VNTB – Dân biểu Vũ Trọng Kim có… ‘phản động’ không?Nguyễn Huyền
08.06.2024 5:57
VNThoibao
Ý kiến đề xuất này được nêu vào sáng 7-6-2024 tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.
Dân biểu Vũ Trọng Kim (tên trên giấy tờ Võ Văn Kim) kiên trì đề xuất thí điểm bầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của Nhân dân với quy trình đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của Hội đồng nhân dân, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc.
Bốn năm về trước, thời điểm vào năm 2020, tại Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, dân biểu Vũ Trọng Kim đã đề xuất nên thí điểm bầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân. Lần này, ông Vũ Trọng Kim nhắc lại: “Khi đó, trong Quốc hội có đại biểu ủng hộ, có người không ủng hộ… Nhưng đó là bước đi, tiến thêm bước đi dân chủ”.
Ông Kim nói rằng cần có sự phân quyền mạnh mẽ hơn, vì đây là điều kiện để thí điểm.
Gián tiếp bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của dân biểu Vũ Trọng Kim, ý kiến của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là không gian và dư địa phát triển của Đà Nẵng đang bắt đầu bị bó hẹp, nên rất cần một cơ chế mới để nơi đây phát huy được vai trò là trung tâm của vùng, vùng động lực miền Trung từ Huế vào đến Quảng Ngãi.
“Đà Nẵng là một cực tăng trưởng của cả nước nên khi bàn cơ chế không phải bàn riêng cho Đà Nẵng, mà cho cả vùng động lực này. Đà Nẵng phải đi trước, phải đạt được những thành tựu cao hơn, nhanh hơn nữa để lôi kéo, thúc đẩy và lan tỏa ra các địa phương khác”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, và cũng theo vị Bộ trưởng này, thì nếu thấy phù hợp hãy cho phép được áp dụng và nhân rộng cho các địa phương khác; bởi, “chúng ta cũng không cần phải chờ làm mất cơ hội của các địa phương khác”.
Từ rất lâu trước đó, ở Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng nhấn mạnh: “Thí điểm việc Nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp quyết định phê chuẩn; trên cơ sở tổng kết thí điểm sẽ xem xét thực hiện chính thức chủ trương này cùng với việc xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về việc nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã” (*).
Năm 2008, chính phủ đã giao Bộ Nội vụ hoàn chỉnh đề án về thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã trên cơ sở pháp lý về dân chủ trực tiếp.
Tuy nhiên trong phiên bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã không có điều khoản nào về chuyện lá phiếu của Nhân dân trong lựa chọn ai là Chủ tịch UBND các cấp.
Nói một cách khác thì dân chủ vẫn chưa được mở rộng, từ đó, dẫn đến quyền dân chủ, lợi ích chính đáng của người dân bị xâm phạm ở mức độ khác nhau, và lẽ đó nên việc đấu tranh cho dân chủ cũng gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng này, vấn đề đặt ra là, cần phải làm gì để tạo động lực mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới và hội nhập?
Ý kiến của dân biểu Vũ Trọng Kim như nêu trên trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện tại cho thấy rất cần sự quan tâm ủng hộ, thay vì suy diễn chụp mũ “diễn biến hòa bình”, hay “phản động”; bởi dân bầu trực tiếp là một hình thức của dân chủ trực tiếp. Và đây vẫn là một chế định còn mới mẻ đối với thể chế chính trị ở Việt Nam.
______________
Tham khảo:
(*) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, trang 174.
No comments:
Post a Comment