Saturday, September 21, 2024

Pháp : Thủ tướng Michel Barnier lao đao để lập một chính phủ cân bằng
Anh Vũ
Đăng ngày: 20/09/2024 - 16:06Sửa đổi ngày: 20/09/2024 - 17:20
RFI

Thủ tướng Pháp chuẩn bị công bố thành phần chính phủ sau hai tuần nhậm chức là chủ đề bao trùm các báo Pháp ra hôm nay, 20/09/2024.

Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier tại một sự kiện của đảng cánh hữu LR, Annecy, 12/09/2024. AFP - JEFF PACHOUD

Hai tuần sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng với dày kín các cuộc gặp gỡ tham khảo ý kiến, nội các Michel Barnier đã hình thành. Tân thủ tướng tối qua (19/09) đã đề xuất với  tổng thống  Emmanuel Macron danh sách thành phần nội các mới. Trang nhất Le Figaro đề cập đến: « Cuộc mặc cả cuối cùng để thành lập chính phủ ». Tờ báo ghi nhận : « Barnier vượt lên những căng thẳng với phe Macron và hoàn tất chính phủ của mình ».

Dường như phác thảo thành phần nội các của Barnier đã được tổng thống chấp nhận. Phủ thủ tướng hứa sẽ công bố thành phần chính phủ trước ngày Chủ nhật này, vì còn phải đợi một ủy ban cao cấp thẩm định tài sản cá nhân của các nhân vật được đề xuất cho ý kiến. 

Hầu hết các báo đều chung một nhận xét là tân thủ tướng Michel Barnier đã rất khó khăn trong việc hình thành một chính phủ «  cân bằng » và « tập hợp đoàn kết » như hứa hẹn ban đầu, và đặc biệt là trong việc phân chia các chức vụ lãnh đạo các bộ quan trọng.

Les Echos chạy tựa chính tranh nhất : «  Chính phủ : Barnier khó nhọc để có thỏa thuận ». Cuối cùng ông Barnier cũng đã đưa ra được danh sách 38 thành viên nội các gồm 16 bộ trưởng, trong đó 7 người thuộc đảng Phục Hưng của tổng thống, 3 bộ trưởng của đảng Những người Cộng Hòa, phần còn lại được phân bổ cho các đảng cánh trung, hay các đảng nhỏ thuộc cánh hữu cũng như cánh tả.

Nhật báo thiên tả Libération có bài: « Chính phủ Barnier và Macron để đồng ý 38 cái tên », ghi lại những tình tiết các cuộc tham vấn,  thương lượng mặc cả dày kín trong suốt ngày hôm qua của tân thủ tướng và cuối cùng tờ báo nhận định : « Trong cái giao kèo mù mờ của liên minh chắp vá vào phút chót đã thấy có mầm mống chia rẽ trong tương lai ».

Còn Le Figaro bình luận :  « Thủ tướng biết rằng ông phải đối mặt với sự thù địch cố hữu của Mặt Trận Bình Dân Mới, sự thù địch đến muộn của đảng Tập hợp Dân tộc, giờ đây ông phải tính đến sự thù địch xảo trá của phe tổng thống. Michel Barnier chỉ còn một quân bài chủ: công khai, nhờ người dân Pháp làm chứng. Nói với họ rằng ông sẽ không có phép lạ nào đâu, rằng cuộc chơi sẽ khó khăn, nhưng ông sẽ tập trung vào công việc của mình ».

Trong khi đó nhật báo Le Monde đề cập đến « Căng thẳng đầu tiên giữa Macron và Barnier », tựa lớn trên trang nhất của tờ báo. Le Monde cho thấy, thành lập chính phủ mới đã làm dấy lên những bất hòa giữa tổng thống Emmanuel Macron và Michel Barnier về thành phần chính phủ cũng như định hướng chính sách từ hai tuần qua. Ông Michel Barnier, thủ tướng già nhất của nước Pháp đã phá kỷ lục về thời gian để thành lập chính phủ.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều tờ báo không  hy vọng chính phủ mới của Michel Barnier sẽ tồn tại được lâu.  Trong một bài viết khác, Le Figaro cho thấy nhân vật cánh tả có trong danh sách ứng cử viên thủ tướng ban đầu, nhưng đã không được tổng thống chọn là ông Bernard Cazeneuve. Tờ báo trích dẫn các phân tích của giới quan sát và những dân biểu cánh tả nhận định, ông Cazeneuve sẽ trở thành thủ tướng trong những tháng tới. Tờ báo cũng cho biết, ông Cazeneuve vẫn tiếp tục chiến dịch vận động chuẩn bị cho khả năng có thể lại được chỉ định làm thủ tướng, nhưng con đường cũng không hề bằng phẳng với vị cựu thủ tướng dưới thời tổng thống thuộc đảng Xã Hội François Hollande.

