Saturday, June 22, 2024

VNTB – Làm “nhà báo cách mạng” có dễ không?
Thới Bình
22.06.2024 3:42
VNThoibao



(VNTB) – Làm nhà báo cách mạng chỉ cần tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của “công an bảo vệ chính trị nội bộ – A03

 “Ngày Nhà báo Cách mạng” đã đi qua. Ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra làm nghề này quả là không dễ dàng gì khi cùng lúc phải chịu sự điều chỉnh của yêu cầu “định hướng tuyên truyền”; mặt khác phải tuân thủ các nguyên tắc lý thuyết mang tính nhập môn của nghề nghiệp.

Trước hết theo Luật báo chí, một mặt đưa ra giải thích “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử” (Điều 3.1).

Mặt khác thì phải tuân thủ ràng buộc “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân” (Điều 4.1).

“Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Điều 4.2.b).

Như vậy về nguyên tắc trước tiên phải là “cơ quan ngôn luận của Đảng”, tiếp theo đó là thứ tự: Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, và cuối cùng mới là diễn đàn của Nhân dân.

Nói vậy chứ để làm “báo cách mạng” và có “thẻ nhà báo” do nhà nước cấp, lại không yêu cầu đương sự phải là đảng viên, mà chỉ cần tốt nghiệp đại học, thi tuyển và vào được một tòa soạn tờ “báo cách mạng” nào đó, và làm việc ổn định ở đây tối thiểu hai năm sẽ xét thủ tục cấp “thẻ nhà báo”.

Hồi mới vào nghề, đại khái tôi đã trải qua các yêu cầu tối thiểu như vậy. Theo thời gian, khi được cất nhắc vào vị trí quản lý một bộ phận của tòa soạn, vẫn là chuyện không buộc phải là đảng viên, nhưng đến lúc này mới bắt đầu thấm thía sức nặng của cơ quan quản lý tư tưởng viết lách mang tên “công an bảo vệ chính trị nội bộ” (A03).

Vụ ông Trần Ngọc Hoằng, còn gọi là Năm Hoằng, Giám đốc nông trường Cờ Đỏ, Cần Thơ là vụ việc đầu tiên mà người viết đã nhận được những lần gặp gỡ của A03 trong can thiệp dừng triển khai sau hai bài báo về vụ khiếu kiện này.

Trong ký ức, tôi còn nhớ tiếp xúc với một người nông dân trong đoàn nông dân rủ nhau từ huyện Cờ Đỏ lên tòa soạn của tờ báo để tố cáo việc bị ông Trần Ngọc Hoằng o ép đất đai. Theo hồ sơ thì người nông dân này còn bị bắt ngồi tù 9 tháng vì đã phẫn uất chửi thề đúng một câu thấy ghi rõ trong giấy tờ là “đ. m. mày Năm Hoằng”.

Để chuẩn bị cho bài viết ghi nhận từ đơn thư và tiếp xúc bạn đọc đến từ Cờ Đỏ như kể trên, người viết đã đến Cần Thơ tìm hiểu thêm từ nông trường Sông Hậu, lúc đó giám đốc nông trường này vốn là Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang chuyển sang. Lần gặp gỡ đó được biết thêm vô số tình tiết về việc ỷ thế công thần cách mạng của Giám đốc Năm Hoằng, một người được cho là có mối quan hệ thân tình với ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt.

Sau bài báo đầu tiên phát hành với số lượng chữ viết dàn trọn một trang A3. Bài thứ hai tiếp nối thì bắt đầu xuất hiện A03 với đề nghị nên dừng vì “chú Năm lớn tuổi rồi”. Từ Cờ Đỏ cũng fax một thư mời nhóm phóng viên tác nghiệp xuống nông trường để tiện giải bày.

Thời điểm đó bất ngờ khác là được tin Giám đốc Năm Hoằng đột ngột qua đời trong một nghi vấn của yếu tố liên quan đến quan hệ tình ái với thư ký riêng là cô gái mới ngoài 30.

Kể từ đó A03 thường xuyên ghé tòa soạn ‘thăm nom’ hơn…

Đến khi tôi phải rời tòa soạn “báo chí cách mạng” để sang làm một phóng viên tự do thì A03 vẫn đeo bám như một duyên nghiệp; và đây là điều nằm ngoài dự tính về nội dung của bài viết chủ đề “làm “nhà báo cách mạng” có dễ không?”, như một nhàn đàm nhân dịp 20 tháng 6 “Ngày nhà báo cách mạng”.

 


 

No comments:

Post a Comment