Wednesday, October 23, 2024

Các đối thủ của Washington can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2024 như thế nào?
Anh Vũ
Đăng ngày: 22/10/2024 - 13:11Sửa đổi ngày: 22/10/2024 - 15:55
RFI

Gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 2024, các hoạt động can thiệp vào cuộc bỏ phiếu bùng nổ. Các mạng xã hội tràn ngập tin giả có mục đích tác động đến lá phiếu bầu của cử tri ngày 05/11 tới.

Hình minh họa: Trước một trụ sở chính của mạng Twitter, nay là X tại San Francisco, Mỹ, ngày 26/10/2016. AP - Jeff Chiu

Đoạn video được một kênh truyền hình quay cho thấy một cô gái trẻ da đen ngồi trên xe lăn. Alicia Brown kể rằng vào năm 2011, cô đã bị một chiếc ô tô chạy quá tốc độ đâm phải ở San Francisco. Dù trải qua 11 ca phẫu thuật nhưng cô vẫn bị liệt. Cô nói, người cầm lái chiếc xe đó là bà Kamala Harris, khi đó là chưởng lý của bang California. Trên thực tế, theo báo cáo của Microsoft, tất cả đều là giả : từ vụ tai nạn, nạn nhân và thậm chí cả kênh truyền hình KBSF-TV cũng không hề tồn tại.

Clip trên do một nhóm tuyên truyền Nga có tên là Storm-1516 dựng lên với mục đích để cử tri bầu cho Donald Trump, ứng viên được cho là có lợi hơn với Matxcơva. Đoạn vidéo được 2,7 triệu lượt xem trên mạng X.

Một vidéo khác còn hoang đường hơn, dàn dựng cảnh người bảo vệ một vườn quốc gia ở Zambia khẳng định Kamala Harris trong một chuyến đi săn đã giết một con tê giác còn nhỏ, động vật được xếp vào loài cần được bảo vệ.

Trong một vidéo thứ 3, một người đàn ông trẻ nói rằng các lãnh đạo Ukraina đã mua một du thuyền hạng sang bằng tiền viện trợ quốc tế. Tất cả cũng đều hoàn toàn sai sự thật. Nhưng JD Vance, ứng viên liên danh phó tổng thống của Donald Trump vẫn lặp lại những câu chuyện giả dối như vậy.

Gần đến kỳ bầu cử tổng thống, làn sóng tin giả trên mạng ngập tràn ở Hoa Kỳ, trong đó một phần có mối liên hệ với Nga, Trung Quốc và Iran.

Điều này không có gì mới. Năm 2016, Điện Kremlin đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ để cố gắng tác động đến cuộc bỏ phiếu. Joshua Tucker, giám đốc Trung tâm Truyền thông Xã hội và Chính trị tại Đại học New York  cho rằng “sự can thiệp của nước ngoài rất khó định lượng. Việc này có lẽ vẫn chỉ là một giọt nước trong đại dương so với lượng tin giả khổng lồ trong nước ».

Qua nhiều năm, các hoạt động của Nga hay Trung Quốc đã trở nên tinh vi hơn nhưng vẫn luôn cùng mục đích là làm trầm trọng thêm các chia rẽ chính trị trong xã hội Mỹ, phá hoại niềm tin trong các định chế.

Kyle Walter, nguyên là nhà nghiên cứu của công ty Logically AI nhận xét : « Họ không hẳn đã tìm cách để làm bạn tin vào điều gì mà là để khiến bạn không còn tin vào điều gì nữa bằng cách gây mất lòng tin vào chính phủ và những người xung quanh bạn, nhằm làm rạn nứt gắn kết xã hội và dẫn đến hỗn loạn. Đó là phương pháp cũ của KGB (Cơ quan tình báo Nga). Phương pháp này giờ được áp dụng với các công cụ hiệu quả hơn nhiều so với thời Chiến tranh lạnh ».

Đặc biệt là trí tuệ nhân tạo giúp dễ tiếp cận hơn , ít tốn kém và thực hiện trên quy mô rộng. Các nhà tuyên truyền nước ngoài cũng lợi dụng việc cắt giảm các dịch vụ kiểm duyệt trên các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là trên mạng X, nơi vốn cho phép phổ biến những tin đồn hoang đường nhất. Cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch còn phức tạp hơn bởi thái độ thù địch của nhiều thành viên đảng  Cộng Hòa. Họ coi đó là một cách để chính phủ bịt miệng những người phản đối.

 Nga : mối đe dọa lớn

Cho đến giờ, hoạt động hăng hái nhất là Nga. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết: “Họ  gây ra mối đe dọa lớn hơn trước”. Đầu tháng 9, hai nhân viên của RT (Russia Today), một tập đoàn truyền thông do Matxcơva kiểm soát, đã bị truy tố vì trả trái phép gần 10 triệu đô la Mỹ cho Tenet. Công ty sáng tạo nội dung trực tuyến có trụ sở tại Tennessee này đã tuyển dụng các nhà bình luận bảo thủ người Mỹ, một số trong số họ nổi tiếng, để đăng các video có chủ đề mà Donald Trump và Điện Kremlin ưa thích như chi phí cho chiến tranh Ukraina và cái gọi là lãng phí tiền của người đóng thuế.

