Đặng Sơn Duân - VinFuture, đế chế Phù Nam hay là tương lai của Việt Nam
mardi 26 décembre 2023
Thuymy
Tuần trước, VinFuture tổ chức lễ trao giải. Phần đông dư luận nếu không chú ý đến cô ca sĩ Kate Perry, thì cũng hân hoan với giải thưởng vinh danh một vị giáo sư người Việt.
Hoặc cơn lên đồng tự hào quen thuộc, như kiểu sự có mặt của các nhà khoa học lỗi lạc lập tức đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc khoa học tiên tiến. Tương tự chuyện anh Hoàng Nhân Huân sang đá tô phở vỉa hè, tợp ly chuối hột là Việt Nam một bước trở thành trung tâm vi mạch thế giới.
Tuy nhiên, nhìn những giải thưởng được trao ở VinFuture, tôi không khỏi có một sự liên tưởng nhất định đến một câu chuyện khác. Không may đó là một câu chuyện buồn!
Không rõ đó có phải là ý đồ của ban tổ chức hay chỉ là sự chắp vá chủ quan những thứ ngẫu nhiên, nhiều khả năng chỉ là góc nhìn khiên cưỡng của tôi. Nhưng những giải thưởng được trao dường như hướng suy nghĩ của tôi về một điều duy nhất: Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể coi giáo sư Võ Tòng Xuân là gương mặt đại diện cho Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể hơn là vựa lúa ở vùng đất này. Từ khóa còn lại là biến đổi khí hậu, ngoài một giải thưởng về y tế và một thứ khác liên quan nhiều đến Vin là pin Lithium-ion.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những cuộc trao đổi với khá nhiều nhà ngoại giao và học giả, họ đều nói với tôi hãy chú ý đến Mê Kông, nó có thể sẽ là Biển Đông thứ hai.
Điều gì đang bị đe dọa ở đồng bằng sông Cửu Long? Trước hết đó là biến đổi khí hậu và thứ hai đó là âm mưu thông đồng tước đoạt vựa lúa của Đông Nam Á khỏi tay Việt Nam.
Không có nhiều điều chúng ta có thể làm được đối với biến đổi khí hậu, dường như có một sự bất lực và vô vọng nhất định khi nhìn về tương lai. Dù sao đối với những người nông dân, vài chục năm thường vẫn là một tương lai quá xa vời.
Quan trọng hơn là âm mưu nhằm đẩy nhanh sự suy kiệt của đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ dừng lại ở mục đích lưu thông đường thủy, dự án như kênh Phù Nam còn ẩn chứa những mưu đồ lớn hơn. Những thông tin về Phù Nam vẫn còn mập mờ, nhưng không khó để tưởng tượng nó sẽ được hình thành với những kênh rạch hình mang cá dọc theo đó để bồi đắp một vùng canh tác, với cái giá phải trả của đồng bằng sông Cửu Long.
Do vậy, âm mưu này thâm độc ở chỗ nó không chỉ đẩy nhanh quá trình biến đổi của đồng bằng sông Cửu Long mà còn nhằm thay thế nó. Đúng hơn là tước đoạt vựa lúa của Đông Nam Á ra khỏi tay Việt Nam, với bàn tay lông lá của kẻ mà ai cũng biết là ai đó.
Mất vựa lúa này không chỉ mất đi an ninh lương thực, sinh kế của hàng triệu người dân về trồng trọt, thủy sản và du lịch, mà còn cả đòn bẩy địa chính trị quan trọng của đất nước. Cuộc khủng hoảng lúa mì trong chiến tranh Ukraine cho ta thấy lương thực không đơn giản chỉ là một hàng hóa, mà còn là nguồn tạo ra sự ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Ứng phó với mối đe dọa được ví như chiếc đinh cuối cùng đóng vào nắp quan tài này đòi hỏi một chiến lược phức tạp và toàn diện. Tuy nhiên, những thứ đang bị đe dọa là sinh kế của khoảng 20 triệu dân, nếu kết hợp với những tác động của biến đổi khí hậu.
Nhìn về tương lai lâu dài, lựa chọn không thể tránh khỏi là phải giải quyết hai vấn đề: Chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng triệu dân và tìm một đòn bẩy địa chính trị mới.
Câu trả lời cho cả hai vấn đề quốc sách này chính là công nghệ cao. Cũng chính là lý do khiến tôi nghĩ ngợi VinFuture có một ý đồ nào đó trong cách họ trao giải, khi một giải thưởng là về Lithium-ion. Nói một cách công bằng Vin có một tầm nhìn và nỗ lực chuyển đổi đáng ghi nhận, để bắt đầu tạo ra nhận thức và định hình tương lai này. Chiếm lĩnh lãnh vực xe điện và những công nghệ kèm theo không phải là một ý tưởng tồi và bất khả thi, chỉ tiếc là cách làm còn có khá nhiều vấn đề.
Chìa khóa thứ hai mà người ta có thể nghĩ ra có lẽ là vi mạch và đất hiếm, những từ khóa hot trong năm nay. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm, hơn nữa chẳng có riêng gì Việt Nam thèm muốn. Ngồi trên trữ lượng đất hiếm cũng chẳng có ích gì nếu không có công nghệ và nguồn lực để khai thác nó. Sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược cũng chẳng có ích gì nếu không có một nguồn nhân lực lành nghề, trình độ cao và nền khoa học ở một trình độ nhất định.
Vì thế, thay vì tập trung xem Jensen Huang ăn gì uống gì, hay Kate Perry hát hò thế nào, thứ quan trọng hơn cần phải tập trung là nền giáo dục. Đó mới chính là thứ hệ trọng nhất đằng sau những chuyện này. Đáng tiếc nhìn vào hiện trạng của ngành giáo dục nước nhà, người ta chẳng có nhiều lý do để mà hy vọng.
Sự xuất hiện các nhà khoa học và công nghệ nổi bật ít nhất giúp khơi gợi lên một chút đam mê và nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nhưng đam mê và sự đổi mới chỉ có thể phát triển trên nền tảng vững chắc của một hệ thống giáo dục mạnh mẽ. Nếu không tập trung vào vấn đề gốc rễ là đầu tư vào giáo dục và đào tạo một cách nghiêm túc thì tất cả cũng chợt đến rồi chợt đi, như cách cô Perry khoác nguyên bộ đồ diễn ra sân bay mà thôi!
Chút cảm nghĩ những ngày cuối của một năm nhiều sự kiện!
ĐẶNG SƠN DUÂN 26.12.2023
No comments:
Post a Comment