Monday, October 28, 2024

Indonesia nói họ đuổi tàu Trung Quốc quấy rối thăm dò dầu khí trên Biển Đông
Reuters
24/10/2024
VOA

Sỹ quan lực lượng Bakamla của Indonesia đang tuần tra vùng biển Bắc Natuna



Một tàu hải cảnh Trung Quốc đã bị đẩy ra khỏi vùng biển của Indonesia lần thứ hai trong tuần này, sau khi nó làm gián đoạn một cuộc khảo sát của công ty năng lượng nhà nước Pertamina ở Biển Đông trong lần đầu, cơ quan an ninh hàng hải của Indonesia cho biết hôm 24/10.

Mặc dù các tàu hải cảnh Trung Quốc đã được phát hiện nhiều lần trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, nhưng các sự cố mới đây nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Prabowo Subianto nhậm chức tổng thống Indonesia.

Các vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia, nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.500 km. Hiện vẫn chưa rõ vị trí chính xác.

Tàu Trung Quốc hôm 21/10 khẳng định vùng biển này thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, cơ quan an ninh hàng hải của Indonesia, được gọi là Bakamla, cho biết trong một tuyên bố.

“Bakamla sẽ tiếp tục tuần tra và giám sát chặt chẽ vùng biển Bắc Natuna để đảm bảo việc thu thập dữ liệu địa chấn có thể tiến hành mà không làm gián đoạn chủ quyền của Indonesia”, cơ quan này cho biết hôm 21/10.

Hôm 24/10, họ cho biết tàu Trung Quốc đã quay trở lại nhưng đã bị chặn và một lần nữa bị đẩy ra ngoài. Họ không nêu chi tiết con tàu đang làm gì lúc đó.

Ông Lâm Kiếm, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 24/10 nói rằng lực lượng hải cảnh của họ thực hiện ‘các hành trình thường lệ trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc theo luật quốc tế và luật trong nước’.

Người phát ngôn này nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường tham vấn với Indonesia ‘để xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển giữa hai nước’.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình bằng một hạm đội tàu hải cảnh được triển khai trên khắp Biển Đông, một số trong đó bị các nước láng giềng cáo buộc có hành vi hung hăng và tìm cách làm gián đoạn các hoạt động khai thác dầu khí và đánh bắt cá.

Trung Quốc luôn nói rằng lực lượng hải cảnh của họ hoạt động hợp pháp để răn đe các hành vi xâm phạm vùng biển của họ.

Hồi năm 2021, các tàu của Indonesia và Trung Quốc đã vờn nhau trong nhiều tháng gần một giàn khoan ngầm vốn đang thực hiện công tác đánh giá giếng dầu ở Biển Natuna. Trung Quốc vào thời điểm đó đã kêu gọi Indonesia ngừng khoan dầu trên lãnh thổ của Jakarta.

Các vụ việc mới nhất xảy ra khi Bộ trưởng Quốc phòng mới của Indonesia, ông Sjafrie Sjamsoeddin, gặp đại sứ Trung Quốc tại Jakarta hôm thứ 24/10.

Bộ Quốc phòng Indonesia ra tuyên bố cho biết ông Sjafrie dự kiến sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, bao gồm các cuộc tập trận chung. Bộ này không đề cập đến các sự cố trên biển xảy ra trong tuần này.

No comments:

Post a Comment