Friday, February 2, 2024

Cù Mai Công - Ai nói phong tục Nam bộ không phải văn hóa Việt ?
vendredi 2 février 2024
Thuymy



Nhân 23 tháng Chạp, đưa ông bà Táo về chầu Ngọc Hoàng (không phải chầu Trời nha )

AI KÊU THÓI TỤC, NGÔN NGỮ NAM BỘ KHÔNG PHẢI VĂN HÓA VIỆT, TÔI COI LÀ PHẢN ĐỘNG, PHÂN BIỆT - KỲ THỊ VÙNG MIỀN

Ông Tạ là vùng nhiều bà con Bắc 54 nhưng là vùng Bắc 54 tự phát, tự mua nhà. Không phải toàn tòng Bắc 54 như các vùng định cư chính thức, được chính quyền cấp đất như Gia Kiệm, Hố Nai, Định Quán (Đồng Nai), Cái Sắn (miền Tây), Xóm Mới (Gò Vấp)…

Một nửa dân Ông Tạ vẫn là người miền Nam cố cựu cả trăm năm, người Huế trồng ngâu, lài… trước 1954. Sau này thêm vô số người Nam, người Quảng. Tất cả hòa hợp, chung sống “tưng bừng hoa lá hẹ”.

Vây nên lễ tết ở vùng Ông Tạ xưa giờ trộn lẫn Bắc - Trung - Nam tá lả, dù nếp Bắc có nhỉnh hơn. Sự hòa trộn này quá hay vì đã tận dụng ưu điểm trong văn hóa, nếp sống từng miền để phát triển mạnh mẽ nhứt trong hơn 300 khu tái định cư Bắc 54 trên toàn miền Nam trước 1975. Dân Bắc - Trung - Nam gì ở Ông Tạ cũng thấy “khỏe re” mứt me.

Cụ thể ngày 23 tháng Chạp, đưa ông bà Táo về chầu Ngọc Hoàng, do trong vùng còn vô số bà con làng Tân Sơn Hòa cố cựu 100, 150 năm nơi đây, ngay nhà tôi xưa ngày tết cũng buôn nhang đèn, thèo lèo cứt chuột, “cò bay ngựa chạy” - ba món cơ bản trên mâm cúng ông Táo. Bán rất chạy.

Mợ tôi (tôi gọi mẹ là mợ) nói: “Người Nam đơn giản, không thích bày vẽ, màu mè. “Cò bay ngựa chạy” (hoặc thêm đôi ủng - thường bằng giấy màu đen) để ông bà Táo đi đường. Ba chung nước lạnh để ông bà Táo đi đường xa khỏi khát. Kẹo thèo lèo cứt chuột để mấy ông bà Táo tấu Ngọc hoàng về gia đình cho ngọt (một dạng hối lộ của dân nghèo đó)”.

“Cứt chuột - mợ tôi bảo - là do mấy hột mè đen dính lung tung vô mấy loại kẹo khác nhìn như cứt chuột”.

Bịch kẹo “thèo lèo cứt chuột” nhà tôi bán hồi đó có kẹo đậu phộng, kẹo mè đen, mè trắng và và kẹo bông dâu màu hồng và màu trắng - một hột đậu phộng bên ngoài bọc đường. Cúng ông Táo xong, bỏ kẹo ra dĩa, ai ăn gì thì ăn. Người lớn hay ăn kẹo đậu phộng, con nít bọn tui chỉ thích kẹo bông dâu.

Cơ bản là vậy, ai muốn thêm gì thì thêm, kể cả thịt quay, thịt kho hột vịt, bánh tổ, cây mía… Và tất nhiên, trên bàn cúng phải có bình bông, bông gì cũng được, miễn rẻ: vạn thọ, cúc…

Kiểu cúng này coi bộ hợp thời, kể cả thời nhịp sống vội vã hiện nay.

Chưa bao giờ tôi thấy dân Ông Tạ, kể cả dân Bắc 54 bày mâm cúng ông Táo linh đình cả chục món đầy mâm cúng hoặc ra rạch Nhiêu Lộc thả cá chép hết. Thả xuống, xưa rạch ô nhiễm là coi như hạ độc cá; còn bây giờ, thử thả coi, bị câu, bị “xuyệt điện” ráo trọi. Ông Táo chỉ còn có nước đi bộ chầu Ngọc Hoàng, đi 100 năm hông biết tới chưa. Còn thả cá chép vô... lẩu cá chép nấu riêu thì có, thấy hoài.

Xin nói rõ: Dù tôi có sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn thì ông bà, cha mẹ tôi gốc Bắc 100 % và tôi tự hào mình gốc Bắc.

Nhưng ông bà xưa dạy: “Nhập gia tùy tục”. Dân Nam bộ sống đơn giản, không câu nệ nghi lễ. Mâm cúng ông Táo có nhiêu đó thôi, không ai bày vẽ lung tung cả mâm tú hụ đủ chủng loại, bắt bẻ nhau thiếu món này món kia, mệt. Không rảnh, để thời gian đó đi làm ăn, đi chơi tết…, đảm bảo ông bà Táo hổng giận đâu. Táo miền Nam cũng vô tư lắm, không rảnh bắt bẻ, ăn hiếp con cháu, hay gì!

Văn hóa mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi miền mỗi khác. Điều này tạo cho đất nước ta có một nền văn hóa rất đa dạng, rất phong phú và đều rất đẹp. Nếu tất cả như nhau thì ai đi du lịch làm gì!

Thống nhứt, hoàn toàn không có nghĩa tất cả phải như nhau, một khuôn một dạng. Không có nếp văn hóa nào hay hơn, làm hình mẫu cho nếp văn hóa nào. Dù khác biệt nhưng đều là văn hóa Việt. Ai kêu thói tục, ngôn ngữ Nam bộ không phải văn hóa Việt thì tôi coi là phản động, phân biệt - kỳ thị vùng miền, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, block ngay. Bày đặt xạo…

CÙ MAI CÔNG 02.02.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment