Tuesday, June 4, 2024

Tư duy chiến lược của TrungQuốc đối với Đài Loan nhìn từ hai cuộc tập trận
Nguồn: 晨枫(Thần Phong), “本次演习,和2022年8月的有什么不同?”, GuanCha, 26/05/2024
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
04 June, 2024
NghiencuuQT


Từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 5, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức cuộc tập trận “Liên hợp lợi kiếm 2024A” gồm các lực lượng như lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa ở eo biển Đài Loan; phía Đông, Nam, Bắc của đảo Đài Loan và xung quanh các đảo Kim Môn, Mã Tổ, Ô Khâu và Đông Dẫn.

Từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 5, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức cuộc tập trận “Liên hợp lợi kiếm 2024A” gồm các lực lượng như lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa ở eo biển Đài Loan; phía Đông, Nam, Bắc của đảo Đài Loan và xung quanh các đảo Kim Môn, Mã Tổ, Ô Khâu và Đông Dẫn.

Cuộc tập trận này được “khởi đầu lạnh” (Cold Start) mà không báo trước, điều này thể hiện đầy đủ sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLA ở tiền tuyến. PLA phải luôn cảnh giác trước phong trào đòi độc lập cho Đài Loan, đồng thời chống Đài Loan độc lập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với PLA.

Tuy vậy, không dễ để một đội quân lớn có thể khởi đầu lạnh. Không khó để thực hiện khởi đầu lạnh với một lượng nhỏ quân tinh nhuệ, nhưng như vậy có lẽ là chưa đủ. Những đội quân lớn thì khác. Một khi đạt được khởi đầu lạnh, có thể phát động cuộc tấn công ngay tại chỗ mà không báo trước và định đoạt cán cân chiến trường trước khi đối phương kịp định hình. “Binh quý ở thần tốc”, điều này không chỉ thể hiện ở sự nhanh chóng trong hành động, mà còn thể hiện ở sự nhanh chóng trong khởi đầu.

Rất ít quốc gia trên thế giới có thể thực hiện khởi đầu lạnh với một lực lượng lớn. Bản thân điều này đã hàm chứa sức răn đe mạnh mẽ và chỉ các cường quốc quân sự hàng đầu mới có thể thực hiện được. Đây là một cuộc thử nghiệm lớn về quá trình huấn luyện, chỉ huy và kiểm soát cũng như tính toàn vẹn của trang thiết bị trong quân đội. Và PLA đã làm được điều đó.

Khởi đầu lạnh phải được lên kế hoạch trước, nhưng việc răn đe đòi hỏi phải “lộ một tay” và “giấu một tay”. Không “lộ một tay” thì chưa đủ sức răn đe, mà không “giấu một tay” thì cũng không ổn, để lộ hết con bài trong tay là một điều cấm kỵ trong binh pháp. Dù có chiếm được ưu thế áp đảo thì cũng không thể để lộ con át chủ bài của mình. Tuy nhiên, thông qua việc so sánh cuộc tập trận tháng 8 năm 2022 với cuộc tập trận tháng 5 năm nay, chúng ta vẫn có thể nắm được những thay đổi trong tư duy chiến lược quân sự của PLA ở eo biển Đài Loan.

Cuộc tập trận tháng 8 năm 2022

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm 2022, PLA đã tổ chức một cuộc tập trận gây chấn động. Đây là cuộc tập trận công khai đầu tiên nhằm “bao vây và tấn công” đảo Đài Loan. Trước đó, các cuộc tập trận về cơ bản đều đẩy trực diện từ hướng eo biển.

Có sáu khu vực trong cuộc tập trận tháng 8 năm 2022. Nếu coi khu vực ở phía Đông Bình Đàm và phía trong eo biển là Khu A và đánh dấu các khu vực ABCDEF theo chiều kim đồng hồ, vậy thì khu vực ABC nằm ở phía Bắc đảo Đài Loan và DEF là khu vực ở phía Nam đảo Đài Loan. Điều này xác định các phương hướng hoạt động chính của cuộc tập trận.

