VNTB – Dự án kênh đào Funan Techo Canal của Cam Bốt sẽ ảnh hưởng xấu đến Việt Nam
Phạm Bá Hoa
09.11.2023 3:56
VNThoibao
Ngày 8/8/2023, Campuchia gởi thông báo đến Ủy Hội Sông Mekong Việt Nam, về dự án kênh đào từ sông Bassac (lãnh thổ Campuchia) tới khu vực cảng biển ở tỉnh Kampot-Kep, bên bờ Vịnh Thái Lan. Dài khoảng 180 cây số, rộng từ 80 đến 100 thước, chia thành hai làn lưu thông. Kênh đào này có tên là “Funan Techo Canal”, tạm dịch “kênh đào Đế Chế Phù Nam”.
Tổng chi phí xây dựng kênh đào này khoảng 1 tỷ 700 triệu mỹ kim, dự định sẽ hoàn thành trong vòng bốn năm 2024-2028. Kênh đào Funan ngang qua bốn tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep, với khoảng 1 triệu 600 ngàn cư dân sinh sống.
Theo tờ Phnom Penh Post của Campuchia, đây là dự án hợp tác giữa Campuchia với Trung Cộng. Từ trước tới nay, đường thủy từ biển vào đến thủ đô Phnom Penh, phải ngang qua đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Khi kênh đào Funan hoàn tất, sẽ giúp Campuchia bớt phụ thuộc vào lãnh thổ Việt Nam.
Theo báo Khmer Times, hình thức đầu tư của dự án này, chưa quyết định rõ ràng.
Ngày 22/9/2023, Cục Quản Trị Tài Nguyên Nước, thuộc Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam, mời 4 cơ quan, cùng các nhà khoa học, và các chuyên gia, tham gia hội thảo xem dự án xây dựng kênh đào “Đế Chế Phù Nam” của Campuchia, sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Kết quả hội thảo, sẽ là tài liệu để chánh phủ Việt Nam trao đổi với chánh phủ Campuchia.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn Tiến Sĩ Brian Eyler, chuyên gia về tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center, về những ảnh hưởng môi trường và xã hội của dự án này. Xin trích vài đoạn trong bài phỏng vấn:
“…Dự án sẽ được xây dựng bởi một công ty của Trung Cộng, và có thể đây cũng là một phần của “Vành Đai và Con Đường (BRI) của Trung Cộng. Các dự án BRI của Trung Cộng ở Campuchia, chẳng hạn như thủy điện Lower Sesan 2 (Hạ Sesan 2) bị tai tiếng là thiếu minh bạch, thiếu sự tham gia của các bên liên quan ở địa phương, yếu kém trong việc lập kế hoạch tái định cư, và có hồ sơ xấu về ảnh hưởng môi trường. Kênh đào sẽ cần ít nhất 77 triệu thước khối nước, chuyển từ dòng chính sông Mekong và sông Bassac.để lấp đầy kênh Funan khi nó hoàn thành…
“… Trong những năm gần đây, dòng sông Mekong đã có rất nhiều ảnh hưởng xấu, như hằng chục đập nước xây dựng ở thượng nguồn, khai thác cát ngày càng gia tăng, trong khi lượng mưa ngày càng ít, … và các yếu tố khác, đang làm giảm khả năng mở rộng lượng nước theo mùa của Hồ Tonle Sap. Dự án kênh đào này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần nghiên cứu thật kỷ những ảnh hưởng xấu đến môi trường…”. (Bài phỏng vấn được thực hiện bằng Anh ngữ và dịch sang tiếng Việt. RFA xin cảm ơn một số chuyên gia đã góp ý chuyên môn cho bản dịch. Bản cập nhật được thực hiện ngày 3/10/2023. (tóm lược bản tin của đài RFA ngày 3/10/223)
Và tiếp tục.
Dưới đây là những đoạn trích trong bài bình luận của Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, từng phục vụ Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thời Việt Nam Cộng Hòa, ông rất quan tâm đền môi trường tại Việt Nam.