Rất nhiều người có ảnh hưởng đó đã khẳng định họ không biết được Matxcơva trả tiền. Tư pháp Mỹ cũng đã bắt giữ 32 trang web giả mạo  các phương tiện truyền thông như Washington Post và Fox News, các cơ quan chính phủ v.v. Các trang web này đăng các bài tuyên truyền thường do trí tuệ nhân tạo tạo ra và cáo buộc Ukraina là một quốc gia tham nhũng và phát xít.

Còn Trung Quốc thì theo một chiến thuật khác. Nước này tập trung vào các cuộc bầu cử Quốc Hội. Họ xác định các ứng viên ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh và cố gắng hạ bệ những người này bằng một chiến dịch bôi xấu.

Theo nhiều quan chức Mỹ, Trung Quốc đã tìm cách tác động « hàng chục » cuộc bỏ phiếu. Ví dụ , một tài khoản trên mạng X có liên hệ với Trung Quốc đã tấn công ông Barry Moore, dân biểu bang Alabama, người ủng hộ các trừng phạt đối với Bắc Kinh. Tài khoản này đăng bài gọi ông là « chó Do Thái » và nói rằng ông thắng các cuộc bầu cử trong nội bộ đảng nhờ « tập đoàn Do Thái », theo một điều tra của nhật báo Washington Post. Trong khi đó, Barry Moor không phải là người Do Thái. “Spamouflage” tên gọi hoạt động tin giả có liên quan đến Nhà nước Trung Quốc “ trở nên dữ dội hơn trong các nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận trước các kỳ bầu cử tổng thống”, theo một báo cáo của Graphika, công ty chuyên nghiên cứu về bóp méo thông tin. Người Trung Quốc cũng lập các tài khoản trên mạng xã hội giả là người Mỹ và gây chia rẽ bằng những bình luận về các chủ đề nóng như cuộc xung đột tại Gaza. Cũng bằng cách đó, người Nga phát động các cuộc tấn công ngụy trang nhằm chống các ứng viên thân Ukraina tại Quốc Hội.

Iran tấn công tứ hướng

Về phần Iran, lo lắng về khả năng chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ, họ đang tấn công theo mọi hướng.

Iran đột nhập tin tặc đánh cắp các tài liệu từ ê -kíp của Donald Trump và gửi cho phía Joe Biden cũng như các tờ báo. Iran cũng cố gắng đột nhập vào máy tính của đảng Dân chủ,  lập ra một loạt các trang truyền thông giả mạo.

Nio Thinker, một trang tự nhận là  “thông tin cánh tả đích thực” chỉ trích Donald Trump. Ngược lại, tờ Savannah Time tự cho mình là người bảo thủ và bôi nhọ Kamala Harris.

Người Iran không chỉ hài lòng với hành động ảo. Teheran đã hứa sẽ trả đũa Donald Trump và cả chục quan chức trong chính quyền của ông sau vụ ám sát tướng Qassem Soleimani vào năm 2020. Vào tháng 7 năm nay, một người đàn ông Pakistan thân với Iran đã bị bắt ở Mỹ vì tìm cách tuyển mộ sát thủ để ám sát một chính trị gia.

Về các tài khoản giả trên mạng xã hội của Trung Quốc, « họ không tạo được quy mô đáng kể”, Graphika ghi nhận. Câu hỏi chính là việc tuyên truyền này thực sự có tác động hay không? Giáo sư Joshua Tucker  cho rằng «  Rất khó có thể đo được mức độ hảnh hưởng của việc tuyên truyền này. Những hành động như vậy chắc chắc không có hệ quả quyết định đến phiếu bầu của cử tri. Về tổng thể, đó là những chiến dịch có quy mô hạn chế. Nhưng điều lo ngại hơn, đó là hệ quả gián tiếp là làm dấy lên căng thẳng và gieo rắc nghi ngờ.” Chuyên gia Kyle Walter thừa nhận các chiến dịch bóp méo thông tin đó “ không hoàn toàn có tác động, nhưng nếu không có tác dụng thì người Nga chắc sẽ không đầu tư nhiều tiền bạc như vậy vào lĩnh vực này từ hàng thập kỷ nay.”

Các cơ quan tình báo đã cảnh báo can thiệp nước ngoài sẽ không dừng lại ngày 05/11. Người ta có thể dự báo một đợt tấn công mới vào việc xác nhận kết quả bầu cử, nhất là khi kết quả chỉ chênh lệch nhau vài phiếu.

(Theo Le Figaro)

No comments:

Post a Comment