Sunday, December 3, 2023

Hồng vệ binh văn hoá
Tạ Duy Anh
3-12-2023
Tiengdan

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Dịch giả Dương Tường, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Nhà giáo Phạm Toàn. Ảnh trên mạng

Trong bài cách đây mấy hôm, tôi nói trước rằng, dư âm triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường sẽ còn kéo dài.

Hôm nay (và sẽ còn nhiều ngày sau) mạng xã hội tràn ngập thông tin về cuộc triển lãm, kèm theo những lời bày tỏ đủ các sắc thái tình cảm về hành động lạ lùng, rất phản văn hóa, của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Chắc chắn sự kiện này sẽ ghim vào lịch sử như một vết đen, gắn với Hà Nội, không dễ tẩy xóa.

Trước khi triển lãm khai mạc một ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn “cẩn thận” cử đến hai nữ “hồng vệ binh”, lăm lăm trong tay bản danh sách phê duyệt các chân dung được treo và không được treo. Họ lạnh lùng rà soát từng bức chân dung. Mất đúng một buổi chiều, cuối cùng họ cũng phát hiện chân dung nhà thơ Phùng Quán thuộc diện CẤM TREO nhưng vẫn ngang nhiên “ngự” trên tường. Gỡ xuống ngay và luôn, không nói nhiều!

Danh sách văn nghệ sĩ bị Sở Van hoá Hà Nội yêu cầu gỡ tên. Ảnh trên mạng

Dư luận đang đặt câu hỏi: Việc làm đầy tinh thần “hồng vệ binh” tàn sát văn hóa như đã xảy ra liệu có phải là quan điểm của lãnh đạo Hà Nội hay chỉ là sự kém cỏi, muốn thể hiện quyền lực của cấp dưới?

Với trường hợp thứ nhất thì không còn gì để nói, ngoài từ “thảm họa”.

Nhưng, cho dù không đánh giá cao năng lực của lãnh đạo Hà Nội, tôi vẫn nghiêng về giả thiết thứ hai.

Trong trường hợp đó, nếu tôi là ông Đinh Tiến Dũng hoặc ông Trần Sỹ Thanh, tôi sẽ đích thân đến thăm triển lãm, nằn nì xin phép tác giả được tự tay treo những bức chân dung bị cấp dưới cấm (trừ bức chân dung tôi, vì nó đã nằm cố định ở trên tường nhà tôi từ lâu).

Đó sẽ là hành động văn hóa đẹp ở mức siêu thăng (từ của thầy Hoàng Ngọc Hiến), đủ sức biến một thảm họa văn hóa, thành một dấu ấn của đạo đức và khôn ngoan chính trị.

Lịch sử sẽ ghi nhớ các ông theo cách nào, hoàn toàn tùy ở các ông.

No comments:

Post a Comment