Saturday, December 23, 2023

VNTB – Độ vênh pháp lý tạo cơ hội cho những khoản ‘trà nước’
Hoài Nguyễn
23.12.2023 7:59 
VNThoibao



(VNTB) – Để có thể ‘lấy giấy phép’, chủ đầu tư bảng quảng cáo ngoài trời ở TP.HCM phải chi thêm các khoản trà, nước bôi trơn…

Hiểu theo nghĩa tích cực thì không phải chuyện vòi vĩnh mà đó là ‘đồng tiền đi trước’ cho một tờ giấy phép có thể bị ‘vịn’ là sai thủ tục khi có ai đó… kiếm chuyện ‘bắt giò’.

Một thân chủ đến văn phòng luật sư đưa ra yêu cầu kiểm tra giúp về hợp đồng thuê mặt bằng dựng bảng quảng cáo ngoài trời mà một công ty quảng cáo đang thỏa thuận ký kết. Diện tích mặt bằng này là đồng sở hữu mang tính thừa kế của gia đình vị thân chủ đó nên ông cần sự chặt chẽ, tránh kiện thưa về sau. Dằn cọc trước 50 phần trăm số tiền thuê theo đơn vị năm. Thuế thu nhập phát sinh sẽ do bên thuê ‘đóng hộ’.

Mọi việc tiến triển suôn sẽ thì bất ngờ vị thân chủ này cho biết rằng phía thuê… hủy hợp đồng và ngỏ ý ‘xin’ lại một phần tiền dằn cọc với lý do là họ trở ngại giấy phép xin thi công dựng mặt bảng. Vị thân chủ này khi ấy lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười vì đã lỡ chia chác số bạc dằn cọc đó với các ‘đồng thừa kế’.

Một tập sự ở văn phòng luật sư kể trên đưa ra đề nghị làm… trung gian thỏa thuận với phía cấp phép bằng một văn bản có nội dung như vừa giải trình, vừa đe dọa. Theo đó, vì đến nay tuy Luật Quảng cáo ban hành ngày 21-6-2012 yêu cầu các địa phương phải quy hoạch quảng cáo ngoài trời và theo đó, các công ty quảng cáo chỉ gửi hồ sơ lên sở văn hóa để duyệt nội dung. Luật là vậy nhưng nhiều địa phương không quy hoạch, dẫn đến việc cấp phép bị rối tung và tùy hứng, do vậy cần xem xét lại với cụ thể trường hợp mặt bằng ở nơi thân chủ của ông đã ký cho thuê…

Đại khái vậy, kèm theo chút tiền trà, nước. Cuối cùng thì hồ sơ cũng được duyệt.

Thật ra ở đây cán bộ thụ lý thủ tục từ chối việc cấp phép dựng bảng quảng cáo là không sai, vì theo luật định, muốn dựng bảng quảng cáo ở đô thị thì phải tuân thủ theo quy hoạch về quảng cáo ngoài trời, mà TP.HCM đến nay vẫn chưa công bố quy hoạch này ra sao.

Thế nhưng ở chiều ngược lại thì nhu cầu quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp nơi đô thị là có thật, vậy thì không lẽ cứ ‘treo’ đó trong khi ngân sách thành phố luôn cần bổ sung các nguồn thu. Vậy là đành… xé rào. Hệ quả là hiện nay, doanh nghiệp được hay không được phép đặt bảng quảng cáo ngoài trời, nhất là ở những khu vực “vàng”, không theo quy chuẩn nào mà chủ yếu dựa vào khả năng, mối quan hệ.

“Doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo gặp rất nhiều phiền hà, mệt mỏi, vừa phải giải thích cho khách hàng vừa phải chiều theo sự thích hay không thích của cá nhân hoặc một nhóm người chứ không phải từ chính sách chung. Thế nhưng suy cho cùng thì lỗi ở đây lại thuộc về tập thể vì chuyện đất đai ở Việt Nam mang yếu tố chính trị, khi quyền định đoạt “do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Pháp luật về đất đai trong bối cảnh được gọi là “thống nhất quản lý” ấy, ngặt nỗi lại nằm trong nhóm được ví von của sáng nay anh dựa vào văn bản A để thực hiện thì đúng, chiều lục tìm thì lại thấy có văn bản B soi ra lại thấy sai. Đến sáng mai lại tìm ra một văn bản khác thì thấy dựa vào văn bản A là đúng…

Đơn cử như kỳ họp bất thường vào trung tuần tháng 1-2024 dự kiến Quốc hội sẽ trong vòng một ngày rưỡi để thông qua dự luật đất đai sửa đổi. Trước đó ở kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2023 kéo dài hơn cả tháng trời lại… không thông qua dự luật sửa đổi này. Quả là đúng – sai, thông – chưa thông  cứ đỏng đảnh hệt như thời tiết thời biến đổi khí hậu” – luật sư T.T,, Trưởng văn phòng dịch vụ luật nói ở đầu bài viết này đã nhận xét như vậy.


No comments:

Post a Comment