Sunday, June 23, 2024

VNTB – Nhắc đến đất đai, đủ mọi phiền phức
Thiên Thư
23.06.2024 3:29
VNThoibao



(VNTB) – “Tấc đất tấc vàng”
Xét về mặt ý nghĩa, câu thành ngữ này ngụ ý khẳng định về giá trị lớn của đất đai trong đời sống con người. Mỗi tấc đất đều quý giá như tấc vàng, từng phần nhỏ của mảnh đất đều đáng trân trọng. Đất đai ông bà, tổ tiên để lại, con cháu nên cố gắng gìn giữ, phát triển.
Trôi theo dòng thời gian, câu thành ngữ này dần được hiểu theo nghĩa đen nhiều hơn. Mỗi tấc đất, mỗi khoảnh đất, mỗi thửa đất, mỗi loại đất, mỗi khu đất… là mỗi loại vàng khác nhau khi giá cả đất đai càng lúc càng “leo thang”.

Thông tin từ báo chí, sáng 19/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương điều tra vụ giết người xảy ra trong một gia đình tại xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng theo thông tin từ lực lượng chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định, do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai giữa gia đình ông T và gia đình Thuyết từ trước nên Thuyết có ý định báo thù.

Phải chăng, đây là bi kịch đau đớn, xót xa của gia đình thời hiện đại? Mảnh đất chất chứa bao kỷ niệm, từng là nơi “chôn nhau cắt rốn”, từng là nơi trở về mỗi khi có đám bỗng chốc trở thành nguồn cơn của những tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí chửi bới, chém giết lẫn nhau.

Nhiều vụ kiện tụng tại tòa, nhiều vụ án tranh chấp đất đai, nhà cửa xảy ra với những hậu quả khủng khiếp thật đau lòng. Tất cả những vụ việc như thế cứ xảy ra mỗi năm từ Nam ra Bắc, chỉ vì lòng tham, sự ích kỷ và lòng hận thù mà ra.

Trong ngày 18/6, Thuyết từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về TP Quảng Ngãi, chuẩn bị sẵn 1 con dao, đến 21h cùng ngày, Thuyết đột nhập vào vườn nhà ông T và ẩn nấp trong vườn chờ đến sáng hôm sau gây án.

Như ở quê tôi, từ khi được đô thị hóa, đất đai có giá trị tăng cao rồi thêm mấy vụ đền bù giải toả, mở đường; thì gia đình, anh em, dòng tộc cũng xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp đất đai nhiều hơn. Những mảnh đất mà ngày xưa, họ hàng cho rằng có cho cũng không thèm xuống cái nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”; cái nơi mà buôn bán không được, đi lại cũng không xong; cái nơi mà xung quanh toàn là ruộng, vườn… giờ đây “đua nhau” mà tranh giành.

Vì đất đai mà bất chấp tất cả. Anh em thưa kiện nhau, hăm doạ nhau. Rồi còn mướn cả người ngoài xuống kiếm chuyện. Khi cái lý đuối thì lôi cái tình, nào là thừa kế, nào giờ đất đai của ông bà, tổ tiên chứ đâu phải của mày (trong khi mọi thứ đã chia rõ ràng, có giấy tờ hẳn hoi). Phận làm em phải cho đất cho chị, cho luôn cả con của chị. Rồi cháu nội, cháu ngoại, cháu đích tôn; thuyền theo lái, gái theo chồng… đủ mọi lý do để tranh giành đất đai.

“Ăn không được phá cho hôi”, quậy cho đục nước lên, làm sao cho đất đai đang bình thường thành đất tranh chấp, để không bán được. Cho dù gia đình có người thân đang cần tiền để chữa bệnh, đang cần tiền để lo cho con ăn học… cũng đành phải “bó tay” trong sự hả hê của những người tham lam. Nhiều gia đình mà cha con, anh em từ mặt nhau cũng vì vài mét đất. Rồi con cái sẵn sàng giết cả cha mẹ cũng chỉ vì căn nhà, và mối thù oán đó lại nối dài sang cả những đời sau.

Có thể thấy, cũng từ hai tiếng đất đai mà biết bao gia đình đã đánh mất chữ tình! Từ hai tiếng đất đai mà biết bao gia đình mệt mỏi vì nợ nần (con cái thấy ba mẹ còn tài sản là đất đai nên mặc sức ăn chơi, thiếu nợ thì… bán đất).

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân xuất phát cũng chỉ vì một chữ tham. Vì tham mà bất chấp tất cả, muốn giành, muốn chiếm đất đai của người khác; kể cả của người thân trong gia đình, trong họ hàng. Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân xuất phát từ giáo dục. Những bài học đạo đức ở trường không thể nào so sánh được với cám dỗ của đồng tiền, của lợi ích cá nhân….

Nhưng, dù bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, cứ mỗi lần nhắc đến hai chữ đất đai thì ôi thôi đủ mọi thứ chuyện…

 


 

No comments:

Post a Comment