Friday, November 3, 2023

Ý kiến: Chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú trọng nhằm hạn chế khu vực tư nhân
David Hutt
Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ CH Czech
3 tháng 11 2023, 13:19 +07
BBC



Vào tháng 3, nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch công ty bất động sản và giải trí FLC Group, với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Một tháng sau, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn phát triển bất động sản Tân Hoàng Minh, bị bắt vì nghi ngờ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

RFA viết rằng: “Truyền thông quốc tế và địa phương gọi những vụ bắt giữ này là tín hiệu cho thấy các công ty lớn nhất của Việt Nam hiện là mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Nhưng công cuộc chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là về tham nhũng - bởi lẽ tham nhũng đúng hơn nên hiểu là một yếu tố quan trọng của đời sống chính trị, không phải là sản phẩm phụ hay sự khiếm khuyết.

Chiến dịch này cũng không phải là quân bài để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hạ các đối thủ của mình. Thay vào đó, đây thực sự là cách của Đảng Cộng sản để khẳng định lại quyền lực của mình đối với khu vực tư nhân và từ đó, kết liễu những thế lực nào có thể thế chỗ cho sự độc quyền quyền lực của mình.
NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK TRỊNH VĂN QUYẾT
Ông Trịnh Văn Quyết

Là thế nào? Chúng ta cần hiểu một chút về lịch sử.

Năm 1975, Cộng sản Bắc Việt đánh bại miền Nam tư bản, thống nhất đất nước. Nhưng những người cộng sản thiếu khả năng và thẩm quyền để áp dụng đúng đắn việc tập thể hóa và quốc hữu hóa ở miền Nam.

Và họ đã thất bại trong việc bố trí các kế hoạch này ở miền Bắc. Vì vậy, từ cuối những năm 1970 trở đi, người dân Việt Nam, phần lớn là nông dân, bắt đầu phạm luật.

Họ buôn bán trái phép gạo và các hàng hóa cơ bản khác. Khi chính quyền hiểu được chuyện gì đang diễn ra, họ không thể ngăn được nữa. Vì vậy, họ cho phép một số giao dịch trong nền kinh tế thị trường non trẻ; họ cho phép các doanh nghiệp nhà nước duy trì sản xuất thặng dư. 

Nhưng người dân Việt Nam đã đẩy xa hơn nữa. Họ bắt đầu bán nhiều hàng hóa hơn ở chợ đen; họ và chính phủ lại nhượng bộ và đưa ra luật mới để cho phép nhiều hoạt động mua bán hơn. Nhưng người dân sau đó đã phá vỡ các quy tắc mới này.

Adam Fforde, một nhà kinh tế học và Benedict Kerkvliet đã ghi lại quá trình này một cách chi tiết. Tôi từng viết trước đó về "huyền thoại thời kỳ Đổi Mới".

Quá trình này được đẩy mạnh cho đến Đại hội toàn quốc năm 1986, khi đảng chấp nhận nguyên tắc đổi mới một cách muộn màng. Tuy nhiên, cải cách vẫn còn manh mún. Phải đến năm 1999, Luật Doanh nghiệp mang tính bước ngoặt mới được thông qua.


Đảng Cộng sản buộc phải chấp nhận nền kinh tế thị trường và khu vực tư nhân được mở rộng. Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong nền kinh tế tăng lên. Theo một nghiên cứu, số lượng “siêu giàu” (trị giá hơn 30 triệu USD) đã tăng 320% từ năm 2000 đến năm 2016, tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ triệu phú mới cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản vẫn kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống chính trị. Khu vực tư nhân, được thúc đẩy từ sự giàu có của mình, đã đố kỵ, muốn có tiếng nói trong việc điều hành đất nước.

Nhưng điều này mang đến sự đe dọa cho Đảng Cộng sản cầm quyền.

Một đảng độc tài chỉ cần làm đúng một điều: phải diệt trừ bất kỳ không gian nào cho các lựa chọn thay thế về mặt chính trị. Đảng Cộng sản có thể dễ dàng bắt giữ các nhà hoạt động môi trường hoặc triệt tiêu các phong trào như Hội Anh em Dân chủ hay Khối 8406.

Nó có thể chặn mọi cơ hội thành lập một đảng chính trị khác. Tuy nhiên, nó không thể phá hủy hoàn toàn khu vực tư nhân - điều đó có nghĩa là phá hủy nền kinh tế. Tuy nhiên, cho phép khu vực tư nhân phát triển quá lớn và có tư tưởng độc lập sẽ đe dọa đến quyền lực của Đảng Cộng sản.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ triệu phú mới cao nhất thế giới

Lĩnh vực tư nhân có thể không quan tâm đến những lời dạy của Marx hay Lenin lẫn Hồ Chí Minh, và có thể muốn sự trung lập và nhất quán tương đối trong tòa án.

Nó có thể muốn lắng nghe những gì quần chúng thực sự nghĩ, chứ không phải những gì họ buộc phải nói. Nó có thể muốn có một nền pháp quyền và các quyền về sở hữu tư nhân.

Trong hai thập kỷ, Đảng Cộng sản đã vây hãm và đe dọa trấn áp nạn tham nhũng ở khu vực tư nhân nhưng không thực sự làm gì cả. Sau đó, tới thời của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông là người miền Nam, không tôn sùng tư tưởng nhưng tin vào sự độc quyền về quyền lực của Đảng Cộng sản.

Ông trở thành thủ tướng vào năm 2006, vị trí mà ông nắm giữ suốt một thập kỷ và thu về nhiều quyền lực trong Đảng Cộng sản hơn các thủ tướng thường có.


Theo ông Dũng, cách Đảng có thể hạn chế quyền lực của khu vực tư nhân là bắt tay với nó. Thay vì nắm giữ khu vực tư nhân trong tay, Đảng Cộng sản sẽ trở thành cầu nối cho lợi ích của khu vực tư nhân.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 10 năm 2006, người ta đã quyết định rằng các quan chức của Đảng có thể điều hành doanh nghiệp, mặc dù hầu hết đều hoạt động âm thầm (và thường không kín kẽ) trong nhiều thập kỷ. Tại Đại hội tiếp theo, năm 2011, doanh nhân lĩnh vực tư nhân được phép gia nhập Đảng.

Theo kế hoạch của ông Dũng, các doanh nhân và ông trùm sẽ cần phải đến Đảng Cộng sản để tiếp cận được đất đai, có được hợp đồng và giành được những quyết định có lợi từ tòa án.

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiến hành hợp tác chung với các doanh nghiệp tư nhân. Và các công ty tư nhân sẽ tiếp cận phần lớn tín dụng của họ từ các ngân hàng nhà nước.

Tất cả những điều đó đã buộc khu vực tư nhân phải khăng khít với Đảng Cộng sản. Đổi lại, khu vực tư nhân sẽ tưởng thượng cho một số quan chức Đảng Cộng sản nhất định và những quan chức có mối quan hệ tốt này sẽ leo lên những chức vụ đứng đầu Đảng, từ đó hình thành mối quan hệ cộng sinh.

Nói cách khác, tham nhũng sẽ là phương tiện để hạn chế khu vực tư nhân và trao quyền cho Đảng Cộng sản. Và hệ thống phân cấp mới trong Đảng Cộng sản gồm những người được gọi nôm na là “những kẻ trục lợi”, với người đứng đầu là ông Dũng, sẽ coi việc tạo ra của cải là nhiệm vụ chính của Đảng, chứ không phải là tạo ra một nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tương lai hay sự trong sạch về mặt tư tưởng.

Nhận định vào năm 2017, nhà phân tích Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến ​​​​sự trỗi dậy của tầng lớp được gọi là 'siêu giàu', thường gắn liền với giới tinh hoa chính trị và có ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển chính sách.”

Học giả Alexander Vuving lập luận về thời kỳ này rằng “khi chế độ cộng sản Việt Nam cố gắng tồn tại bằng cách áp dụng một số yếu tố của chủ nghĩa tư bản trong khi vẫn giữ lại phần lớn chủ nghĩa độc tài, những kẻ trục lợi đã dần trở thành lực lượng thống trị trong nền chính trị Việt Nam, từ đó âm thầm thay đổi bản chất của chính quyền mà họ nắm giữ.”

Tuy nhiên, thay vì hạn chế khu vực tư nhân, chính sách của ông Dũng lại kiềm kẹp Đảng Cộng sản. Quần chúng trở nên phẫn nộ trước tình trạng tham nhũng tràn lan đối với các dịch vụ cơ bản.

Hóa ra việc hối lộ đã dẫn đến sự lãng phí khổng lồ tiền công, làm suy yếu chức năng của chính phủ, trong khi khu vực tư nhân bắt đầu yêu cầu các chính sách đi ngược lại với lợi ích của Đảng. Nhiều người cộng sản tận tâm bắt đầu đặt câu hỏi về mục đích của Đảng.




Viết vào năm 2012, giáo sư Vuving lập luận rằng “ranh giới chính trong nền chính trị tinh hoa Việt Nam không còn bị chia rẽ giữa phe bảo thủ và phe cải cách như những năm 1990…vấn đề trọng tâm là làm thế nào để giải quyết nạn tham nhũng”.

Sau đó ông Nguyễn Phú Trọng tiến tới. Được bổ nhiệm làm tổng bí thư Đảng Cộng sản vào năm 2012, ông Trọng đã dành sự nghiệp của mình cho tạp chí lý luận của đảng và là một nhà tư tưởng tận tụy.

Ông đã đưa ra những cảnh báo về chính sách của ông Dũng khi còn đương chức. Sau đó là cuộc đọ sức trước thềm Đại hội toàn quốc 2016. Ông Dũng muốn lên làm tổng bí thư, nhưng Trọng đã thành lập liên minh “ai cũng được trừ Dũng” và giành được nhiệm kỳ thứ hai. Điều này không chỉ loại được kẻ đứng đầu chính sách trục lợi mà còn tạo cho ông Trọng một sự hậu thuẫn từ đảng để chấn chỉnh tình hình.

Lúc đầu, ông Trọng "phong sát" đồng minh của ông Dũng. Sau đó, ông bắt đầu thanh lọc các quan chức tham nhũng khét tiếng nhất tại các tỉnh. Sau đó, ông đã đi qua các doanh nghiệp nhà nước.


Sự thất bại của chính phủ trong đại dịch COVID-19 đã cho ông cơ hội thanh trừng Bộ Ngoại giao, thường là bộ độc lập nhất với Đảng Cộng sản. Và bây giờ, ông ấy đang nhắm tới khu vực tư nhân. Nhưng tất cả những điều này không đặc biệt liên quan đến tham nhũng.

Đối với ông Trọng, tham nhũng là biểu hiện của khu vực tư nhân có quá nhiều quyền lực so với Đảng Cộng sản; một khu vực tư nhân cảm thấy không bị Đảng Cộng sản ràng buộc. Quả thực, đó là biểu hiện của việc Đảng cho phép có một nguồn quyền lực thay thế.



Như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, công cuộc đốt lò của Trọng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, người đứng đầu Tập đoàn FLC bị bắt chỉ một tuần sau khi tập đoàn này ký thỏa thuận đầu tư vào tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng, một phần quan trọng trong chiến lược địa chính trị của Hà Nội ở Đông Nam Á.

Câu hỏi đặt ra khi Đại hội toàn quốc năm 2026 đến gần là liệu Đảng Cộng sản có gây nguy hại cho sự tăng trưởng kinh tế nhiều hơn nữa vì mục đích nắm giữ quyền lực của chính mình hay không.

Bạn cá là đảng sẽ làm như vậy. Những người trả lời là không sẽ có niềm tin sai lệch rằng thực sự có “khoản mặc cả chính trị” ở Việt Nam: tức quần chúng đứng ngoài chính trị và Đảng Cộng sản mỗi năm làm cho họ bớt nghèo hơn một chút. Nhưng đó chỉ thực sự là thỏa hiệp nếu bạn tin rằng Đảng Cộng sản sẽ dễ dàng từ bỏ quyền lực nếu nền kinh tế suy thoái.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam, khám nhà

Đảng Cộng sản sẽ không. Thứ hai, thường có lầm tưởng rằng Đảng Cộng sản vẫn coi mình là phương tiện để tăng trưởng nền kinh tế. Nhưng ông Trọng đã phần nào biến nó thành một chiếc áo tư tưởng với tầm nhìn đầy hoang mang, dù cam kết, xem nó là một tác nhân lịch sử đang hướng tới một tương lai xã hội chủ nghĩa.

“Chiến dịch đạo đức” diễn ra cùng với chiến dịch chống tham nhũng cũng rất quan trọng. “Tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ”, ông Trọng nói vào năm 2018, nhưng “sự suy thoái chính trị còn nguy hiểm hơn”.

Nhà sử học Stephen Kotkin lập luận rằng bạn không thể theo đuổi chủ nghĩa nửa cộng sản; đó là một hệ thống Lenin hoặc không gì cả. Và ông Trọng đã vá víu lại hệ thống Lenin đang rạn nứt dưới thời ông Dũng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu khu vực tư nhân có thể bị hạn chế hay không, trong khi vẫn có một số người trong Đảng nhìn có cách nhìn trìu mền về thời ông Dũng, khi cuộc sống dễ thở hơn về mặt tư tưởng hơn, khi Đảng Cộng sản không quá hà khắt và khi có kiếm tiền dễ dàng.

Họ có thể có cơ hội thay đổi cục diện vào năm 2026 tại Đại hội toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản. Ông Trọng, hiện đã 79 tuổi và gạt bỏ luật lệ của Đảng để nắm quyền liên tiếp ba nhiệm kỳ, sẽ kỳ vọng rằng lần này ông có thể tìm được người kế nhiệm được lòng dân.

Nhưng điều đó có vẻ cam go. Và nếu không thể, chiến dịch chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ của ông có thể mờ nhạt sau khi ông rời chính trường.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của David Hutt, nhà nghiên cứu từ Central European Institute of Asian Studies (CEIAS) và cây bút cho trang The Diplomat. Là nhà báo, ông David viết về chính trị Việt Nam cho một số cơ quan báo chí từ năm 2014 đến nay. Tài khoản Twitter của ông là @davidhuttjourno.



Tin liên quan






No comments:

Post a Comment