Mạnh Kim -
Bây giờ, không ai còn có thể "an toàn" dimanche 2 juin 2024
Thuymy
Cùng với Huy Đức, danh sách còn có vài người khác, trong đó có XXX. Không thân với Huy Đức và cả với XXX, anh T. muốn tôi nhắc với XXX rằng phải cẩn thận. Cá nhân tôi không thân Huy Đức. Trước giờ tôi chỉ gặp vài lần, trong đó có một số buổi chiêu đãi ngoại giao của các lãnh sự quán ở Sài Gòn. Do đó, tôi đã không nói gì với Huy Đức.
Vả lại, một người có quá nhiều nguồn như Huy Đức, từ công an, quân đội đến tình báo và cả các nhân vật chóp bu trong hệ thống, hẳn nhiên anh ấy biết nhiều hơn rất nhiều mà những gì “bên ngoài” biết về anh ấy. Tuy nhiên, tôi báo tức thời cho XXX, thậm chí còn nhắn thêm với vài bạn thân của XXX, để cùng đánh động rằng sự việc thật sự rất nghiêm trọng. Rằng đang có một làn sóng bắt bớ nhằm vào những người “mặc định” được xem là “bất khả xâm phạm”.
Quen thuộc với cách thức làm việc của an ninh (dựa vào việc quan sát đối tượng bị bắt, lý do được nêu khi bị bắt và thời điểm bị bắt), có một lúc, tôi tin rằng có một số người chắc chắn không bao giờ bị an ninh đụng đến.
An ninh thường chỉ nhắm vào những người hoạt động có tổ chức (cho dù “tổ chức” ở đây là một nhóm rất nhỏ), những người công khai kêu gọi cổ xúy hoạt động xã hội dân sự, những người có liên lạc với các tổ chức nước ngoài; và những người gặp gỡ viên chức ngoại giao phương Tây khi họ đến để tìm hiểu về tình trạng nhân quyền Việt Nam. Với những “đối tượng” độc lập, dù sức ảnh hưởng mạnh như thế nào, chỉ lên tiếng bày tỏ quan điểm, chủ yếu là cảm xúc nhiều hơn là lý lẽ và lập luận chạm đến hệ thống, thì “an toàn”.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, dường như cách thức làm việc của an ninh và công an bắt đầu thay đổi. Đối tượng họ nhắm đến rộng hơn. Mức độ nguy hiểm đe dọa cao hơn. Chẳng ai có thể an toàn được nữa.
Nếu lúc trước người ta chuẩn bị dư luận kỹ hơn trước khi ra tay bắt người, bây giờ họ trở nên bất chấp. Thái Văn Đường thậm chí bị bắt cóc ở Thái Lan. Trước khi được giới ngoại giao Đức can thiệp và đưa sang Đức an toàn, Nguyễn Tiến Trung cũng phát hiện mình bị theo dõi ở Thái Lan. Trước đó, khi còn ở Sài Gòn, dù hạn chế hoạt động tối đa, thậm chí đến mức “zero”, Nguyễn Tiến Trung vẫn bị dọa dẫm.
Điều đó cho thấy, “mới” cũng như “cũ”, còn “hoạt động” hay không, gần như bất kỳ đối tượng nào có “tiền án chính trị” cũng đều có khả năng bị bắt. Và người ta muốn bắt, chứ không phải chỉ giám sát và theo dõi. Thậm chí người ta sẵn sàng bắt những người mà không ai tin có thể bị bắt. Bắt với những quy kết rất không rõ ràng.
Khi nghe tin về “danh sách 2024”, do vậy, tôi đã không còn hồ nghi - về sự bất khả xâm phạm của một số người mà tôi từng tin họ không thuộc đối tượng mà an ninh cần bắt. Nếu trước kia, tôi tin rằng an ninh luôn cân nhắc vấn đề dư luận, sự “rúng động dư luận”, tác động và ảnh hưởng của sự việc, không chỉ với xã hội trong nước mà còn với cả phản ứng nước ngoài; thì bây giờ, tôi thấy rằng “niềm tin” này không còn “có cơ sở”. Bây giờ, dư luận đối với chính quyền không còn ý nghĩa gì. Cả nước đang sống trong sợ hãi. Chính sách khủng bố người dân bằng sự sợ hãi đã thành công gần như tuyệt đối.
Dư luận nước ngoài cũng không còn đủ mạnh để ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong cái gọi là thế giới toàn cầu và những ảnh hưởng ràng buộc toàn cầu, không còn có sự hiện diện của vấn đề nhân quyền. Với Mỹ lẫn EU, việc lên tiếng trước những vụ vi phạm nhân quyền ngày càng giống một hành động mang tính chiếu lệ. Việt Nam đang là một trong những trọng tâm của Mỹ trong bản thiết kế chính sách đối ngoại mà Hà Nội được dùng làm đối trọng với Trung Quốc.
Chẳng ai còn mặn mà thật sự với chuyện nội bộ Việt Nam. Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, thậm chí Trần Huỳnh Duy Thức… chỉ là những cái tên, rất cô độc, như là những con chữ lẻ loi, nằm trong bản báo cáo tình trạng nhân quyền Việt Nam. Họ không còn hiện diện trên bàn làm việc chính sách của giới chức ngoại giao giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists) cho biết, thời điểm hiện tại, ít nhất 19 nhà báo trong nước đang bị giam. Hai người bị bắt trong năm 2024 là Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình. Freedom House cho biết thêm, ít nhất 60 blogger và nhà hoạt động đã bị kết tội “làm, tàng trữ và phát tán tài liệu chống nhà nước” kể từ năm 2018. Và theo đánh giá và xếp hạng của Reporter Without Borders, Việt Nam hiện nằm ở vị trí 174/180 trong bảng chỉ số về tự do ngôn luận - tệ hơn cả Nga (162/180) và Trung Quốc (172/180).
Bây giờ, không ai còn có thể “an toàn”, cho dù là người của phe nhóm hay là một người độc lập không dính dáng bất kỳ tổ chức nào, kể cả tổ chức phi chính phủ. Đã và sẽ không còn tiếng nói phản biện nào nữa. Không còn tư duy phản biện nào nữa, cho dù ý thức công dân vẫn mãnh liệt, và vẫn không thôi khát khao một tương lai sáng sủa hơn.
Đất nước đang chìm hay đi lên, tự mỗi người đều có câu trả lời.
MẠNH KIM 02.06.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment