VNTB – Khi giáo viên dùng quyền lực để gây bạo lựcChâu Nam Việt
04.06.2024 6:21
VNThoibao
Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới tương lai của cả xã hội. Nhưng đáng buồn, người thực hiện hành vi lại là giáo viên, những người đáng lẽ phải là hình mẫu, dẫn dắt và che chở học sinh. Như câu chuyện mới nhất, ngày 28/5, ông Nguyễn Hữu Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phú Trung (Củ Chi) vừa bị cách chức vì làm học sinh chảy máu đầu.
Nhà chức trách cho rằng ông Phúc đã vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của nhà giáo, tạo nên dư luận xấu, làm giảm niềm tin của phụ huynh và học sinh. Ngày 19/3, khi ông Phúc đánh trọng thương một học sinh lớp 2/8 trong giờ học môn Toán. Trong nội dung bản tường trình gửi cơ quan chức năng, ông Phúc cho rằng đã “lỡ tay gây thương tích cho học sinh”. Ông hiệu trưởng này đổ lỗi cho học sinh không chú ý, đã nghiêng đầu ra sau và tự mình vướng vô song loan, gây chảy máu.(1)
Hay vụ việc năm 2023, một cô giáo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) túm cổ áo nữ sinh kéo đi vì không mua bánh sinh nhật đúng ý mình. Trước khi sự việc xảy ra, cô giáo là giáo viên tư vấn tâm lý học đường và giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân.(2)
Nặng hơn là vụ việc giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã đánh học sinh gãy ngón tay. Giấy chứng thương của cơ sở y tế xác định học sinh bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón 4 (bàn tay phải). Tuy nhiên, giáo viên này chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.(3)
Đây là những trường hợp bạo lực trên thân thể học sinh, chưa kể những vấn đề bạo lực tinh thần cho các em. Nhưng một điều đáng quan ngại là người gây bạo lực là hiệu trưởng, giáo viên tâm lý, giáo dục công dân, chủ nhiệm lớp. Những người có quyền lực nhất và cũng có thể đã được đào tạo tâm lý, kỹ năng sư phạm nhiều nhất.
Đúng ra họ phải là những người duy trì trật tự, kỷ cương và bảo đảm an toàn trong lớp, trong trường học. Đồng thời họ phải luôn gương mẫu, thương yêu, và chăm lo cho học sinh của mình vẫn còn rất non nớt, chưa đủ nhận thức và năng lực tự vệ. Nhưng thực tế thì ngược lại, họ là những người lạm dụng quyền lực nhiều nhất để hành hung học sinh, bất chấp các chuẩn mực đạo đức cần có của nghề giáo.
Trong hướng dẫn ứng xử của giáo viên có nói rất rõ rằng “giáo viên không được xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại học sinh”. Cho dù vì mục đích tốt đẹp thế nào thì việc có ý định làm đau, làm xấu hổ, làm cho “nhớ đời”… với học sinh cũng là sai. Vị thế của giáo viên có uy quyền hơn, sức mạnh lớn hơn mà đánh, phạt một đứa trẻ yếu thế hơn, ít lý lẽ hơn, sức khỏe kém hơn… là hành động đê hèn.
Hậu quả mà học sinh bị bạo lực thường chịu tổn thương tâm lý nặng nề, dẫn đến sự sợ hãi, mất tự tin và giảm sút động lực học tập. Nhiều em có thể bị ám ảnh từ đó không thể tập trung vào việc học và có kết quả học tập kém. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em mà còn gây ra nhiều nguy cơ bất ổn cho xã hội.
Người xưa có câu “danh sư xuất cao đồ”, thầy giỏi thì trò sẽ là người xuất chúng. Nhưng ngược lại, thầy cô bạo lực thì đừng hỏi tại sao học sinh cũng thích giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Và khi các em lớn lên, áp dụng những cách hành xử mà các em được học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thì cả xã hội sẽ giao tiếp với nhau như thế nào? Việt Nam sẽ trở thành một đất nước của những tên côn đồ xử lý mâu thuẫn theo kiểu giang hồ hay sao?
______________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/hieu-truong-lam-hoc-sinh-chay-mau-dau-bi-cach-chuc-4751614.html
No comments:
Post a Comment