VNTB – Công nhân thấp thỏm bị sa thải cận TếtHùng – Sơn
04.12.2023 2:10
VNThoibao
(VNTB) – Nhiều công nhân lo lắng khi mất việc đúng thời điểm cuối năm, sắp Tết.
Trong một xóm trọ chật chội trên đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM), chị P.T.V (33 tuổi) tất bật chuẩn bị bữa trưa cho chồng và hai đứa con nhỏ. Nữ công nhân quê Nghệ An đã có thâm niên 11 năm gắn bó với công ty, với mức lương khoảng 9 triệu/tháng, chị vẫn mong muốn gắn bó lâu dài cho tới lúc nghỉ hưu, có như vậy chị mới có thể duy trì chi phí trang trải cuộc sống và chăm sóc cho con.
Sau thông tin doanh nghiệp dự kiến cắt giảm thêm lao động do thiếu đơn hàng kéo dài, chị V. không giấu được lo lắng khi có tin lan truyền trong chỗ làm rằng cuối năm khu của chị đang làm sẽ có một đợt cắt giảm lao động. Trong đợt cắt giảm trước đó, chồng chị đang làm ở khu C, nằm trong diện được cho nghỉ nhưng may mắn có một nữ công nhân đang mang thai xin nghỉ thế chỗ, do vậy chồng chị mới giữ được việc làm.
Chị L.T.H (38 tuổi) tâm sự về công việc, theo đó, chị H. cho biết, dù có bằng cử nhân luật và có thời gian dài làm công tác đoàn tại xã, nhưng do nhà nghèo và áp lực con cái chị phải bỏ xứ vào TP.HCM làm công nhân. Năm 2019, chị vào tìm việc ở TP.HCM đúng vào thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, chị H. chật vật tìm việc ở các khu công nghiệp. Sau khi có việc làm, chị H. lại trải qua thời gian dài cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16. Đến nay, khi dịch bệnh đã hết, công việc tưởng chừng sẽ khá hơn nhưng không ngờ kinh tế thế giới khó khăn, công ty giảm đơn hàng, nên thu nhập của chị cũng bị ảnh hưởng.
“Tôi có 3 đứa con nhưng phải gửi về quê hai đứa để ông bà nuôi, còn đứa con gái 1 tuổi thì vợ chồng cố gắng chăm sóc vì còn quá nhỏ. Hai vợ chồng đi làm mỗi tháng được hơn 15 triệu, chia ra đủ loại chi phí, cuối cùng cũng không còn dư đồng nào để phòng thân. Nghe mấy công ty may mặc sa thải nhân viên, tôi cũng lo lắng nhiều lắm”, chị H. chia sẻ.
“Mỗi bộ phận bị cắt giảm khác nhau. Có người giảm theo tuần, có người giảm theo ngày. Tuần này làm thì tuần kia nghỉ, luân phiên như thế. Mình chưa có gia đình, vẫn còn đỡ vất vả hơn các anh chị có con nhỏ, thu nhập giảm, chi tiêu phải dè xẻn tính toán gói ghém hết mức”, chị L. tâm sự. Trước đây hồi chưa xảy ra dịch Covid, mỗi tháng lương của chị L. được 10 – 12 triệu đồng, nay chỉ còn nhận 4 – 6 triệu đồng/tháng.
“Ba đứa đang đi học. Nghĩ tới Tết là tối tăm mặt mũi. Đồng lương tròm trèm 6 triệu đồng/tháng cộng với tiền làm thợ đụng của chồng cũng tạm đủ trang trải. Từ nay cuộc sống lâm cảnh vô cùng khó khăn, ở tuổi này không dễ xin việc mới, buôn bán thì không có vốn” – chị S. nói. Theo chị, trong số hàng trăm lao động thất nghiệp lần này không ít người đã vào tuổi 45 – 50, cơ hội tìm việc trở lại rất khó. Trong khi đó, những lao động trẻ tứ xứ đều có con nhỏ, có người đang mang thai, nên ai cũng lo lắng.
Trong chuỗi tin tức liên quan, mới đây Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây yêu cầu ban lãnh đạo Công ty Garmex Sài Gòn (GMC) báo cáo tình hình hoạt động và phương hướng kinh doanh sắp tới. Trong giải trình gửi HOSE vào ngày 1-12 vừa qua, Ban lãnh đạo GMC cho biết tình hình kinh doanh không thuận lợi nên nếu tiếp tục giữ sản xuất các nhà máy đối với ngành may, công ty sẽ lỗ. Do đó, công ty buộc phải giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
“Hiện công ty chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Khi thị trường thuận lợi vừa đủ, công ty sẽ khôi phục đầu tư vào ngành may. Công ty vẫn đang tiết kiệm chi phí tối đa, tối ưu nguồn lực và đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro” – báo cáo GMC cho biết.
Năm 2022, GMC lỗ đến 84 tỷ đồng, khoản lỗ đầu tiên sau 18 năm kể từ năm 2004. Bước sang năm 2023, công ty này cũng đã lỗ liên tiếp ba quý.
No comments:
Post a Comment