Nguyễn Ngọc Chu - Thời đại trí thông minh nhân tạo : Giảm biên chế không phải bằng sáp nhập
samedi 23 décembre 2023
Thuymy
Quyết định này đã cứu sống nhiều sinh mạng, đưa đến chiến thắng hoàn toàn ngày 07/05/1954.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong một kỳ họp của Quốc Hội bàn về Luật Ba Đặc Khu, có nói: "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật". Nhưng cuối cùng Bộ Chính Trị đã theo ý dân mà dừng Ba Đặc Khu.
Không phải điều gì Bộ Chính Trị quyết thì không thay đổi. Thực tiễn mới là thước đo sự sáng suốt. Vấn đề sáp nhập xã huyện cần phải nhìn nhận lại từ thất bại của thực tiễn nhập tách trong mấy chục năm qua.
I. CƠ SỞ KHOA HỌC NÀO CHO CÁC TIÊU CHÍ ĐỊNH LƯỢNG VỀ SÁP NHẬP HUYỆN XÃ?
Đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã, làng, thôn, xóm tồn tại từ đời này sang đời khác mang tính kế thừa. Đó là kết quả chắt lọc của trí tuệ và thực tiễn nối đời trong quản trị quốc gia. Bởi thế việc tách nhập đơn vị hành chính xã, huyện, tỉnh không bao giờ là việc làm tuỳ tiện. Việc tách nhập các đơn vị hành chính trong quản trị quốc gia thường xuất phát từ các biến cố lớn.
- Thứ nhất là thay đổi đáng kể lãnh thổ quốc gia.
- Thứ hai là ra đời học thuyết mới về quản trị quốc gia.
Hai nhân tố nêu trên không xuất hiện trong hoàn cảnh hiện nay. Thay vào đó là các thông số về diện tích và dân số quy định việc sáp nhập chưa được biện minh bằng dữ liệu khoa học.
Hãy nhìn qua quy định về diện tích và dân số trong Nghị quyết Số: 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
“Điều 3. Tiêu chuẩn của xã
1. Quy mô dân số:
a) Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên;
b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 8.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên:
a) Xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên;
b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 30 km2 trở lên”.
Cơ sở nào để đưa tiêu chuẩn dân số là 5.000 người cho xã miền núi và 8.000 ngàn người cho xã đồng bằng? Không có cơ sở khoa học nào cả. Chỉ riêng xã miền núi thôi, giữa vùng hẻo lánh và vùng gần đồng bằng thì con số 5.000 dân cũng rất khác nhau. Có những vùng hẻo lánh phải đi hàng chục km chưa có được 1.000 dân.
Tương tự như vậy là tiêu chuẩn diện tích 30 km2 và 50 km2. Diện tích 30 km2 là 5 km x 6 km. Chiều dài chiều rộng này có phù hợp cho người dân đi trồng lúa và bón phân hiện nay? Ngày xưa ở đồng bằng sự phân bố thôn xã dựa trên khoảng cách ra đồng để trồng trọt, thuận tiện cho đi lại, nên từ nhà ra đồng chỉ một vài km. Hiện nay chúng ta chưa canh tác như châu Âu. Ruộng phân cho hộ gia đình không mênh mông hết tầm mắt, mà vụn vặt phân bổ rải rác theo loại cánh đồng.
Chúng ta đã từng dời cả thôn xã từ đồng bằng lên núi năm 1976 – 1980 để mong làm ăn lớn, nhưng đã thất bại. Giờ lại muốn diện tích xã ở đồng bằng phải có 30 km2. Khoảng cách 5 – 6 km cho một xã không chỉ không phù hợp cho canh tác nông nghiệp, mà hoàn toàn bất lợi cho chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, và đời sống văn hoá làng xã. Nhập 2, 3 xã vào 1 là nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về trụ sở, về trạm xá, về trường học, về nhân sự và còn nhiều vấn đề khác, mà lợi lộc thì không thấy gì.
Ở ven biển Diễn Châu không thể có xã rộng 30 km2, trong khi ở Tương Dương 50 km2 cho một xã lại là nhỏ. Tương Dương có diện tích 2 812 km2 gồm 1 thị trấn và 16 xã. Như vậy bình quân 1 xã là 165,5 km2. Không có lẽ lại chia Tương Dương thành 56 xã mỗi xã 50 km2? Và 50 km2 sẽ đưa đến lợi ích gì cho canh tác, quản trị?
Cũng như thế là tiêu chuẩn phường, huyện, tỉnh (trích Nghị quyết Số: 1211/2016/UBTVQH13):
“Điều 8. Tiêu chuẩn của phường
1. Quy mô dân số:
a) Phường thuộc quận từ 15.000 người trở lên;
b) Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 7.000 người trở lên;
c) Phường thuộc thị xã từ 5.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên”.
“Điều 2. Tiêu chuẩn của huyện
1. Quy mô dân số:
a) Huyện miền núi, vùng cao từ 80.000 người trở lên;
b) Huyện không thuộc điểm a khoản này từ 120.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên:
a) Huyện miền núi, vùng cao từ 850 km2 trở lên;
b) Huyện không thuộc điểm a khoản này từ 450 km2 trở lên.
3. Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 16 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thị trấn.
Điều 1. Tiêu chuẩn của tỉnh
1. Quy mô dân số:
a) Tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên;
b) Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 1.400.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên:
a) Tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên;
b) Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 5.000 km2 trở lên.
3. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thành phố hoặc 01 thị xã”.
Ai đưa ra những tiêu chuẩn này? Cơ sở khoa học của chúng ở đâu? Lợi ích kinh tế của nó gồm những điểm nào? Lợi ích quốc phòng của nó là những gì?
Không ai trả lời được. Vì nó tùy tiện và phi khoa học.
Sự đánh đồng quy mô dân số và diện tích một cách số học cứng nhắc của các phường, xã, huyện, thị xã của các tỉnh đồng bằng đô hội với các tỉnh rẻo cao sẽ đưa đến cuộc chạy đua sáp nhập mù quáng để đáp ứng tiêu chuẩn diện tích và dân số. Để được lên thị trấn, thị xã, để được chuyển sang thành phố cấp 2, cấp 1. Cùng với đó là những trận cuồng phong biến đổi tên làng, tên xã, tên huyện, tên tỉnh, kéo theo sự xáo trộn trong hồ sơ quản trị, trong tâm trí cùng với những núi tiền phải chi ra mà không đưa lại lợi lộc gì.
Đã có bao nhiêu bài học đau đớn về tách nhập trong 40 năm qua mà chưa tỉnh. Thất vọng nữa là chưa thấy dấu hiệu sự tiếp thu các phản biện. Không phải cứ cái gì Bộ Chính trị quyết cũng đúng. Không phải cứ cái gì Quốc Hội thông qua cũng đúng. Thực tiễn mấy chục năm qua đã chứng minh bao nhiêu sai lầm đau đớn.
Cải cách ruộng đất sai lầm được phát hiện, phải dừng lại, và đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin lỗi quốc dân đồng bào trong nước mắt. Chính sách quản lý kinh tế tập trung quan liêu kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước trong nhiều thập niên được Đảng thức tỉnh mà Tổng bí thư Trường Chinh đã nghẹn ngào thừa nhận và tiến hành chủ trương Đổi mới tại Đại hội VI tháng 12/1986. Chính sách sáp nhập 2. 3 tỉnh thành 1 tỉnh lớn giai đoạn 1976-1985 đã thất bại hoàn toàn, dẫn đến trong các năm 1990 – 2000 phải tách tỉnh trả về nguyên trạng với bao nhiêu tổn thất không đo đếm được.
Sau sáp nhập xã là đến sáp nhập huyện. Sau nữa là sáp nhập tỉnh. Những “cơn bão sáp nhập” liên tục không để cho nhân dân yên từ nay cho đến năm 2030. Cần có những trí tuệ lớn để dừng lại các “cơn bão sáp nhập” hoang tàn thiệt hại như hiện nay.
Muốn có bữa tiệc ngon, nhất thiết phải nhờ đầu bếp giỏi. Chính sách sáp nhập muốn khoa học thì Bộ Nội vụ phải giỏi, mà trước hết là phụ thuộc vào tài năng của người đứng đầu Bộ Nội vụ. Nếu có một Bộ Nội vụ khác, thì chắc chắn không có các đề xuất sáp nhập như hiện nay.
II. LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA CHIẾN DỊCH SÁP NHẬP HIỆN NAY ?
Sáp nhập các đơn vị trong kinh doanh, nói chung, thường gắn liền với thay đổi chiến lược phát triển và quy mô phát triển, chứ không phải vì giảm biên chế. Muốn giảm biên chế, đơn giản là sa thải. Nhưng việc sáp nhập xã, huyện đang tiến hành hiện nay không liên quan gì đến chiến lược phát triển của xã, huyện cũng như quy mô phát triển.
Ví như, sáp nhập 2 xã vào 1 có phải để tăng diện tích canh tác của các hộ gia đình lên gấp đôi? Không phải. Ví như sáp nhập hai huyện thì kinh tế sẽ tăng trưởng với tỉ lệ gấp đôi so với trước? Không phải. Ví như sáp nhập hai xã thì thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn? Không phải. Có thể tiếp tục nêu ra hàng loạt câu hỏi tương tự để tìm kiếm lợi ích hay bất lợi của việc sáp nhập xã, huyện hiện nay.
Cuộc sáp nhập tỉnh giai đoạn 1976-1985 trước đây còn biện minh được bởi mục tiêu “làm ăn lớn”. Cuộc sáp nhập hiện nay không có mục tiêu nào đáng giá để biện minh, ngoài mong muốn giảm bớt biên chế. Nhưng việc giảm biên chế sau sáp nhập thực sự khó khăn.
Là bởi vì người dôi thừa từ sáp nhập sẽ làm gì? Chẳng hạn như cán bộ phụ trách đoàn thanh niên? Nếu để lại 1 cán bộ phụ trách thì người kia làm gì? Còn vẫn để 2 cán bộ thì sáp nhập làm gì? Tương tự như vậy là những vị trí khác, như bí thư đảng uỷ, chủ tịch xã, phó bí thư thường trực, phó chủ tịch xã, cán bộ phụ nữ…Chưa ai đưa ra được một kế hoạch cụ thể là sau khi sáp nhập 2 xã thì các cán bộ dôi thừa còn lại sẽ đảm nhận những công việc gì? Đáng ra phương án bố trí công việc cho cán bộ dôi thừa phải được xác định trước khi tiến hành sáp nhập.
Nhưng việc sáp nhập hiện nay sẽ đưa đến nhiều hệ lụy tai hại. Trước hết là bố trí các chức danh chủ chốt như bí thư và chủ tịch xã. Tính địa phương cục bộ sẽ đưa đến các mâu thuẫn khó tránh khỏi. Thực tiễn đã chứng minh điều này.
Tiếp theo, sự sắp xếp lại nhân sự sẽ dẫn đến cuộc chạy đua tranh giành “ghế”, vô tình tạo cơ hội thuận lợi cho nạn tham nhũng và hối lộ phát triển. Thực tế đã chỉ ra, mỗi lần sắp xếp lại cán bộ là thêm một lần “chạy chỗ”. Trong tình trạng hiện nay, khó tránh khỏi các trường hợp “bán ghế” và “mua ghế”. Sắp xếp lại nhân sự trên toàn quốc ở cấp xã, huyện, sẽ tạo nên một làn sóng ngầm “chạy chức” gây nên sự bất ổn cho xã hội. Cán bộ cấp xã đã không dư dật, mà phải chạy đua để giữ “ghế” và giành “ghế”, thì buộc họ phải “giật gấu vá vai”, mà hệ quả cuối cùng là sự bớt xén tài sản công, “truy thu” sau khi đạt chức, và cả những hành động phạm pháp. Đậy thực sự là một hệ lụy tai hai.
Rồi đến vấn đề các trạm y tế. Trạm y tế là hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ sở, càng gần nhà dân càng tiện lợi. Nay từ 2,3 chọn còn 1 thì dịch vụ càng xa, cơ sở không được chọn sẽ để hoang, phí phạm. Cơ sở mới thì không đủ chỗ. Thực tiễn cũng đã chứng minh điều này.
Tiếp nữa là về trường tiểu học và trung học cơ sở. Nhập lại một nơi thì cơ sở còn lại thế nào? Để hai cơ sở. Vậy thì công việc quản lý vừa phức tạp vừa không hiệu quả.
Cũng như vậy là trụ sở xã. Trụ sở được chọn phải xây thêm vì người làm việc đông trong khi các trụ sở cũ bỏ không, lãng phí. Người đi làm thì phải xa hơn. Cơ sở gần thì bỏ trống, lãng phí. Nghĩa là đẻ ra thêm nhiều bất lợi.
