Saturday, December 23, 2023

Cù Mai Công - "Ngày xửa ngày xưa" có một ngôi thánh đường tên là Truyền Tin
samedi 23 décembre 2023
Thuymy


Lại một Noel nữa - Mấy mùa Giáng sinh rồi - Anh ở đồn biên giới - Thương về một khung trời …” (Niềm tin – Thơ: Nhất Tuấn, nhạc: Anh Bằng)

Ngôi nhà thờ ấy nằm khá xa khu vực trung tâm Ông Tạ, trên một vùng đất trước 1975 hầu như không có dân: phạm vi phi trường Tân Sơn Nhứt.

Nhà thờ Truyền Tin do linh mục trung tá Tuyên úy Phan Phát Huồn (dòng Chúa Cứu Thế) xây dựng. Da dẻ cha hồng hào, tánh tình vui vẻ, năng động, cười tươi và phúc hậu lắm.

Cha phát hành vé số Tombola và vận động sự giúp đỡ của cơ quan MACV (The US Military Assistance Command, Vietnam - Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - viết tắt là MACV cũng đóng gần đó từ 1962) để có kinh phí xây dựng thánh đường và trường học. Viên đá đầu tiên được đặt dịp Noel, ngày 23-12-1961. Hoàn thành ngày 13-8-1962. Đến nay hơn 60 năm.

Thoạt đầu mang tên (nhà thờ căn cứ) Không Quân vì khu vực phi trường Tân Sơn Nhứt lúc đó chỉ có nhà thờ này. Sau đổi thành nhà thờ Truyền Tin do nằm trong khu vực binh chủng Truyền Tin. Gần bên nhà thờ có cư xá/khu gia binh Truyền Tin, Trường trung tiểu học Truyền Tin. Nhưng Truyền Tin cũng là lấy từ sự kiện Đức Maria được Sứ thần Grabriel truyền tin rằng bà sẽ sớm mang thai một đứa con của Chúa Trời (Chúa Jesus). Dưới tháp thánh giá có một logo binh chủng Truyền Tin bằng xi măng khá lớn, không rõ bây giờ còn không.

Về hành chính, nhà thờ Truyền Tin thuộc Nha Tuyên úy Công giáo Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Còn về tôn giáo, là giáo khu Truyền Tin thuộc giáo xứ Tân Sa Châu - Ông Tạ, dù nhà thờ này cách nhà thờ Tân Sa Châu cả cây số. Lúc ấy, xung quanh nhà thờ là của đất phi trường Tân Sân Nhứt lấy đâu ra dân. Gia đình binh sĩ thì có. Sau thuộc hạt Biệt khu Thủ đô.

Đây là nơi các linh mục Tuyên úy quân đội dâng Thánh lễ như linh mục Phan Phát Huồn (dòng Chúa Cứu Thế), linh mục Nguyễn Ái (người Huế), linh mục Phạm Minh Hứa, Nguyễn Tự Do, Đinh Ngọc Quế dâng Thánh lễ cho quân nhân đóng quanh hoặc trong phi trường Tân Sơn Nhứt và Bộ Tổng tham mưu; cụ thể phụ trách hai binh chủng Truyền tin và Không quân trong khu vực. Cha Nguyễn Ái có người em là linh mục Nguyễn Ân.

Khu vực này trước 1975 có hai địa điểm tôn giáo là nhà thờ Truyền Tin và chùa Phổ Quang. Gần đó là Niệm Phật đường của Phật giáo với có tượng Phật bà Quan âm khá lớn, sau này giải tỏa, thành nhà khách Tân Sơn Nhứt. Tượng Phật bà được thỉnh vào chùa Phổ Quang.

Linh mục Phan Phát Huồn sinh năm 1926 ở Huế và tu dòng Chúa Cứu Thế năm 1937, khi cha 11 tuổi. Cha khấn dòng năm 1948 và thụ phong linh mục năm 1955. Cùng với việc làm linh mục Tuyên úy, phó giám đốc Nha Tuyên úy Công Giáo, cha còn là giám đốc chương trình “Tiếng vọng tình thương” của Đài phát thanh Quân đội.  Cha Huồn còn là một sử gia Công giáo lỗi lạc với tác phẩm “Việt Nam giáo sử” rất công phu, đồ sộ được in trước 1975 ở  Sài Gòn và sau 1975 tại Mỹ.