Có thể hiểu Khu A là lực lượng chủ lực có nhiệm vụ đổ bộ trực tiếp, Khu B là nơi kiềm chế tuyến phía Bắc và đổ bộ giả, còn Khu C có nhiệm vụ chính là ngăn chặn lực lượng Mỹ-Nhật tới từ Ryukyu.

Khu D nằm ở phía Đông đảo Đài Loan và hướng ra phía Tây Thái Bình Dương, nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ. Khu E giám sát và kiểm soát eo biển Bashi, với nhiệm vụ chính là ngăn chặn lực lượng không quân Mỹ tới từ đảo Guam. Khu F đối diện với Cao Hùng, mà tầm quan trọng của việc tấn công và phong tỏa căn cứ địa của phe độc lập ở miền Nam Đài Loan là điều không nói cũng biết.

Tình thế này không chỉ có thể gây áp lực toàn diện, mà còn giữ được sự linh hoạt trong việc chuyển trục tấn công. Lực lượng ở Khu A có thể tiến thẳng tới Long Môn và tấn công Tân Trúc và Đào Viên ở Đại Đài Bắc, hoặc có thể đổ bộ vào miền Trung Đài Loan, cắt đứt mối liên lạc giữa hai miền Bắc Nam, đồng thời phối hợp với Khu B để đổ bộ xuống đầu phía Bắc và tấn công Đại Đài Bắc ở thế gọng kìm, hoặc phối hợp với Khu F để đổ bộ vào phía Nam trước.

Lực lượng hải quân và không quân ở Khu C và D cũng có thể chuyển trọng tâm tấn công sang Đại Đài Bắc và hỗ trợ các hoạt động đổ bộ ở Khu A và B. Phần phía Nam tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ kiềm chế và phong tỏa, nhưng Khu F cũng có thể trở thành hướng đổ bộ bất ngờ, giống như cuộc đổ bộ Normandy không được phát động từ hướng Calais như dự liệu.

Nhìn chung, đây là một phương án tác chiến tập trung vào việc “đổ bộ”, đồng thời chừa đủ không gian cho “tấn công”.

Chiến lược quân sự đối với Đài Loan có ba ý tưởng chính: đổ bộ trực tiếp, tấn công bằng hỏa lực và phong tỏa ngoài khơi.

Đổ bộ trực tiếp là cách thức gọn ghẽ nhất nhưng sẽ gây ra nhiều thiệt hại nhất, tốn chi phí nhất và ở ngưỡng cao nhất. Đổ bộ trực tiếp đã từng là lựa chọn thực tế duy nhất, với các phương thức đã phát triển từ cuộc chiến của hàng nghìn con tàu sang các phương tiện hiện đại như thủy phi cơ, trực thăng và lính dù, nhưng bản chất không hề thay đổi: quân mặt đất với quy mô lớn trực tiếp đổ bộ lên đảo Đài Loan và tiêu diệt về mặt vật lý mọi lực lượng kháng cự. Đổ bộ trực tiếp cũng có lợi cho việc đánh nhanh thắng nhanh và không cho lực lượng bên ngoài có cơ hội can thiệp.

Ngày nay, khi năng lực của không quân và hải quân, cũng như khả năng tấn công tầm xa của PLA ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, tấn công bằng hỏa lực cũng trở thành lựa chọn hàng đầu. Các cuộc tấn công bằng hỏa lực cũng có sức tàn phá rất lớn, chủ yếu là nhằm phá hủy cơ sở vật chất, khả năng gây sát thương vật lý đối với người là tương đối nhỏ, nhưng lại có mức chi phí và ở ngưỡng thấp hơn rất nhiều.

Hỏa lực hải quân và không quân của quân đội Đài Loan từng vượt xa PLA, nhưng ngày nay lại trở nên không mấy đáng kể. Quân đội Đài Loan chưa bao giờ có hỏa lực tấn công tầm xa đáng lo ngại. Tên lửa hành trình “Hsiung Feng 2E” ngày nay cũng chỉ mang tính biểu tượng, nó tụt hậu so với nhu cầu về số lượng, uy lực và khả năng xuyên phá. Hiện nay, có vẻ như cuộc tấn công bằng hỏa lực chỉ mang tính một chiều.

Phong tỏa ngoài khơi tức là lợi dụng đặc điểm nằm cô lập ở một góc của đảo Đài Loan để cắt nguồn cung cấp năng lượng, vật chất và nhân lực đối với Đài Loan, khiến Đài Loan sụp đổ dưới sức nặng của chính mình. Việc phong tỏa ngoài khơi gây ra ít thiệt hại nhất, có mức chi phí và ở ngưỡng thấp nhất nhưng mất nhiều thời gian nhất và cũng dễ chịu sự can thiệp của kẻ địch bên ngoài nhất. Vì vậy, việc phong tỏa chiến trường trở thành thách thức chính.

Ba ý tưởng này không loại trừ lẫn nhau mà chỉ có sự khác biệt về mức độ ưu tiên. Tuy nhiên, việc cái nào quan trọng hơn luôn là chủ đề gây ra những tranh luận không ngừng. Trọng tâm của điều này nằm ở nhận thức cơ bản về việc địch mạnh, ta yếu hay địch yếu, ta mạnh.

Nếu địch mạnh, ta yếu thì nên tránh cảnh “đêm dài lắm mộng”, đánh nhanh thắng nhanh vẫn là lựa chọn tốt nhất, dù có chi phí và ở ngưỡng cao. Nhanh chóng tạo ra “sự đã rồi”, nhanh chóng chuyển sang thế phòng thủ vững chắc, củng cố thế trận có lợi trên chiến trường, ngăn chặn và đẩy lùi các đợt phản công mạnh mẽ của địch.

Nếu địch yếu, ta mạnh thì địch mới là kẻ sợ cảnh đêm dài lắm mộng. Chi phí tối thiểu là tiêu chí hàng đầu, ngưỡng tối thiểu giúp tăng rất nhiều tính linh hoạt trong việc ra quyết định. Sau khi nhanh chóng khiến cho hệ thống phòng thủ và cơ chế chung ở Đài Loan mất khả năng hoạt động, nhiệm vụ chính là ngăn chặn sự can thiệp của kẻ địch bên ngoài một cách hiệu quả.

Có thể nói, cuộc tập trận tháng 8 năm 2022 dựa trên ý tưởng coi đổ bộ là chính và tấn công là phụ, phong tỏa là cách thức phụ trợ thứ cấp. Nó phản ánh ý tưởng về việc đánh nhanh thắng nhanh và cố gắng tránh sự can thiệp của kẻ địch bên ngoài, cùng nhận thức cơ bản là địch mạnh, ta yếu. Cần lưu ý rằng, “địch” ở đây bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. Nếu chỉ tính riêng quân đội Đài Loan thì PLA có lợi thế áp đảo.

Cuộc diễn tập tháng 5 năm 2024

Cuộc tập trận lần này có nhiều điểm khác biệt. Nó được thực hiện dựa trên nhận thức địch yếu, ta mạnh và là sự kết hợp giữa tấn công và phong tỏa, trong đó đổ bộ trực tiếp là “cú đánh chí mạng” vào thời khắc then chốt.

Có năm khu vực chính trong cuộc tập trận tháng 5. Coi phần phía Bắc của đảo Đài Loan là Khu vực A và đánh dấu các khu vực ABCDE theo chiều kim đồng hồ, trông có vẻ như không có mấy khác biệt so với các khu vực của cuộc diễn tập tháng 8 năm 2022, nhưng thực tế lại có khác biệt rất lớn.