Vụ nổ đồng loạt thiết bị liên lạc ở Liban, Israel đứng đằng sau ?

Chuyển qua với thời sự quốc tế. Sự kiện nóng là tại Liban với vụ hàng loạt các thiết bị thông tin của Hezbollah - sau máy nhắn tin đến bộ đàm - bị kích nổ đồng loạt trong những ngày qua, làm 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương mà đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Về sự kiện này, trang nhất báo Le Figaro chạy tựa lớn « Israel đã hai lần bẫy Hezbollah như thế nào ». Phóng sự của tờ báo cho thấy các công ty bình phong ở Hungary và Bulgaria có thể ra đã giúp Mossad, cơ quan tình báo giao những chiếc máy bị cài bẫy này cho Hezbollah. Đó là công ty BAC Consulting Kft, có trụ sở tại Hungary, thay mặt cho một công ty Đài Loan, Gold Apollo, cung cấp các máy nhắn tin bị kích nổ gây hỗn loạn trong lực lượng dân quân Shia của Hezbollah hôm thứ Ba. Loạt vụ kích nổ tương tự đã được thực hiện hôm thứ Tư với máy bộ đàm. Công ty Nhật Bản Icom, chuyên sản xuất máy bộ đàm, đảm bảo với các cơ quan báo chí rằng họ đã không sản xuất loại mẫu máy này từ chục năm nay và các mẫu đang lưu hành là « hàng giả ». Cuộc truy tìm nguồn gốc các thiết bị này đến giờ vẫn không có kết quả.

Dù chưa có ai tuyên bố chính thức, mọi chi tiết đều cho thấy BAC Consulting Kft là công ty bình phong được các cơ quan của Israel sử dụng để gài bẫy Hezbollah. Tuy nhiên, các chuyên gia tình báo cảnh giác với những thông tin được chắt lọc chỗ này chỗ kia dưới vỏ bọc giấu tên.

Theo Le Figaro, chiến dịch này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ. Các lực lượng Israel đã có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động quy mô lớn và được lên kế hoạch trong nhiều năm. Như trường hợp họ đã từng cài được virus Stuxnet vào hệ thống tin học để gây nhiễu loạn thiết bị làm giàu uranium của Iran cách đây vài năm. Israel cũng có khả năng huy động nguồn lực công nghệ khổng lồ để đạt được điều tưởng như không thể.

Hai công ty bình phong khác đã được thành lập, ngoài BAC, để xóa dấu vết và đề phòng bị truy ngược về Israel. Theo nhật báo Mỹ New York Times, lô hàng máy nhắn tin bắt đầu được chuyển đến Liban vào mùa hè năm 2022 với số lượng nhỏ. Chúng được cho là do Norta Global Ltd, một trong những công ty vỏ bọc, có trụ sở tại Sofia, Bulgaria gửi đến. Theo nhà báo điều tra Andras Dezso của Telex, công ty này cũng không khác gì với công ty Hungary.

Vẫn còn nhiều khoảng tối xung quanh các chi tiết của hoạt động dẫn đến vụ nổ hôm thứ Ba và thứ Tư. Việc bẫy vài nghìn máy nhắn tin thậm chí còn phức tạp hơn. Đối với các chuyên gia về các hoạt động đặc biệt, một trong những bí ẩn chính là khi nào cơ quan Israel đặt chất nổ vào thiết bị: từ khâu thiết kế, trong quá trình chuyển giao...  Nhưng có thể chiến dịch này là ngòi nổ cho của cuộc chiến tranh mới của Israel với phong trào Hezbollah.

