Kiềng ba
chân: Lý thuyết và thực tế ở Việt NamKim Văn Chính
2-6-2024
Tiengdan
1. Đôi chút lý thuyết:
Chủ đề vậy mà rất khó viết. Nó quá rộng, đơn giản nhưng khó nói, khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu quan sát tầm rộng và có chiều sâu lịch sử, ta thấy nhiều vấn đề của nền chính trị ba chân kiềng.
Ai cũng biết cái kiềng chỉ có ba chân là đủ, không thừa, không thiếu. Hai chân không tạo ra kiềng vì chưa tạo ra được mặt phẳng cân bằng bền. Bốn chân thì thành thừa vì tạo ra đến hai mặt phẳng cân bằng dẫn đến tình huống thường trực “cập kênh” rất khó chịu và không bền bằng ba chân.
Lý thuyết quản trị hiện đại có dùng khái niệm “trụ cột” (Stakeholder) của các chủ thể hoặc quá trình phức tạp. Trụ cột có thể có nhiều, nhưng quan trọng nhất, đáng chú ý nhất, cần chăm sóc nhiều nhất thường là ba trụ cột chính.
Xưa, từ hồi Khổng Tử cũng có thuyết Tam cương, Ngũ thường, trong đó nêu bật ba trụ cột chính của xã hội phải vững bền, đó là vua – tôi; sư – đệ và phụ – tử. Lý thuyết chính trị tam quyền phân lập (phương Tây) là học thuyết xuất sắc của loài người đến nay chưa có học thuyết nào vượt qua. Các nước theo Chủ nghĩa Cộng sản dù không thừa nhận tính đúng đắn tuyệt đối của lý thuyết tam quyền phân lập nhưng về cơ bản, khi định hình khung thể chế (Hiến pháp, luật) và các tổ chức quyền lực (thiết chế quyền lực), không hề có sáng tạo gì mới hẳn, lại mượn toàn bộ các khung định chế của tam quyền phân lập lắp ráp vào xã hội. Ấy vậy nên từ nước Liên Xô xưa, đến nước ta mới có các định chế theo Hiến pháp như đảng, nhà nước và chính quyền để định hình xã hội đến ngày nay.
Các nước CSCN (Việt Nam) cũng có Quốc hội, Chính Phủ và các cơ quan tư pháp để phân định ba quyền: Lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của đảng (có người còn thêm lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện; nhưng có người lại nói đảng lãnh đạo trong khuôn khổ pháp luật với một nền pháp quyền – thêm đuôi XHCN). Nó tạo ra một lý thuyết bề ngoài cũng là dân chủ, công bằng, văn minh (Hiến pháp đầu tiên 1945 Hồ Chí Minh còn lấy nguyên đoạn mở đầu từ Hiến pháp Mỹ). Nhưng thực chất lại dị ứng với dân chủ theo đúng nghĩa của từ này, dị ứng với thuyết tam quyền phân lập, vốn là một lý thuyết tiến bộ không có tội tình gì.
2. Thi hành, thực hiện
Lý thuyết đã chưa được hanh thông, thực hành lại càng rắc rối. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp rối như cạnh hẹ: Vừa chồng chéo chức năng, vừa làm sai quyền lực trong sơ đồ tam quyền phân lập.
Về tổ chức, ta thấy xuất hiện khái niệm bộ tứ quyền lực đều được coi là “nguyên thủ” (danh nghĩa, quyền phân công, hình thức bảo vệ và thụ hưởng…). Ngoài bộ tứ, còn một trụ cột rất quan trọng là thường trực Ban Bí thư thành ra 5 trụ cột. Quá nhiều. Rồi trên thực tế ta thấy các chức danh như Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương quyền lực thực tế không hề nhỏ (quyền lực thật có khi còn cao hơn cả chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội).
Vậy là lý thuyết loạn và thực tế loạn. Quá nhiều trụ cột, nhiều người tự kỷ: Chế độ lãnh đạo tập thể, tập thể lãnh đạo, thủ trưởng tập thể nó vậy. Nó mang hình hài của Hội đồng làng ngày xưa… Trì trệ thật nhưng tính thuyết phục cao và sẽ không có chống đối, giữ được hòa khí, tức ổn định chính trị.
3. Nhìn lại kinh nghiệm gần:
100 năm tồn tại Đảng CSVN, 70 năm xây dựng chế độ đủ dài để nhìn lại các kinh nghiệm của chính mình. Thực ra bây giờ muốn dựa cũng không còn chỗ nào tin cậy ở nước ngoài để dựa. Đất nước, chế độ cũng đủ chín để tự mình dựa vào mình. Kinh nghiệm của chính thể chế Việt Nam hiện đại tạm chia ra thành nhiều giai đoạn nhỏ:
– Giai đoạn vàng son của quyền lực sau cách mạng mới, uy tín và chính danh đều tuyệt đối, lãnh đạo thống nhất và tuân thủ một lãnh đạo tinh thần tuyệt đối làm việc hết đời (nước nào cũng vậy). Nước ta giai đoạn này kéo dài chỉ trên 10 năm.
– Giai đoạn sau khi số một chết, ngọn cờ quyền lực chuyển giao sang cho nhân vật số 2. Giai đoạn này tuy uy tín lãnh đạo có bị san sẻ nhưng quyền lực vẫn tập trung tuyệt đối do bộ đôi quyền lực họ Lê quá giỏi, quá tham quyền cố vị, và phối hợp, lợi dụng nhau quá tốt. Chính thể nhờ vậy mà ổn định, ít nhất là ở bề ngoài. Có một vài sự khập khiễng về thống nhất quyền lực nhưng bị đàn áp, khống chế ngay trong trứng nước.
– Giai đoạn họ Lê chết và buộc phải nhường quyền theo hiến pháp, điều lệ là giai đoạn đổi mới đầy gian truân nhưng huy hoàng của dân tộc ta. Về cơ bản con thuyền đất nước có chao đảo nhưng giữ vững chèo lái… đặt nền móng đổi mới không đảo ngược theo nhiều chuẩn quốc tế. Về quyền lực, lý thuyết tập trung quyền lực hoặc lưỡng quyền không còn giá trị. Tam quyền phân lập biến tướng thành tam đầu chế: Có ba ông phân chia quyền lực, một ông phải là Bắc, một ông Trung, một ông Nam – tương ứng với ba chức danh: Bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước. Lý luận miền Bắc, nguyên tắc miền Trung, lung tung Nam bộ. Kinh nghiệm với nguyên tắc tam đầu chế kiểu việt nam này kéo dài được vài nhiệm kỳ, tạo thế liên hoàn rất hay và giữ ổn định và phát triển khá tốt.
– Giai đoạn “đốt lò”: Cuối giai đoạn tam đầu chế Bắc – Trung – Nam, chính nhân vật được gọi là Ngài X đã vi phạm luật chơi, đã lấn sân và thiếu tôn trọng sự phân chia quyền lực, dựa trên sự tham nhũng, tiền bạc làm rối loạn cân bằng quyền lực Bắc – Trung – Nam, về hình thức đã coi thường vô lối quyền lực của đảng, tập trung quyền lực về tay hành pháp. Cuộc chính biến đảo lộn chính trường được bắt đầu bằng trò chơi thể chế (phiếu bầu) bí hiểm, sau đó là phong trào “đốt lò”, “đả hổ diệt ruồi”. Kết quả thật bất ngờ: Không những loại được ngài X đầy vây cánh mà còn cho phép từ từ, từng bước đánh đổ từng bước, hạ bệ từng bộ phận vây cánh của ngài X và cả những ai bị lộ phải thành củi vào lò.
Lãnh đạo giai đoạn này là Tổng Bí thư đầy quyền lực nhưng rất giỏi sử dụng đội ngũ vây cánh để kéo dài nhiệm kỳ của mình, trừng phạt phe củi theo tiêu chí đốt lò được lòng nhân dân.
– Giai đoạn đốt lò đang đi đến hồi kết (khi phe đốt lò có dấu hiệu đốt hăng hái quá, không biết điểm dừng, đốt trụi gần hết không chỉ cỏ dưới chân mình mà cả các phần thân thể của cơ cấu quyền lực bộ tứ lẫn cơ cấu bắc trung nam). Hơn nữa, vai trò và giới hạn tuổi tác, sức khỏe của người cầm trịch cũng phải đến lúc chuyển giao. Đã có nhiều dấu hiệu trịch đang trong tay người khác. Đất nước sẽ buộc phải chuyển sang giai đoạn mới với lý thuyết mới và cơ cấu quyền lực mới.
Tôi thấy đối với tương lai gần, dường như các giá trị cũ và cơ cấu cũ như trung thành với các cụ Mác – Lê, học tập tấm gương bác Hồ, cân bằng quyền lực Bắc – Trung – Nam, xây dựng nhà nước pháp quyền (tam quyền phân lập), lấy dân làm gốc… ngày càng trở thành thứ xa xỉ, xa lạ với những nhân vật quyền lực mới, trong khi thực sự họ sẽ dựa trên giá trị gì và thể chế gì, họ còn giữ kín như bưng.
Rất lo là khi đã trống rỗng về giá trị và thể chế trụ cột, kiềng ba chân không có, các định chế chính trị què quặt sẽ chỉ dựa trên một trụ cột là súng đạn, gây áp lực sợ hãi bởi đàn áp hoặc tiền bạc, cục bộ bản vị đồng hương đồng khói… đều làm cho dân tộc ta sẽ chuyển sang bước thụt lùi.
Bởi vậy, giai đoạn này rất cần trí tuệ của dân tộc để bàn về mặt phẳng kiềng các trụ cột của đất nước. Vai trò đó thuộc về Hội đồng lý luận Trung ương.
Hỡi ôi, ông chủ tịch cũng như hầu hết các thành viên của Hội đồng này chạy đâu mất rồi? Thậm chí còn chưa nhận thức được ra vấn đề mà tôi đã đặt ra ở trên.
(Bài viết này được viết sau khi nghe tin nhà báo Huy Đức bị bắt. Rất mong mọi người góp ý, bàn luận về chủ đề tôi cho là quan trọng này)…
No comments:
Post a Comment