Hướng tấn công xuyên biển chính nằm ở phía trong eo biển đã không còn, chỉ còn lại Khu A ở phía Bắc đảo Đài Loan, nhưng nó cũng không hoàn toàn giống với khu vực ABC của cuộc tập trận tháng 8 năm 2022, phạm vi đã thu hẹp lại và phương hướng cũng dịch sang phía Tây. Chức năng vẫn là kiềm chế khu phía Bắc đảo Đài Loan, nhưng mục đích chính đã không còn là đổ bộ nữa, mà tấn công và phong tỏa mới là chủ yếu. Những nỗ lực ngăn chặn hướng tới Ryukyu cũng đã suy giảm.

Đại Đài Bắc là trung tâm chính trị, kinh tế và dân cư của Đài Loan và là trọng tâm quốc phòng của quân đội Đài Loan. Một cuộc tấn công trực tiếp vào trung tâm sẽ làm rung chuyển hệ thống phòng thủ, nhưng điều này cũng đòi hỏi một lực lượng mạnh mẽ. Ngay cả khi PLA có lợi thế áp đảo thì trước khi kẻ địch bị đánh bại, PLA cũng không nên hy vọng rằng kẻ địch sẽ sụp đổ ngay khi vừa đụng độ.

Tác chiến kiềm giữ thì có yêu cầu thấp hơn nhiều về quân số và hỏa lực nhưng vẫn đủ để tấn công và phong tỏa Cơ Long và Đài Bắc. Khu A cũng kiêm cả việc ngăn chặn Ryukyu, nguyên do của việc không thiết lập hướng tác chiến cụ thể có thể là bởi suy xét đến cường độ can thiệp của Mỹ-Nhật có khả năng xảy ra trong thực tế.

Căn cứ tác chiến Kadena của quân đội Mỹ từng là mối lo ngại thực sự đối với PLA. Tuy nhiên, dưới sức răn đe toàn diện của tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tên lửa lảng vảng, tên lửa tàu đối đất, tên lửa không đối đất, tên lửa tàu ngầm và sức mạnh không quân của PLA, nó không còn có thể được sử dụng như một căn cứ tiền phương đáng tin cậy nữa. Trên thực tế, trong những năm gần đây, trọng tâm của không quân Mỹ ngày càng chuyển sang đảo Guam vì nhận thấy Kadena có thể rơi vào trạng thái im hơi lặng tiếng ngay từ khi bắt đầu.

Thái độ của Nhật Bản cũng rất mơ hồ. Nhật Bản chưa từng nói rõ nếu quân đội Mỹ can thiệp vào eo biển Đài Loan thì liệu đây có phải là điều kiện để kích hoạt hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật hay không. Lực lượng tấn công thông thường của PLA mà hiện có thể uy hiếp Ryukyu cũng đã bắt đầu phủ khắp chính quốc đảo Nhật Bản. Cán cân sức mạnh trên không và trên biển đang nhanh chóng nghiêng về phía Trung Quốc. Điều này đã nhanh chóng nâng cao ngưỡng can thiệp của Nhật Bản, cũng như nhanh chóng hạ thấp ngưỡng phản công của Trung Quốc.

Một số người Nhật hay than rằng “eo biển Đài Loan có chuyện thì Nhật Bản cũng sẽ gặp vấn đề”. Tuy nhiên, Nhật Bản phải nghiêm túc hơn trong việc nhìn nhận vấn đề đưa chiến tranh đến chính đảo quốc của họ. Đài Loan không phải là lãnh thổ của Nhật Bản và các hoạt động quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan không tự động kích hoạt hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Mỹ đang chơi trò tạo sự mơ hồ về chiến lược trong vấn đề Đài Loan, Nhật Bản chẳng phải cũng vậy sao? Ngoài hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, quân đội Mỹ ở Ryukyu cần có sự chấp thuận của Nhật Bản để can thiệp vào các hoạt động trên eo biển Đài Loan. Nếu Nhật Bản từ chối kích hoạt hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, nước này có thể từ chối phê duyệt các hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ ở Ryukyu mà có thể mang ngọn lửa chiến tranh trở lại đất nước mình.

Trên thực tế, áp lực chính trị và sự răn đe quân sự đã làm giảm khả năng quân đội Mỹ ở Ryukyu can thiệp vào eo biển Đài Loan. Cuộc tập trận tháng 5 đã phản ánh nhận thức này.

So với Khu D của cuộc tập trận tháng 8 năm 2022, vị trí của Khu B trong cuộc tập trận lần này có chút tương đồng nhưng gần Hoa Liên hơn và điều này thể hiện sự khác biệt hoàn toàn về bản chất. Trong cuộc tập trận tháng 8, Khu D có chức năng chính là ngăn chặn hạm đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, trong khi chức năng thứ yếu là đe dọa Hoa Liên và Tô Áo. Giờ đây, chức năng chính của Khu B là đe dọa Hoa Liên và Tô Áo, còn chức năng thứ yếu mới là ngăn chặn hạm đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Tô Áo là cảng nước sâu hướng ra Thái Bình Dương, trong khi Hoa Liên sở hữu sân bay trong lòng đất lớn nhất Đài Loan. Cái trước có thể trở thành căn cứ thời chiến chủ yếu của tàu ngầm Đài Loan, trong khi cái sau hiện đã là căn cứ thời chiến chủ yếu của không quân Đài Loan rồi.

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về cách tấn công căn cứ Giai Sơn ở Hoa Liên, nhưng cách trực tiếp nhất vẫn là tiếp cận và tấn công bằng hạm đội và máy bay. Các căn cứ Tân Trúc và Đài Trung ở bờ Tây Đài Loan là “món quà miễn phí” đối với hỏa lực trên đất liền, việc tấn công chúng bằng tên lửa dẫn đường, hỏa lực tầm xa, tên lửa lảng vảng hay bom đã không còn quan trọng nữa. Mười tám loại vũ khí cùng tranh giành chiến trường, nỗi sợ không đến từ việc sợ rằng không đánh bại được, mà là sợ chưa đến lượt mình “chào sân” thì mục tiêu đã bị tiêu diệt mất rồi.

Do đó, căn cứ Giai Sơn ở Hoa Liên ở bờ Đông và căn cứ Chí Hàng ở Đài Nam có tầm quan trọng đặc biệt. Trong đó, căn cứ Giai Sơn quan trọng hơn, nó lớn hơn, sâu hơn, có lịch sử lâu đời hơn với cơ sở vật chất đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, dưới sự uy hiếp của Khu B vốn nằm ngay trước mũi Hoa Liên, căn cứ Giai Sơn khó lòng sống sót. Về mặt lý thuyết, những chiếc F-16 ở căn cứ Giai Sơn có thể cạnh tranh được với lực lượng hải quân và không quân ở Khu B, nhưng việc PLA dám đặt Khu B ngay trước mũi Hoa Liên cho thấy họ nắm chắc khả năng có thể đè bẹp căn cứ này.

Đây có thể là một trong những hướng hành động chính của các tàu sân bay của hải quân. Nếu chỉ dựa vào máy bay trên đất liền thì sẽ thiếu tính kịp thời và không đủ hiệu quả tác chiến.

Quân đội Đài Loan vốn đã là hổ giấy, sau khi lực lượng hải quân và không quân bị tiêu diệt, họ sẽ trở thành một con hổ chết.

Tuy nhiên, vẫn phải đề phòng sự can thiệp của quân đội Mỹ, đây chính là nhiệm vụ của Khu C và D. Khác với cuộc tập trận tháng 8 năm 2022, quân đội Mỹ không chỉ tăng cường lực lượng ở đảo Guam, mà còn đang định hình hướng tác chiến ở Philippines.

Đảo Guam đã trở thành căn cứ quan trọng nhất của quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây sẽ là căn cứ chính của các máy bay B-1, B-2, B-21, B-52, F-22 và F-35. “Guam Express” (Dongfeng-26) có thể làm gián đoạn hoạt động của Căn cứ Andersen trên đảo Guam, nhưng mật độ của hỏa lực không đủ để tiêu diệt Andersen.

Điều này quyết định việc Khu C sẽ trở thành chiến trường chính để ngăn chặn máy bay quân sự Mỹ ở Guam. Không giống như Khu E của cuộc tập trận tháng 8 vốn coi eo biển Bashi là vị trí ngăn chặn chính, khu vực C hiện tại tiến xa hơn về phía trước, điều này phản ánh một thực tế rằng: Cuộc tập trận tháng 8 có mục đích chính là ngăn máy bay quân sự Mỹ phóng tên lửa chống hạm LRASM từ eo biển Bashi tới hạm đội PLA ở eo biển Đài Loan và tên lửa hành trình “Tomahawk” về phía bờ Đông Nam Đài Loan. Hiện giờ cần phải tiến hành đánh chặn trước khi máy bay quân sự Mỹ phóng các tên lửa LRASM và “Tomahawk”, đồng thời cũng cần cung cấp lực lượng yểm trợ bên sườn cho Khu vực B để ngăn quân đội Mỹ ở Guam can thiệp vào các hoạt động tác chiến uy hiếp Hoa Liên.

Khu C còn chịu trách nhiệm ngăn chặn hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đây có thể là một hướng sử dụng chính khác của tàu sân bay hải quân. Đồng thời, dưới sự hỗ trợ của máy bay tiếp nhiên liệu, các máy bay trên đất liền cũng hỗ trợ hoạt động của tàu sân bay.

Khu D thì hướng về Philippines.

Đảo Luzon ở phía Bắc Philippines chỉ cách đảo Đài Loan 400 km và một số đảo nhỏ ở eo biển Bashi chỉ cách đảo Đài Loan hơn 200 km. Sau khi lên nắm quyền, Ferdinand Marcos đã tìm cách lôi kéo Mỹ để trấn áp Trung Quốc, điều này vừa hay trùng với ý tưởng can thiệp vào cuộc chiến ở eo biển Đài Loan của Mỹ. Hoạt động của Mỹ và Philippines ở đảo Luzon đã trở thành biến số mới lớn nhất trong tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan.

Quân đội Mỹ đã bố trí hệ thống tên lửa “Typhon” trên đảo Luzon. Đây là phiên bản tấn công mặt đất đơn giản hóa của hệ thống phòng thủ “Aegis” trên đất liền. Nó chủ yếu được sử dụng để phóng tên lửa hành trình “Tomahawk” và “tên lửa siêu thanh” SM6 (thực chất là tên lửa tàu đối không dùng để tấn công mặt đất). Dù đây chỉ là sự triển khai tạm thời trong thời gian tập trận chung nhưng chúng vẫn thể hiện ý đồ và khả năng trong thời chiến của quân đội Mỹ.

Thủy quân lục chiến Mỹ dự định triển khai một nhóm tác chiến giáp biển trên các đảo nhỏ ở eo biển Bashi, sử dụng tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không mà nhóm này mang theo để tạo ra một căn cứ hỏa lực cơ động và linh hoạt, nhằm kiểm soát vùng biển, vùng trời và cả mặt đất.

Cuối cùng, lực lượng không quân Mỹ sẽ đóng quân trên đảo để cung cấp sự yểm trợ trên không cho quân đội Mỹ trên đảo, đồng thời thành lập một lực lượng không kích độc lập để can thiệp vào các hoạt động trên eo biển Đài Loan.

Hiệp ước an ninh Mỹ-Philippines cũng gồm các điều kiện kích hoạt, nhưng Philippines “nghe lời” hơn Nhật Bản và có lẽ Mỹ có thể khiến Philippines bật đèn xanh cho các hoạt động của quân đội Mỹ.

