Saturday, June 8, 2024

Hai “người cao tuổi” Trần Đình Triển và Trương Huy San bị bắt trong ngày Quốc tế thiếu nhi nên được tại ngoại
Trần Vũ Hải
8-6-2024
Tiengdan

Nhà báo Huy Đức và LS Trần Đình Triển. Ảnh trên mạng

Cách đây đúng một tuần, 9h sáng ngày 1/6/2024, luật sư Trần Đình Triển và nhà báo Trương Huy San cùng được mời lên làm việc tại cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (ANĐT-BCA) tại Hà nội. Khi đó ông Triển đang họp tại một chi hội luật gia, còn ông San đang chuẩn bị cho buổi thuyết trình về lịch sử vào chiều cùng ngày. Luật sư Trần Đình Triển sinh năm 1959, nhà báo Trương Huy San sinh năm 1962, đều trên 60 tuổi, nên theo Luật Người Cao Tuổi, hai ông là Người Cao Tuổi (NCT).

Điều cay đắng cho hai Người Cao Tuổi này là cùng bị bắt trong Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi Việt Nam, và cay đắng hơn nữa lại không được dự liên hoan vào dịp Ngày Người Cao Tuổi Việt Nam 6/6/2024. Theo tin từ Cơ quan ANĐT-BCA, tối 7/6/2024, hai Người Cao Tuổi này bị bắt vì đã “phạm vào tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’, theo quy định tại khoản 2, điều 331, Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ông Trương Huy San và Trần Đình Triển đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ“.

Nếu đúng như Cơ quan ANĐT-BCA thông báo, khung hình phạt áp dụng cho cáo buộc hai Người Cao Tuổi là từ 2 đến 7 năm tù, tức hai Người Cao Tuổi bị cáo buộc một tội nghiêm trọng nhưng không phải là tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS), không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với Người Cao Tuổi này, mà có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Khoản 2 điều 119 BLTTHS quy định:

“Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này”.

Rõ ràng hai Người Cao Tuổi Triển và San không thuộc các trường hợp nêu trên, tức chưa có cơ sở để áp dụng biện pháp tạm giam đối với hai vị này. Có thể một số người cho rằng, hai Người Cao Tuổi này thuộc lại “ngứa mồm”, có “dấu hiệu tiếp tục phạm tội”. Tuy nhiên nhận định này không có cơ sở, vì hai Người Cao Tuổi này thuộc loại “ôn hòa, biết điều”, hơn nữa Facebook của cả hai ông (mà theo cáo buộc của Cơ quan điều tra, hai ông có nhiều bài vi phạm điều 331), đều đã biến mất, nên có cơ sở để tin rằng hai Người Cao Tuổi đủ khôn ngoan “nằm im, nghỉ dưỡng”.

Mặt khác, theo tôi có thể áp dụng khoản 4 điều 119, Bộ luật TTHS:

“Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”

Hai Người Cao Tuổi này nên được xác định là “già yếu”, vì Người Cao Tuổi đương nhiên là “người già”, và hai ông này theo cá nhân tôi được trực tiếp biết thuộc loại “sức khỏe yếu”, vì có nhiều bệnh nền (nếu ở trong trại tạm giam chắc chắn khó được chăm sóc tốt, sức khỏe càng yếu đi); tất nhiên cần có kết quả khám bệnh của bác sĩ để xác định chính xác. Hai Người Cao Tuổi không thuộc “các trường hợp loại trừ” nêu tại điều khoản trên nên cần áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà không cần tạm giam.

Ông Trần Đình Triển là cựu sĩ quan an ninh, ông Trương Huy San là cựu quân nhân, cả hai ông đều là những trí thức yêu nước, thương dân nổi tiếng. Tôi tin rằng hai ông xứng đáng được áp dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, cụ thể là được tại ngoại hầu tra để hưởng các quyền theo quy định của Luật Người Cao Tuổi.

(TRẦN VŨ HẢI – Người Cao Tuổi quê Hà Tĩnh viết ngày 8/6/2024 tại Thành Phố Hồ Chí Minh).


No comments:

Post a Comment