Những cái “khó” của Việt Nam trong hồ sơ chủ quyền biển đảoTrương Nhân Tuấn
3-12-2023
Tiengdan
Bài viết này ghi lại “bốn cái khó” của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời đề nghị phương pháp “giải tỏa” những cái khó này.
Bốn cái “khó” là:
Thứ nhứt, vấn đề “Estoppel” – nguyên tắc không được nó ngược. Các học giả Greg Austin và Thomas Bradford cho rằng công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận tuyên bố hải phận 12 hải lý và chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một thời gian dài Việt Nam có những hành vi tuân thủ nội dung tuyên bố của Trung Quốc. Bây giờ Việt Nam không thể “nói ngược”.
Thứ hai, vấn đề “Acquiescement”. Đặt ra từ học giả Monique Chemillier-Gendreau. Học giả này cho rằng Việt Nam không thể bị “Estoppel” (như kết luận của Greg Austin và Thomas Bradford), đơn giản vì lúc tuyên bố 1958 VNDCCH không phải là phía có thẩm quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, theo học giả này, sự “im lặng” dài lâu cũng như nhiều hành vi của VNDCCH (như xuất bản sách báo, bản đồ) về Hoàng Sa và Trường Sa khiến cho Việt Nam có thể bị vướng “nguyên tắc Acquiescement”, tức nguyên tắc về “sự đồng thuận”.
Thứ ba là vấn đề kế thừa. Đây là nghi vấn của Giáo sư Joel Nguyen Duy Tan: làm thế nào Việt Nam hôm nay có thể “kế thừa” VNCH khi vẫn cho rằng thực thể chính trị này là “ngụy, tay sai”?
Thứ tư, vấn đề “liên tục quốc gia”. Các học giả Việt Nam phải chứng minh rằng, trong bất cứ biến cố chính trị làm thay đổi lãnh thổ, tên nước, dân số… hoặc trong bất cứ hoàn cảnh chiến tranh nào… luôn có một “quốc gia Việt Nam” quản lý thực sự hai quần đảo hoàng Sa và Trường Sa.
Chỉ cần một trong “bốn cái khó” được xác lập, hoặc là chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa được xác định, hoặc Việt Nam mất Hoàng Sa và Trường Sa do việc “từ bỏ chủ quyền”. Nhiều án lệ của Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) cho phép ta kết luận như vậy.
Bản tóm tắt “bốn cái khó” của Việt Nam ghi lại ở trên tôi viết vào ngày 3-12-2018. Tức đã tròn 5 năm. Hôm nay tôi viết thêm cái khó thứ tư. Đó là “vấn đề thời hiệu – ratio temporis”. Chủ đề này tôi cũng đã viết từ nhiều năm trước.
Chỉ còn không tới hai tháng nữa là đúng 50 năm Việt Nam mất hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Bài 1: Chủ quyền Hoàng Sa và vấn đề “ratione temporis”
Có câu hỏi rằng sau 50 năm “Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn Hoàng Sa vào tay Trung Quốc”?
Chiếu theo luật lệ quốc tế hiện hành là không có văn bản nào thuộc công pháp quốc tế nói về điều này.
Các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia lưu cửu nhiều khi trên 100 năm nhưng có trường hợp hồ sơ vẫn được “phủi bụi” và đưa ra tòa Công lý quốc tế.
Tuy nhiên nếu ta qui chiếu theo phán quyết (préliminaire) của Tòa Công lý quốc tế (CIJ) về vụ Nauru c. Australie, ngày 26 tháng Sáu 1992. Tòa phán rằng:
“La Cour reconnaît que (…) le retard d’un Etat demandeur peut rendre une requête irrecevable. Elle note cependant que le droit international n’impose pas à cet égard une limite de temps déterminée”.
Tạm dịch: Tòa nhìn nhận rằng… sự trễ nãi của một quốc gia bên nguyên đơn có thể làm cho đơn thỉnh cầu của quốc gia này bị bác bỏ. Tuy nhiên Tòa cũng ghi nhận rằng luật quốc tế không áp đặt một thời hạn cụ thể trong vấn đề này.
Tức là, mặc dầu luật quốc tế không đề cập gì đến thời hạn bao lâu thì một vụ tranh chấp (giữa hai quốc gia) sẽ “tàn”. Nhưng nếu một bên “ngâm tôm” quá lâu thì đơn khiếu nại của bên này có thể sẽ bị Tòa bác.
Ý kiến cá nhân của tôi, vấn đề “thời gian” sẽ không là một “trở ngại”, nếu Việt Nam liên tục lên tiếng phản đối bất kỳ một hành vi nào của Trung Quốc thể hiện ở Hoàng Sa.
