Philippines xây trạm tuần duyên mới trên đảo Thị Tứ ở Biển Đông
Reuters
01/12/2023
VOA
Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát (ảnh tư liệu, tháng 4/2017).
Philippines vừa xây dựng một trạm tuần duyên mới trên đảo Thị Tứ trong vòng tranh chấp ở Biển Đông. Binh trạm này tăng cường khả năng của Philippines trong việc theo dõi hoạt động của tàu và máy bay Trung Quốc trên tuyến đường thủy nhộn nhịp và có nhiều tranh chấp.
Cùng lúc căng thẳng gia tăng gắn với các yêu sách về lãnh thổ trong khu vực, lực lượng tuần duyên Philippines hồi đầu năm nay đã phát hiện một tàu hải quân Trung Quốc và hàng chục tàu dân quân quanh đảo Thị Tứ, 1 trong 9 thực thể mà Manila chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.
Trong một tuyên bố, tuần duyên Philippines cho hay binh trạm mới cao 3 tầng được khánh thành hôm thứ Sáu 1/12 và được trang bị công nghệ hiện đại như radar, nhận dạng tự động, liên lạc vệ tinh và camera ven biển.
“Hành vi của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, Hải quân thuộc Giải phóng quân Nhân dân (PLA) và dân quân Trung Quốc đôi khi không thể lường trước được”, Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines, phát biểu khi thăm đảo Thị Tứ.
Ông nói với các phóng viên hôm 1/12: “Họ không tuân thủ trật tự và luật pháp quốc tế”.
"Điều mà họ gọi là chiến thuật vùng xám đơn thuần chỉ là hành vi bắt nạt và hoàn toàn bất hợp pháp. Không thể chấp nhận được điều đó trong trật tự quốc tế", vẫn lời ông.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Tiền đồn Thị Tứ của Manila là cơ sở lớn nhất và quan trọng nhất của họ về mặt chiến lược ở Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền về hầu hết vùng biển này, bất chấp một số quốc gia trong khu vực cũng tranh chấp và đòi chủ quyền.
Thị Tứ - được người Philippines đặt tên là đảo Pag-asa - nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 480 km về phía tây. Đảo có khoảng 200 người sinh sống và được Manila sử dụng để duy trì yêu sách lãnh thổ của mình.
Ngoài Philippines, Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đều có những tuyên bố chủ quyền ở những quy mô khác nhau về Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la đi qua mỗi năm.
No comments:
Post a Comment