Cuối cùng, quân đội Mỹ ở Ryukyu phải dựa vào “tấn công” để răn đe, còn quân đội Mỹ ở Philippines cũng không thể dựa vào “phòng thủ” để ngăn chặn. Trong hoàn cảnh lý tưởng, các tàu sân bay cũng buộc phải tham gia, nhưng đó là một chủ đề khác. Đối với chiến trường ở eo biển Đài Loan, nhiệm vụ của Khu D là ngăn chặn một cách hiệu quả sự can thiệp của quân đội Mỹ ở Philippines.

Khu D còn đóng vai trò phong tỏa Cao Hùng, đóng kênh vận chuyển chính ở phía Nam đảo Đài Loan, cô lập Đài Loan và tấn công ngôi vườn tinh thần của nền độc lập Đài Loan.

Khu E tương đối thú vị, nó hướng về Bành Hồ, đây là điều không xuất hiện trong cuộc tập trận tháng 8 năm 2022.

Khi tấn công Đài Loan, việc có nên tiến đánh Bành Hồ trước hay không luôn là vấn đề được bàn luận sôi nổi. Thi Lang đã tấn công Bành Hồ trước khi tiến đánh Đài Loan. Sau khi Bành Hồ bị khuất phục, triều đình nhà Trịnh trên đảo đã đầu hàng. Ở thời hiện đại, việc tấn công Bành Hồ trước có thể cũng mang lại lợi ích tương tự. Vấn đề là đêm dài lắm mộng sẽ tạo cơ hội cho kẻ địch bên ngoài can thiệp, năm xưa nhà Trịnh do bị cô lập, không người giúp đỡ nên mới đầu hàng.

Mục đích của sự kết hợp giữa tấn công và phong tỏa là nhằm đảm bảo Đài Loan không thể nhận viện trợ từ bên ngoài. Bành Hồ không xa cũng không gần đảo Đài Loan, nó đủ xa để cô lập và tấn công trước, và cũng đủ gần để hỏa lực tầm xa của Bành Hồ có thể bao quát nửa phía Nam của đảo Đài Loan một cách hiệu quả, qua đó khuếch đại đáng kể phần “tấn công” trong sự kết hợp giữa tấn công và phong tỏa.

Khoảng cách tương đối ngắn như vậy cũng có lợi cho cuộc đổ bộ thứ hai lên đảo Đài Loan. Hơn 70 km là khoảng cách thoải mái để tàu và trực thăng đổ bộ, thậm chí có thể để xe bọc thép lội nước có công suất cao trực tiếp vượt biển và lên bờ, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh của các lực lượng đổ bộ.

Nó cũng tương đối gần đất liền, máy bay trên đất liền và hỏa lực trên đất liền là đủ để cung cấp sự hỗ trợ chính yếu, không cần các tàu sân bay phải bận tâm ở đây.

Hãy thử tưởng tượng: Khu A vây chặt lực lượng chủ lực của quân đội Đài Loan ở phía Bắc, các cuộc tấn công bằng hỏa lực trên biển, trên không và tầm xa sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Đài Loan, đồng thời để mắt tới quân đội Mỹ ở Ryukyu. Khu B đánh bại lực lượng chủ lực cuối cùng của không quân Đài Loan, hoặc ít nhất là ngăn cản việc cất cánh. Khu C chống đỡ áp lực từ quân đội Mỹ ở đảo Guam và Tây Thái Bình Dương, ngăn không cho gửi quân tiếp viện. Khu D trấn áp quân đội Mỹ ở Philippines, đồng thời phong tỏa Cao Hùng thật chặt. Khu E thì đánh chiếm Bành Hồ với uy thế mạnh mẽ và uy hiếp đảo Đài Loan.

Dưới sự kết hợp của những cú đánh này, quân đội Đài Loan chỉ có hai con đường: bị bao vây hoặc đầu hàng. Về phần “Mô hình Bắc Bình”, năm đó Phó Tác Nghĩa do nhận thấy tất cả các lựa chọn khác đều đi đến ngõ cụt nên mới chọn cách đầu hàng.

No comments:

Post a Comment