Cái khó của Việt Nam là việc “mất tố quyền – forclusion – estopped”, tức VN không còn “quyền” nào nữa để kiện tụng Trung Quốc trong bất cứ vấn đề nào ở Hoàng Sa (và có thể ở Trường Sa). Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng có hiệu lực “ngăn chặn” mọi vận động pháp lý của Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc luôn nói rằng trong cuộc chiến Hoàng Sa họ “phản công tự vệ” vì VNCH khai hỏa trước. Trung Quốc cho rằng mục đích cuộc chiến HS 17-19 tháng Giêng 1974 là “giải phóng một vùng lãnh thổ bị ngoại xâm chiếm đóng”.
Vụ đụng độ Gạc Ma 1988 lập luận của Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Việt Nam dễ dàng đi kiện Trung Quốc vụ Gạc Ma nhưng họ đã không đi kiện. Nhà cầm quyền CSVN cũng không hề có những phản đối đúng mức với những hành vi “bồi đắp đảo” của Trung Quốc (từ năm 2013) ở 7 bãi đá chiếm của Việt Nam.
Chuyện “dễ” họ không làm. Vì họ không muốn làm hay họ muốn làm nhưng không thể làm được?
Theo tôi là họ không thể làm được. Việt Nam đến nay không trả lời, không phản biện được nội dung công hàm ngày 17 tháng Tư năm 2020 của Trung Quốc gởi tổng thơ ký LHQ trong vụ “cuộc chiến công hàm” ở Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Công hàm này Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã bị “mất tố quyền – estopped” vì công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng (và những tài liệu như sách giáo khoa, báo chí, bản đồ… của Việt Nam nhìn nhân Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc).
Tức là cản trở khiến Việt Nam hôm nay không thể kiện tụng gì với Trung Quốc là sự hiện hữu công hàm 1958.
Các tuyên bố của Trung Quốc như “phản công tự vệ” hay “giải phóng một lãnh thổ bị ngoại bang chiếm đóng” đều đặt căn bản trên công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.
Do đó bất cứ động thái nào của Việt Nam về pháp lý ở Hoàng Sa và Trường Sa, nếu Việt Nam chưa làm một “thủ tục hóa giải” công hàm 1958 hợp lý và thuyết phục, thì Việt Nam “kiện là để thua”. Tòa sẽ bác đơn Việt Nam từ bãi “gởi xe”.
Bài 2: Yếu tố thời gian “rationne temporis” trong vấn đề kiện tụng (đòi lại Hoàng Sa)
Người ta ăn cướp của mình thì mình kiện tụng đòi lại được. Còn nếu mình nhượng cho người ta rồi thì kiện cái gì?
Và yếu tố thời gian, không phải là khi “không có luật qui định” thì mình “ngâm tôm” đến bao giờ cũng được.
Nhắc lại là luật quốc tế không áp đặt một thời hạn cụ thể trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Nhưng nếu hồ sơ để lâu quá, vụ tranh chấp sẽ “tàn”.
Tức là “cứt trâu để lâu hóa bùn”.
Qui chiếu qua vụ khác, Cambodge kiện Thái Lan vụ ngôi đền Preah Vihear năm 1960. Tòa xử Cambodge thắng kiện, dựa trên bằng chứng bản đồ, ngôi đền thuộc về nước này. Giới luật gia thế giới phản đối quá trời vụ này. Bởi vì, dựa trên Công ước, khu đất có ngôi đền thuộc về Thái Lan. Tập quán quốc tế cho rằng rằng văn bản công ước có giá trị cao hơn bản đồ (đính kèm công ước). Tình hình là quan tòa không nghe theo tập quán vì yếu tố “estoppel”. Tòa giải thích rằng, vì trong một thời gian dài phía Thái Lan im lặng, không phản đối tấm bản đồ vẽ sai. Tức là Thái lan đã chấp nhận thực tế này.
Vì vậy các học giả chớ quá lạc quan. “Ngâm tôm” hồ sơ Hoàng Sa lâu quá là “toang” nghe quí học giả!
Chuyện dễ nhứt để Việt Nam giữ danh nghĩa Hoàng Sa là kiện Trung Quốc dựa trên nguyên tắc “ex injuria jus non oritur”. Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa hệ quả Trung Quốc không thể yêu sách bất cứ cái gì liên quan Hoàng Sa cả (về hải phận EEZ, thềm lục địa, vùng nước v.v…). Thế giới sẽ hòa bình ngay tức thì.
Chuyện này không làm được, sang năm là đúng 50 năm. Tình hình “càng để lâu càng khó”…
No comments:
Post a Comment