Giá đất do Nhà nước bồi thường khi thu hồi phải sát giá thị trường, để tạo sự công bằng
2023.11.03
RFA
Người dân Đồng Tâm chắn đường vào làng ngăn cản chính quyền thu hồi đất hồi năm 2015Reuters
Cần cụ thể hóa nguyên tắc giá đất do Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch để tạo sự công bằng.
Đó là phát biểu của Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) tại cuộc họp thảo luận về dự án Luật đất đai sửa đổi diễn ra ngày 3/11 và được truyền thông loan trong cùng ngày.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể.
Song ông còn cho rằng như thế vẫn chưa giải quyết hết một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.
Theo ông Tuấn, đó mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất.
Ngoài ra, ĐB đến từ Bắc Giang cũng nói thêm trong thực tế có nhiều doanh nghiệp khi triển khai dự án phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhiều trường hợp phải mất nhiều năm để thỏa thuận, do đó có không ít trường hợp "phải đi đêm" để thỏa thuận với giá cao hơn, gây thiếu sự công bằng. Tuy vậy, cũng theo phản ánh từ thực tế, nhiều doanh nghiệp khi đã thỏa thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích, thậm chí cao hơn mà vẫn không thể triển khai dự án, dù chỉ còn số ít không đồng thuận, làm cho doanh nghiệp phải tăng chi phí, lãng phí nguồn lực, mất cơ hội đầu tư.
Theo ông Tuấn, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khiếu kiện đơn thư phức tạp về đất đai hiện nay (chiếm đến khoảng 75%).
Do đó, ông Tuấn đề xuất Nhà nước cần xem xét chỉnh sửa bổ sung các điều khoản liên quan trong dự thảo theo hướng Nhà nước thu hồi đất với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.
Ông cũng đề nghị cần cụ thể hóa nguyên tắc giá đất do Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch để tạo sự công bằng.
Cùng với đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) góp ý khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện nay chưa đầy đủ, do đó cần thiết có quy định thu hồi, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch trong Luật Đất đai.
Cũng theo ông Phương, dù quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thương mại dịch vụ. Nhưng hiện còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này nên dẫn đến những ách tắc trong việc phát triển các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí và tổ hợp giải trí đa năng.
Ông Phương cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch hoặc dịch vụ có thể thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Song một trong những điều kiện để thực hiện đấu thầu đó là dự án phải thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, dự luật không có quy định về thu hồi đất để phát triển các dự án du lịch. Đây là vướng mắc chính trong việc phát triển dự án du lịch.
No comments:
Post a Comment