Cha Huồn cũng là linh mục tiên khởi giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở vùng Xóm Mới (hiện trên đường Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp). Năm 1969, đây là một mảnh đất sình lầy và thật ảm đạm. Cha Phêrô Phan Phát Huồn đã đến đây mua đất, phân lô thành lập một khu trại mới, đặt tên là khu Chỉnh Trang. Với nhiệt huyết của một linh mục Tuyên úy, cha đã lập một ngôi nhà nhỏ để thờ kính Chúa với vỏn vẹn khoảng 20 gia đình Công giáo. Năm 1971 Cha cho dựng một ngôi nhà thờ lớn hơn nhưng cũng bằng những vật liệu lính tráng, thô sơ như: cọc sắt ấp chiến lược, cột gỗ, vách tôn ...để làm nơi cử hành Thánh lễ cho giáo dân.

Cha Huồn cũng sáng lập và là hiệu trưởng hai trường: Trường trung tiểu học Truyền Tin, sát bên nhà thờ Truyền Tin và Trường trung học Tinh Thần ở khu vực trại Lê Văn Duyệt - Biệt khu Thủ đô (nay thuộc khuôn viên câu lạc bộ Lan Anh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Thành phố Hồ Chí Minh). Tinh Thần cũng là tên một tờ báo thuộc Nha Tuyên úy mà cha Huồn từng là chủ nhiệm.

Cấp bậc sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nên sau năm 1975, cha Huồn cũng như những sĩ quan Việt Nam Cộng hòa khác phải đi cải tạo. Cha ra trại năm 1988 và đi Mỹ năm 1992 theo diện HO. Khi sang Mỹ, cha sinh hoạt ở  dòng Chúa Cứu Thế hạt Long Beach và về Nước Chúa ngày 16- 10-2015.

Trước đó mười năm, 18-05-2005, khi được linh mục Phan Phát Huồn thăm trên giường bệnh, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vốn sinh trưởng trong một gia đình Phật Giáo đã bất ngờ ngỏ ý muốn theo đạo. Cha Huồn đã thực hiện bí tích rửa tội cho nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, lấy tên thánh là Phêrô. Đồng thời, cha Huồn cũng thực hiện bí tích hôn phối theo nghi thức Công giáo cho nhạc sĩ và người vợ sau là ca sĩ Mỹ Lan - vốn dân Công giáo.

Đi cải tạo về, cha Ái cũng sang Mỹ định cư theo diện HO vào khoảng năm 1998 và sau đó đã được Chúa gọi về.

Sau 1975, vị linh mục tên Khánh tiếp quản, dâng lễ nơi đây một thời gian. Sau đó, vì cư xá Truyền Tin vốn là khu gia binh với các gia đình binh sĩ nên bị giải tỏa toàn bộ. Linh mục và giáo dân đều không còn; bị bỏ hoang một thời gian, sau đó Nhà nước tiếp nhận ngôi nhà thờ nho nhỏ nhưng rất đẹp và ấm áp này. Lâu nay là nhà kho chứa thiết bị, vật tư của Điện lực Gia Định. Ai đi qua, nhìn vô chỉ thấy xe của điện lực và các vật tư điện cao thế xếp đầy khuôn viên ngôi nhà thờ nằm lặng lẽ ở một khúc cua trên đường Phổ Quang (phường 2, Tân Bình)…

Giáo dân Công giáo toàn thế giới đang trong những ngày cuối của Mùa Vọng (trông chờ, hy vọng;  tiếng Anh: Advent, tiếng Latinh: Adventus). Đây là khoảng thời gian bốn tuần trước Giáng Sinh, kết thúc trước Lễ Vọng Giáng sinh chiều 24-12. Đêm 24-12 là đêm Noel.

… Noel 2023. 48 mùa Giáng sinh đã qua. Chùa Phổ Quang lâu nay thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn ngôi nhà thờ một thời thuộc mục vụ của xóm đạo Ông Tạ này tới giờ vẫn lặng những hồi chuông Noel

“Lại một Noel nữa - Mấy mùa Giáng sinh rồi - Anh ở đồn biên giới - Thương về một khung trời …” (Niềm tin – Thơ: Nhất Tuấn, nhạc: Anh Bằng)

CÙ MAI CÔNG 22.12.2023

No comments:

Post a Comment