Sunday, December 3, 2023

Kissinger không phải là người Việt Nam!Yên Khê
3-12-2023
Tiengdan

Căm ghét

Kissinger không phải là người Việt Nam, đương nhiên rồi. Nhưng Kissinger được nhiều người Việt biết đến, nhất là những người Việt xuất thân từ miền Nam Việt Nam, vì ông ta là kiến trúc sư lớn nhất cho việc người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam sau khi ký hiệp định Paris với Cộng sản Bắc Việt năm 1973.

Hơn hai năm sau khi hiệp định Paris ký kết, Sài Gòn sụp đổ. Gần một triệu người Việt bỏ chạy khỏi Việt Nam, hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng hòa bị cầm tù không án trong cái gọi là “trại cải tạo”. Người Việt Nam, nhất là người Việt hải ngoại căm ghét Kissinger vì những điều kể trên.

Realpolitik

Đó là đối với Việt Nam. Đối với thế giới ông ta được biết như là một gương mặt tiêu biểu cho một chính sách ngoại giao gọi là Realpolitik, Chính trị Thực dụng, tức là hành xử để có lợi, không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, và cả… đạo đức.

Nhưng Henry Kissinger không phải là người duy nhất của loại hành xử chính trị ngoại giao Realpolitik, trong đó các nước nhỏ chỉ là những con cờ, chỉ có các đại cường chơi với nhau, những chuyện như là dân chủ, nhân quyền… xem là chuyện vặt. Có thể kể vài tên tuổi như là Thucydides người Hy Lạp, Machiavelli người Ý,… một số nhân vật cộng sản như Mao Trạch Đông cũng có thể được xếp vô loại Realpolitik, một loại chính trị chẳng xa lạ gì với thế giới Đông Á. Đâu phải tự nhiên mà người Trung Quốc (và người Việt bắt chước theo) có câu, “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”! (Một vị tướng thành công là cả vạn người chết).

Đương nhiên, xã hội loài người thay đổi, thời của Kissinger khác với Machiavelli, càng khác với Thucydides. Cùng thời như Kissinger và Mao, nhưng cái khung xã hội cũng khác. Tuy nhiên, cái chung của những nhân vật này là họ hành xử trong cái hệ thống của họ, họ là đại diện cho hệ thống ấy, cho nên họ chẳng bị xử phạt, trừng trị gì cả. Mao là thủ phạm của khoảng 30 triệu cái chết trong cái gọi là “đại nhảy vọt”, Hồ Chí Minh là thủ phạm của mấy chục ngàn người chết của cái gọi là “cải cách ruộng đất”. Thế nhưng, cả tỷ người Trung Quốc, gần 100 triệu người Việt, hàng ngày móc bóp ra là gặp hình hai ông này.

Trong trường hợp Kissinger, ông ta đại diện cho hệ thống tư bản Mỹ, hệ thống tư bản toàn cầu, trong đó ranh giới quốc gia mờ nhạt. Thế nên, chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm khi Kissinger nói rằng, ông ta không quan tâm đến những người Do Thái ở Liên Xô có được đi định cư ở Israel hay không, hay là bị chế độ Soviet bỏ vào phòng hơi ngạt, mặc dù ông ta là người Do Thái. Stephen B. Young, một giáo sư Mỹ rành tiếng Việt, nhận định với BBC Việt ngữ rằng Kissinger chẳng yêu gì nước Mỹ, ông ta chỉ hành động cho thỏa cái tự cao tự đại của ông ta thôi.

Tổng thống Nga Putin gặp cựu Ngoại trưởng Kissinger ngày 12-2-2005. Nguồn: Điện Kremlin

Tất cả những điều này cũng không nằm ngoài những khuôn khổ của hệ thống tư bản toàn cầu. Cho nên những lời buộc tội ông ta, nào là bàn tay nhuốm máu, nào là đồ tể,… có lẽ cũng hơi quá. Tất cả những chuyện ông ta làm, mà hậu quả là cả triệu người thiệt mạng, hay tù đày, … đều là vì quyền lợi của hệ thống mà ông ta đại diện.

Cùng một mục tiêu chống hệ thống cộng sản, ở Đông Á ông ta bắt tay với Mao, nhưng tại Chile ông ta ra tay âm mưu lật đổ Allende. Nếu người Việt chống Cộng sản căm thù Kissinger vì cho rằng ông ta “phản bội” VNCH, gây đau khổ cho hàng triệu người Việt, thì họ có đồng ý với Kissinger qua chuyện lật đổ Allende, một người theo chủ nghĩa Marxist, dẫn tới việc hàng triệu người Chile phải đau khổ dưới chế độ độc tài Pinochet không?

Xem các nước nhỏ chỉ là con cờ, Kissinger không thèm đếm xỉa đến các viên chức Việt Nam Cộng Hòa về thái độ đối với Bắc Việt, cũng như chính sách chiến tranh Việt Nam, mà lại đi vấn kế Jean Sainteny, một người Pháp thân thiết với Hồ Chí Minh. Vì dưới mắt ông ta, người Mỹ, người Pháp chơi cờ, còn người Việt chỉ là những con tốt.

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Kissinger đặt bút ký hòa đàm Paris với Hà Nội, nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Allende tử nạn vì cuộc đảo chánh phản dân chủ của Pinochet, hơn nửa thế kỷ từ khi Kissinger cho ném bom Cambodia, không chỉ làm hàng ngàn người chết, mà còn dẫn đến sự trỗi dậy của phong trào Khmer Đỏ và chế độ diệt chủng sau đó.

Cựu tổng thống Obama nói với báo The Atlantic hồi năm 2016, rằng Mỹ đã bỏ bom Cambodia và Lào còn nhiều hơn số bom bỏ ở châu Âu hồi Thế Chiến Thứ Hai, và cuối cùng thì được cái gì?  Ông Obama nói tiếp, rằng chỉ được sự hỗn độn chết chóc cùng với các chế độ độc tài. Khi Nixon và Kissinger bàn chuyện bỏ bom Cambodia, họ có biết điều đó không? Khó mà nói được họ có thông minh và viễn kiến để thấy như vậy hay không. Và chính phủ VHCH lúc đó có ủng hộ việc ném bom đó không? Tôi cho rằng có, vì nó nằm trong kế hoạch cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, con đường tiếp liệu của Bắc Việt.

Đương nhiên, nếu không biết được tương lai ra sao thì trách nhiệm có thể sẽ nhẹ hơn. Trường hợp Kissinger, người ta cho rằng ông ta biết người miền Nam Việt Nam sẽ gánh chịu sự cai trị của cộng sản khổ sở ra sao, người Chile sẽ bị tay độc tài Pinochet đàn áp thế nào… Người ta cho là thế, dựa vào sự biện hộ của Kissinger khi chuyện đã xảy ra.

Trường hợp Chile, ông ta nói rằng ông ta phải ra tay vì sự bất cẩn của dân chúng Chile đã bầu lên một người Marxism. Trường hợp Việt Nam, ở chỗ riêng tư ông ta nói rằng, miền Nam Việt Nam chỉ trụ giỏi lắm là một năm rưỡi. Thực tế, ông ta chỉ đoán sai chín tháng, từ ngày ký hiệp định Paris cho đến khi Sài Gòn sụp đổ là hai năm ba tháng. Ông ta biện hộ như thế dựa trên những điều ông ta đoán trước khi ra quyết định, hay chỉ là cái thói tự cao tự đại, tao như thế chúng mày làm gì tao!?

Nhưng một lần nữa, ông ta hành động trong hệ thống tư bản toàn cầu qua cuộc cạnh tranh với chủ nghĩa cộng sản, mà trong cuộc cạnh tranh đó, chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, có một phần công lớn của nhà ngoại giao Realpolitik, Henry Kissinger.

Một thế giới đã thay đổi với những ám ảnh quá khứ

Sau khi có tin Kissinger qua đời, ông Jim McGovern, dân biểu liên bang Hoa Kỳ từ Massachusetts, viết rằng, Kissinger đã hủy diệt với bạo lực kinh hoàng ở Chile, Vietnam, Cambodia, Đông Timor, Bangladesh. Đây là cái nhìn của một người Mỹ, của chủ nghĩa tư bản toàn cầu Mỹ, thuộc thế hệ sau Kissinger.

Ông Juan Gabriel Valdes, đại sứ Chile ở Mỹ, nhận xét rằng, Kissinger là một một kẻ thông minh không thèm che dấu sự thảm hại đạo đức của chính mình. Chính phủ hiện nay của Chile là một chính phủ khuynh tả, được thành lập sau một thời gian dài nước Chile bị đàn áp dưới chế độ độc tài Pinochet do Mỹ giúp dựng nên.

Có thể Kissinger đã góp phần vào sự sụp đổ của VNCH. Đó là một thời kỳ thực nghiệm dân chủ phôi thai duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Nền dân chủ phôi thai ấy bị hy sinh cho một ý tưởng to lớn hơn, là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Những nền dân chủ phôi thai cùng thời kỳ ở Đông Á như Nam Hàn, Đài Loan, đâu phải là không khó khăn, đâu phải là không có Kissinger, nhưng họ đã thoát và củng cố nền dân chủ hùng mạnh cho tới nay.

Một Lạt Ma Tây Tạng từng nói như thế này: Ta đã sống qua quá khứ, đâu có cần thiết phải sống lại với nó, nếu ta muốn sống với những vết thương quá khứ thì ta hy sinh hiện tại và tương lai, không thông minh chút nào cả.

Nếu không có những ồn ào bằng tiếng Việt quanh sự ra đi của Kissinger, tôi cũng không để ý lắm. Đối với tôi, ông ta chỉ là một người Mỹ, hành động với quyền lực của một siêu cường.

Và hơn hết, ông ta có phải là người Việt Nam đâu! Người Việt Nam chúng ta phải chịu trách nhiệm về thân phận của đất nước Việt Nam.

No comments:

Post a Comment