Khi các nền dân chủ đọ sức với mạng xã hội

Chuyển sang chủ đề khác với nhật báo La Croix. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất : « Mạng xã hội, các quốc gia tấn công » phản ánh thực tế nhiều quốc gia dân chủ, trong đó có Pháp đã tuyên chiến với các nền tảng trên mạng internet.

La Croix nhận thấy những ngày gần đây hàng loạt quốc gia dân chủ ra những hình phạt chưa từng có nhằm vào các mạng xã hội. Những quyết định như vậy được đưa ra với lý do là các nền tảng trên mạng đó đã giúp phổ biến những nội dung bất hợp pháp hay loan truyền tin giả. Điển hình là vụ chính quyền Pháp bắt giữ Pavel Durov, ông chủ của mạng nhắn tin Telegram, hôm 24/08. Từ hôm 03 /08, Brazil cấm mạng X. Chính quyền Úc muốn chặn truy cập Facebook, Instagram, TikTok hay Snapchat với trẻ em dưới 14 hay 16 tuổi.

Theo tờ báo, những quyết định mạnh mẽ này của tư pháp phản ánh cùng một mong muốn: chấm dứt tình trạng các nền tảng lớn và các ông chủ của chúng có thể ngồi trên pháp luật, không bị trừng phạt. Nhiều quốc gia đã coi cuộc chiến chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch và các hình thức can thiệp của nước ngoài – được tạo điều kiện thuận lợi do thiếu quy định đầy đủ về mạng xã hội – là một ưu tiên chính trị.

Nhưng La Croix cũng nhận thấy hạn chế các nền tảng lớn trên mạng internet quả thực là vấn đề đau đầu cho chính quyền các nước. Theo tờ báo, không chỉ có Iran, Trưng Quốc, Ấn Độ hay  Nga…. mà từ năm 2015, trên thế giới đã có 80 nước, bằng cách này hay cách khác áp dụng các hạn chế truy cập mạng xã hội hay mạng nhắn tin, theo số liệu của công ty chuyên về bảo vệ dữ liệu trên Internet SurfShark.

Lấy ví dụ như chính quyền Brazil từ 03/08 đã cấm hẳn mạng X, có khoảng 950 triệu người sử dụng trên thế giới, nhưng thực tế người sử dụng vẫn có thể truy cập trở lại.

Cuộc đọ sức giữa các quốc gia với các mạng xã hội mới chỉ bắt nhưng đã đầy nan giải vì các nước được tiếng là dân chủ phải cân nhắc xem các quyết định có xâm phạm với những quyền tự do ngôn luận, thông tin hay không.

Bắc Kinh cố thuyết phục Bruxelles bỏ thuế đánh vào ô tô điện

Về chủ đề kinh tế, trang kinh tế báo Le Figaro có bài « Xe điện: Bắc Kinh cố gắng vô ích để yêu cầu Bruxelles miễn thuế ». Cuộc họp giữa Ủy viên Thương mại Châu Âu, Valdis Dombrovskis và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Văn Đào, hôm thứ Năm, để thảo luận về thuế hải quan do EU áp đặt đối với xe điện của Trung Quốc, đã kéo dài đến hết buổi chiều. Khi đến họp, cả hai bên đều nói rằng họ quyết tâm « tiếp tục và tăng cường nỗ lực để tìm ra giải pháp được cả hai chấp nhận ».

Một chiến thắng sớm dành cho EU và một thất bại đối với Bắc Kinh, quốc gia mà cuộc họp này đánh dấu đỉnh cao trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm tránh bị áp đặt thêm thuế hải quan. Trong gần một năm, Ủy ban đã cố gắng thể hiện sức mạnh của mình để chống lại Trung Quốc, trong một chính sách thương mại mới nhằm mục đích trở nên « có chủ quyền » hơn. Có điều là Châu Âu luôn rất khó khăn trong việc thành lập mặt trận chung đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

Trong vòng công du tuần qua, từ Roma đến Berlin, lãnh đạo thương mại Trung Quốc đã nỗ lực thuyết phục và chia rẽ các nước này với các thành viên Liên Âu khác trong hồ sơ áp thuế bổ sung với xe ô tô điện nhập từ Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment