Tuesday, June 4, 2024

Những cái đầu đất 
Nguyễn Thông
3-6-2024
Tiengdan

Ngân hàng Nhà nước ngày 28.5 thông báo việc chấm dứt tổ chức đấu giá vàng. Sự đấu giá này đã được tiến hành từ ngày 22.4 đến 26.5, sau hơn một tháng thì thất bại thảm hại.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do nhóm 17 người biên soạn, trong đó có những nhà ngôn ngữ sừng sỏ như Hoàng Tuệ, Hoàng Văn Hành, Đào Thản, Nguyễn Văn Khang…, GS Hoàng Phê chủ biên), định nghĩa:

Đấu thầu: Đọ công khai ai nhận làm, nhận bán với điều kiện tốt nhất thì được giao cho làm hoặc bán (với những công trình hoặc mua hàng).

Từ điển Việt – Việt trên internet cũng giải thích tương tự: Quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng đủ yêu cầu để ký kết hợp đồng mua hàng hoặc giao làm công trình.

Trong đấu thầu, điều kiện để xét chọn nhà thầu gồm nhiều khía cạnh, gồm cả số tiền nộp để trúng thầu (người làm ăn quen gọi là tiền bỏ thầu). Ví dụ Hợp tác xã có cái đầm bỏ hoang, tổ chức đấu thầu đầm, sau khi đấu kín, người/ đơn vị nào có số tiền nộp hằng năm cao nhất, sẽ trúng. Thầu làm một công trình, ai chi phí rẻ nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng, sẽ trúng. Thầu có thời hạn, hết hạn thì hết quyền sử dụng, phải trả lại đầm cho bên tổ chức mời thầu. Cái gọi là “điều kiện tốt nhất” theo từ điển, chính là tiền.

Đấu giá: Bán hàng bằng hình thức để cho những người mua lần lượt trả giá, ai trả giá cao nhất thì được mua (cũng theo Từ điển Hoàng Phê).

Cả đấu thầu và đấu giá có đặc điểm chung: Ai trả giá “tốt” nhất thì được quyền sử dụng hoặc mua thứ được đem ra đấu, được thi công hoặc bán.

Được giao quản lý thị trường vàng, đề xuất những chính sách về vàng, kinh doanh vàng nhưng Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã gần như bất lực. Kể từ cuối tháng 12.2023, giá vàng tăng chóng mặt nhưng hai cơ quan này cứ múa tay trong bị, đến nỗi chính phủ và đích thân Thủ tướng phải chỉ đạo. Họ họp hành, bàn đủ phương cách, trong đó có cách tổ chức đấu thầu.

Không hiểu sao những cơ quan quản lý kinh tế trung ương với đủ ông nọ bà kia học hàm học vị sừng sỏ mà không phân biệt được nội hàm của đấu thầu, đấu giá. Nói thẳng ra, họ có thể giỏi chuyên môn nhưng rất ngu tiếng Việt. Hoặc họ hiểu nhưng cố tình ỡm ờ, nhập nhèm, ù xọe, lập lờ đánh lận con đen để tranh thủ vơ vét vàng trong dân, tiền trong dân. Bán cho người ta mua, ai trả giá cao nhất thì bán, phải là đấu giá chứ sao lại đấu thầu!

Không ai chủ trương bình ổn giá, kéo giá xuống, đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới mà lại tổ chức đấu thầu, thực chất là đấu giá. Đã đấu giá/ đấu thầu thì người tham gia muốn trúng tất phải trả giá cao. Trả cao thì tất nhiên phải bán cao. Ông hàng xóm nhà tôi bảo, vậy thì bình ổn giá, kéo giá xuống cái con mẹ gì.

Đó cũng là lý do để giải thích tại sao càng đấu, giá càng ngược ngạo, từ 73 triệu đồng/lượng (tháng 12.2023) lên ngự 93 triệu đồng (tháng 4.2024), tại sao các doanh nghiệp kinh doanh vàng không mặn mà tham gia, tại sao nhiều cuộc đấu thầu đã định nhưng tới giờ chót phải hủy. Nhẽ ra ngay từ đầu họ phải nhận ra sự vô lý của trò dở hơi ngu ngốc này, càng phải sớm dẹp sau mấy cuộc “vắng như chùa bà đanh” bị hủy. Chỉ tới khi bị dồn đến đường cùng, họ mới nhận ra sự ngu dốt và chấm dứt trò mèo.

Nếu chỉ trách đám Ngân hàng Nhà nước, thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Bộ Tài chính, bộ trưởng Hồ Đức Phớc thì cũng không phải. Nhưng “tội” của họ là có kiến thức chuyên ngành mà chỉ biết dựa vào cái bằng chính trị cao cấp để quản lý, điều hành, và nhất là chỉ biết cắm đầu tuân chỉ đường lối kinh tế thị trường có đuôi. Không đủ hiểu biết và dũng khí để làm tốt nhiệm vụ, hãy tránh ra cho người khác làm, hoặc bị cách chức. Đẹp cũng tránh ra. Chỉ mỗn việc như thế mà luấn quấn luẩn quẩn hết biết bao nhiêu thời gian, loạn cả thị trường, gây bất ổn về kinh tế-xã hội, thử hỏi không biết ngượng.

Nhẽ ra không cần phải tham mưu tham mẹo gì sất, không cần phải thủ tướng dính vào, chỉ cần cắp cặp sang Campuchia hỏi người ta làm thế nào mà vàng bình ổn vậy, bám sát giá thế giới vậy, rồi về áp dụng là xong. Không cần phải áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam. Cứ đúng luật kinh tế thị trường thì giá vàng nơi nào cũng vậy thôi.

Điều cũng khá lạ là, xứ này có rất nhiều nhà ngôn ngữ học, nhà kinh tế, nhà báo sừng sỏ, nhưng không ai lên tiếng về trò mèo đấu thầu vàng, chỉ ra cái sai của nó ngay từ khái niệm, thuật ngữ “đấu thầu”. May mà tới cuối tháng Tư có một vài đại biểu quốc hội tỏ ra nghi ngờ, thắc mắc, nhưng một cánh én cũng chả làm nên mùa xuân, giời ạ.


No comments:

Post a Comment