Thực hư việc Ban Tôn giáo Chính phủ nói sư Minh Tuệ "tự nguyện dừng bộ hành khất thực"
2024.06.03
RFA
Mạng xã hội/ RFA edited
Ban Tôn giáo Chính phủ (viết tắt là BTGCP) Việt Nam sáng 3/6 tuyên bố cho biết ông Lê Anh Tú (thế danh của sư Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc bộ hành khất thực, tuy nhiên hai vị sư đi theo trong đoàn tiết lộ điều hoàn toàn trái ngược.
Cơ quan thuộc Bộ Nội vụ có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đăng tải bài viết trên trang web chính thức cho hay, ông Tú hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân, tự tu hành theo đạo Phật và đã đi bộ hành từ Nam ra Bắc và ngược lại nhiều lần.
BTGCP cho rằng, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo sư Minh Tuệ gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường, trong đó có vụ một người đàn ông đi theo đoàn tên Lương Thanh Sơn đã bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong vào ngày 30/5/2024.
"Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội.
Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực," cơ quan hành chính của Bộ Nội vụ viết.
TTXVN dẫn lời Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (Thừa Thiên Huế) là ông Lê Văn Thìn cho biết, tối 2-6, ông Lê Anh Tú và đoàn người đi bộ khất thực đã rời khỏi địa bàn xã; người dân đi theo cũng đã giải tán, không còn tụ tập.
Các sư bị công an bắt trong đêm, buộc viết cam kết dừng bộ hành
Trái ngược với tuyên bố của cơ quan Nhà nước, sư Minh Nhuận - người đi theo đoàn của sư Minh Tuệ nói trong một video được đăng tải lên Tiktok vào trưa 3/6, cho biết vào khoảng 1-2 giờ sáng cùng ngày khi đang nghỉ ở đỉnh đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, thì có hơn mười chiếc xe 16 chỗ mang biển xanh 75 (biển số xe của tỉnh Thừa Thiên Huế) và một chiếc xe 24 chỗ (biển số xe tỉnh Gia Lai) chở người đến khống chế các sư. Ông nói:
"Khi con đang ngủ, các anh em trong đoàn đang ngủ thì họ vô cửa, họ ào vào một cái một rồi họ nắm tay mọi người ra.
Hai người kèm một người (trong đoàn bảy mươi mấy người thì chắc phải có 100 người đó) là họ kề ra xe, họ chở đi họ chở một hướng đi Nam một hướng đi Bắc nhưng mà không biết sư Minh Tuệ và mọi người đang ở đâu.
Con và các huynh đệ thì chở ra Hà Tĩnh vô công an phường (xã-PV) Kỳ Trung lấy lời khai làm việc, ký cam kết này nọ buộc con phải ký là không đi chung đoàn và không vi phạm pháp luật."
Sư Minh Nhuận cho rằng bản thân không vi phạm pháp luật và không làm gì sai trái nên đã không đồng ý hợp tác nên bị công an chở ra bãi đất trống xa trung tâm thành phố Hà Tĩnh và thả xuống.
Sư Phúc Giác (còn gọi là Kim Cang) trong một đoạn video khác cũng cho biết, khi sư Minh Tuệ đang ngồi thiền thì bị năm công an khống chế dí xuống đất.
"Một người tu đang ngồi thiền mà năm ông đè ra làm gì? Thầy đâu có chống cự đâu mà người tu lấy gì mà chống cự. Ban ngày mời mình lên trụ sở hỏi han thì được chứ nửa đêm mà bắt người ta trói tay vào thì sao được?" - vị sư xuống tóc nguyện đi theo sư Minh Tuệ khoảng hơn 10 ngày nay cho biết.
Cũng theo ông, có khả năng 71 vị đi theo đoàn đều được trả tự do rải rác ở các tỉnh thành, còn lại sư Minh Tuệ thì không biết tin tức.
Phóng viên gọi điện thoại cho Phòng tham mưu công an tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đoàn các sư nghỉ lại tối qua, để xác minh thông tin trên. Tuy nhiên viên công an trực máy khẳng định không biết sự việc và nói "trên mạng nói lung tung thôi, không đúng đâu".
Ngoài ra, hình ảnh của sư Minh Tuệ trên mình vẫn đang khoác y bá nạp, bị một người mặc sắc phục công an buộc lăn năm đầu ngón tay trong trụ sở để làm căn cước công dân, cũng được lan truyền trên mạng.
Phóng viên xác minh với công an huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của sư Minh Tuệ để hỏi về việc ông bị đưa trở về đây làm căn cước công dân, tuy nhiên người trực ban bắt máy từ chối trả lời và yêu cầu lên trụ sở gặp lãnh đạo để được cung cấp thông tin.
Người dân nói gì?
Một số video, hình ảnh khác cũng cho thấy khoảng năm vị sư trong đó có sư Kim Cang, sư Thích Tự Do... ghé vào quán Phở Hà Nội, ở cổng Formosa, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào trưa 3/6 để xin cơm chay.
Một người không nêu danh tính vì lý do an ninh đã gặp các sư ở quán ăn này khẳng định, các sư ăn bánh phở không với nước tương và tiết lộ bị công an buộc viết cam kết phải từ bỏ đoàn bộ hành trở về nhà. Người này khẳng định:
"Trước mắt các sư trở về nhà tiếp tục ăn chay, tu hành và chờ xem sư Minh Tuệ hiện đang ở đâu rồi tính tiếp."
Một người dân ở Sài Gòn muốn ẩn danh để bình luận một cách thoải mái, cho rằng chính quyền đã không thể kiểm soát được số người tin và bộ hành theo đoàn của các sư tu theo hạnh đầu đà nên đã đổ hết hệ thống công quyền ra để ngăn chặn dân chúng với lý lẽ thường thấy "không quản được thì cấm". Ông chia sẻ:
"72 vị khất sĩ cùng ngài Minh Tuệ đã không cánh mà bay hồi đêm qua... Nhưng ngọn lửa của chân pháp vẫn đang rực cháy. Có lẽ bấy nhiêu đó đã đủ cho thức tỉnh những người hữu duyên."
Một nhà quan sát về Phật giáo ở trong nước không nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho rằng có khả năng sư Minh Tuệ đã bị bắt làm biên bản cam kết từ bỏ việc bộ hành như trong sáu năm qua, rồi bắt làm căn cước như một lý do chính và quay phim lại, chờ dịp để phát lên truyền hình Nhà nước.
"Sự kiện ông Thích Minh Tuệ được báo chí Nhà nước đưa tin là 'tự nguyện' không đi nữa, cách diễn giải đó giống như chuyện tù nhân tuyệt thực trong tù vì chế độ hà khắc được đưa tin là 'tự nguyện' không ăn cơm.
Đây là một trong những biểu hiện cụ thể cho thấy rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam chỉ là cái bánh vẽ mà Hà Nội đưa ra để giới thiệu với thế giới," người này nhận xét đồng thời cho rằng sư Minh Tuệ từ giờ trở đi sẽ không được để yên để tu hành "cho đến khi về một chùa nào đó và chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam."
Nhà quan sát này cho rằng, sở dĩ cơ quan công an phải hành động trước khi đoàn của sư Minh Tuệ đến Đà Nẵng và vào các thành phố lớn của miền Nam là do:
"Từ Huế, người ta thấy số lượng người đi theo sư Tuệ đã lên đến cả ngàn, và điều này đối với công an cũng như là Ban tôn giáo sẽ không thể cho phép sư Tuệ bước vào miền Nam và trở thành một cuộc diễu hành vĩ đại cho tự do tôn giáo được."
Xử lý các Youtuber đưa video về đoàn sư Minh Tuệ
Chiều 3/6, TTXVN cho biết cơ quan chức năng sẽ xử lý các trường hợp đưa thông tin sai lệch về trường hợp của sư Minh Tuệ.
Sở Thông tin truyền thông Thừa Thiên Huế trong cùng ngày đã làm việc với ông Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1990, trú tỉnh Bình Dương, quản lý kênh Youtube "15s Bình Dương") về việc đăng tải các video có tiêu đề, ảnh bìa bị cho là thể hiện nội dung "giật tít", "câu view" với những thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương và gây hoang mang trong nhân dân.
Hãng thông tấn Quốc gia trực thuộc Chính phủ Việt Nam cho hay, sau buổi làm việc, ông Tý đã nhận thức được việc đăng tải các nội dung trên đã tạo sự hiếu kỳ, tò mò khiến người dân tụ tập đông người làm cản trở giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Ông Tý đã viết bản tường trình và cam đoan không tái diễn việc làm tương tự; đồng thời, chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
No comments:
Post a Comment