay tướng quân đội này.

Thật ra, dân chúng Việt Nam không ngạc nhiên mấy đối với hiện tượng tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN sắp xếp các chức vụ chóp bu để dung hòa quyền lợi và quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng, cũng như để chiều lòng đàn anh phương Bắc. Đơn giản là vì ai cũng biết đây là hậu quả tất yếu của việc Đảng CSVN đứng trên đầu, trên cổ toàn dân, mọi hành xử không phải vì quyền lợi đất nước, mà chỉ để phục vụ quyền lực và quyền lợi của các phe nhóm cầm quyền trong đảng. Tương tự, mọi hành xử của đảng cũng phải được đàn anh phương Bắc “chuẩn thuận”.

Vì vậy, việc Lương Cường nắm chức Chủ tịch nước, một lần nữa nhắc nhở toàn dân Việt về nỗi nhục đang bị đảng CSVN xỏ mũi dẫn xuống vực thẳm./.

No comments:

Post a Comment