Quan trọng nữa là hồ sơ quản lý phải thay đổi. Thay đổi địa danh, danh tính, từ huyện xã đến thôn. Lịch sử nhiều đời bị xóa bỏ. Truyền thống văn hóa bị xáo trộn. Vừa tốn kém vừa phiền phức.
Ví như ở Nghệ An, các xã có tên bắt đầu bằng tên trước của huyện, hay tên sau của huyện. Chẳng hạn Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và nhiều huyện khác, thì các xã bắt đầu bằng từ đầu tiên của huyện. Trong khi Yên Thành các xã kết thúc bằng chữ “Thành” còn Đô Lương, Anh Sơn thì tên xã kết thúc chung chữ “Sơn”. Nói đến xã bắt đầu bằng chữ “Diễn” là biết thuộc Diễn Châu. Nói “Quỳnh Đôi” là biết thuộc Quỳnh Lưu. Bắt đầu bằng chữ “Thanh” là biết Thanh Chương.
Cách đặt tên này của cha ông để lại từ ngàn xưa giống như thuật toán rẽ nhánh trong lý thuyết đồ thị, rất khoa học, dễ nhớ, dễ xác định vị trí địa lý. Nay, ví dụ như nhập 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng với tên mới Minh Châu, phá đi cách định danh truyền thống của Diễn Châu. Nghĩa là không mang lại điều lợi, mà chỉ mang đến điều hại, phiền toái và rắc rối. Đó là chưa bàn đến việc đặt tên xã mới có thể kéo theo sự mâu thuẫn nội bộ.
Hiệu quả làm việc sau khi sáp nhập không tăng lên. Vì không có thay đổi về chất lượng nhân sự cũng như phương tiện và lề lối làm việc, trong khi lương vẫn như cũ. Thậm chí hiệu quả công việc còn giảm đi. Do số lượng nhân sự vẫn như vậy mà chức danh thì bị tụt, khoảng cách làm việc xa, không tạo nên hưng phấn trong công việc.
Có thể liệt kê ra hàng loạt bất lợi nữa từ việc sáp nhập xã, huyện. Kèm theo bất lợi là tốn kém tiền bạc, lãng phí cơ sở vật chất và phí phạm thời gian. Thêm vào đó là phá vỡ văn hoá làng thôn gắn kết cùng địa danh qua nhiều thế kỷ. Và không nhỏ là làm nảy sinh vấn đề mâu thuẫn nội bộ.
Còn luận điểm giảm được biên chế thì hoàn toàn sụp đổ. Vì đơn giản là không sa thải được ngay, không cho được hưu trí tức thì, lại không có khả năng tạo ra việc làm mới. Thực chất là “đánh bùn sang ao”.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CĂN CƠ
1. Kết hợp hai bộ máy đảng và chính quyền vào một là giải pháp căn cơ quan trọng cho bài toán giảm biên chế và bài toán quản trị quốc gia
Bằng việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh, chúng ta đang đưa ra “toa thuốc” sai lầm tai hại cho “căn bệnh biên chế” và bài toán quản trị quốc gia. Hệ thống chúng ta cồng kềnh nhiều năm có đóng góp lớn của việc cùng tồn tại hai bộ máy quản lý song song đảng và chính quyền cho cùng một nhiệm vụ. Đến bất cứ tỉnh, huyện, xã nào cũng có hai trụ sở với hai bộ máy riêng biệt của đảng và của chính quyền. Và ở tất cả các cơ quan nhà nước đều ở tình trạng tương tự.
Mô hình quản lý này không chỉ lạc hậu, mà gây ra các cản trở lớn cho sự phát triển. Nó càng có tác động tiêu cực hơn khi thế giới được quản lý bới công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Kết hợp hai bộ máy đảng và chính quyền vào một là bài toán cấp thiết. Ngoài lợi ích giảm đi một số lượng biên chế lớn, còn quan trọng nữa là nó đưa đến rút giảm thời gian ra quyết định, gia tăng trách nhiệm của người ra quyết định, đưa công tác quản trị lên một mặt bằng hiệu quả mới. Cho nên, kết hợp hai bộ máy đảng và chính quyền vào một là giải pháp căn cơ quan trọng cho bài toán giảm biên chế và bài toán quản trị quốc gia. Nó phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Đừng sợ bị thâu tóm quyền lực. Có pháp luật để khống chế sự lạm dụng quyền lực. Kinh nghiệm các nước đã chi ra phương thức khống chế sự lạm dụng quyền lực rồi.
2. Tạo việc làm mới là giải pháp căn cơ thứ hai cho bài toán giảm biên chế
Điều thứ hai, để giảm được biên chế đích thực, thì phải bố trí công ăn việc làm cho số cán bộ dư thừa. Không thể đánh bùn sang ao, nhập vào rồi vẫn để ăn lương cho công việc cũ, dù không làm, chờ đến ngày hưu trí. Cho nên, muốn công cuộc giảm biên chế đích thực hiệu quả thì phải tạo ra việc làm mới. Giảm bao nhiêu biên chế thì phải tạo ra bấy nhiêu việc làm mới. Tạo việc làm mới là giải pháp căn cơ thứ hai cho bài toán giảm biên chế. Tiếc thay, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của chúng ta ở nhiều cấp bậc, chỉ thuần thục về diễn thuyết mà không có năng lực tạo ra việc làm mới.
3. Giải pháp căn cơ thứ ba là ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quản trị quốc gia.
Đây mới là nhân tố quyết định giảm biên chế đồng thời cũng là phương cách đột phá về hiệu quả quản lý.
Bài toán quản trị quốc gia, dù cách phân chia hành chính thế nào, mục đích cuối cùng là hệ thống điểu khiển đến tận người dân nhanh nhất. Quản trị quốc gia thời nay điều khiển đến từng cá nhân tức thì nhờ vào công nghệ chứ không phải do tách, nhập.
Lấy ví dụ cụ thể. Nhân sự trong biên chế hiện thời của mỗi xã nằm trong khoảng 20-23 người. Lấy tròn cận dưới là 20 người. Chẳng hạn như nhập 2 xã thành 1 thì phương án lý tưởng nhất là giảm biên chế được một nửa, tức là còn 20 nhân sự thay cho 40 nhân sự. Tức là giảm được 20 biên chế. Nhưng nếu ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thì khối lượng công việc của 20 người trong 1 xã hiện nay đòi hỏi không quá 3 người làm việc. Để nguyên không sáp nhập thì tổng biên chế 2 xã là 6 người. Giảm được 34 biên chế. 3 biên chế cho 1 xã 8.000 dân trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vẫn là con số cao.
4. Chọn nhân sự khoa học
Giải pháp căn cơ thứ tư là lựa chọn nhân sự khoa học. Không đơn thuần là giảm số lượng, mà người được lựa chọn làm việc phải thực sự hiệu quả. Làm thế nào để lựa chọn nhân sự đúng, kinh nghiệm của nhân loại cũng đã chỉ ra đường đi. Có điều, một số người vẫn không chịu đi theo con đường mà văn minh nhân loại đã dọi chiếu.
IV. GIAO CHO ĐỊA PHƯƠNG QUYỀN TỰ QUYẾT
Theo Nghị quyết về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 ngày 12/07/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ tiến hành sáp nhập khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, chỉ tính riêng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025 có 89 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập, với hy vọng đưa đến khoảng 1.800 cán bộ sẽ dôi dư. Các câu hỏi hiển nhiên là:
- Chỉ để giảm biên chế 1.800 cán bộ xã dôi thừa mà phải sáp nhập 89 đơn vị xã có phải là giải pháp tối ưu?
- Công ăn việc làm cho 1.800 cán bộ này sẽ bố trí ra sao?
- Nếu chia bình quân cho các xã giảm biên chế mà không phải sáp nhập thì có tốt hơn không?
Chắc chắn rằng, nếu giao cho địa phương quyền quyết định, mà không phải theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì sẽ có giải pháp giảm được biên chế đúng theo số lượng như sáp nhập dôi thừa, nhưng lại không phải sáp nhập.
Không thể dùng sáp nhập làm biện pháp giảm biên chế trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Bài toán sáp nhập là bài toán lớn. Để giải bài toán lớn cần có trí tuệ lớn.
NGUYỄN NGỌC CHU 23.12.2023
No comments:
Post a Comment