Kênh Funan là âm mưu thâm độc của Trung Cộng.
“ …Những đập của Trung Cộng và Lào đã giữ nước và phù sa, đồng nghĩa với cắt đứt sinh lộ của loài cá di cư trên sông Lancang-Mekong tại các đập chứa thủy điện của họ, đe dọa sự sinh tồn của Cam Bốt và Việt Nam. Họ đã gây ra khô hạn cho các quốc gia hạ nguồn thiếu nước ngay giữa mùa mưa.
“Cam Bốt, với khoảng 70% vùng châu thổ hữu ngạn sông Bassac không có nước. Biển Hồ đã mất 56% nước chảy ngược, và 20% diện tích đồng lũ. Trong khi vùng châu thổ Sông Cửu Long của Việt Nam mực nước ngọt xuống thấp, nước mặn từ Biển Đông xâm nhập sâu vào nội địa, gây khó khăn cho đời sống người dân, từ sinh hoạt thường ngày đến ruộng vườn nương rẫy.
“… Trung Cộng có chiến lược khai thác mối hận thù giữa dân tộc Cam Bốt và Việt Nam để chia rẽ họ, đồng thời viện trợ lẫn tài trợ hằng tỷ mỹ kim để mua chuộc Lào và Cam Bốt, ràng buộc họ thành con nợ trong “Sáng Kiến Vành Đai & Con Đường” để cô lập Việt Nam… Đại công ty quốc doanh China Communication Construction của Trung Cộng, đã bí mật nghiên cứu từ hai năm trước…
“Vào thế kỷ 13, Trung Cộng đã đào kênh “Đại Vận Hà” dài 1800 cây số cho dân tộc họ, đến nay vẫn là con kênh dài nhất thế giới, kênh Phù Nam có thể xem là một “Đại Vận Hà” của Vương Quốc Cam Bốt và dân tộc Khmer.
“Theo quy định PNPCA của Mekong River Commission (MRC) và Hiệp Định Mekong 1995, Cam Bốt có trách nhiệm cung cấp báo cáo khảo sát kỹ thuật, Technical Review Report (TRR) với đánh giá ảnh hưởng xấu về môi trường xuyên biên giới (TbEIA/ Environmental Impact Assessment) cho kênh đào Phù Nam của họ. Thủ tục PNCPA của MRC gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 là Thông Báo. Giai đoạn 2 là Tham Vấn. Giai đoạn 3 là Thỏa Hiệp
Vì vậy, Việt Nam không có trách nhiệm soạn thảo TRR/EIA và nộp cho Cam Bốt như họ gởi văn thư yêu cầu… .
Ảnh hưởng xấu về môi trường của Kênh Phù Nam
Tiến Sĩ Brian Eyler, Stimson Center (Hoa Kỳ) được đ ài Á Ch âu T ự Do (RFA) phỏng vấn, đã phát biểu rằng:
“Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài (đồng bằng sông Cửu Long), và do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ ảnh hưởng của nó. Tính toán đơn giản cho thấy, nó sẽ cần ít nhất 77 triệu thước khối nước để lấp đầy kênh Funan khi nó hoàn thành. Nước sẽ được chuyển từ dòng chính sông Mekong và sông Bassac. Lấy thêm nước ra khỏi sông Bassac và dòng chính sông Mekong có thể sẽ hạ thấp mực nước sông Mekong tại Phnom Penh với một lượng không xác định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đảo ngược dòng chảy Tonle Sap nổi tiếng.
“Đó là lực đẩy nước hàng năm từ dòng chính sông Mekong chảy ngược vào hồ Tonle Sap. Dòng chảy ngược này, giúp cho Hồ Tonle Sap mở rộng gấp năm lần so với mức nước dâng thông thường vào mùa khô. Với lượng nước Hồ Tonle Sap được mở rộng, chính là trái tim tạo ra nhịp đập của sông Mekong. Đó là thời gian then chốt làm cho sông Mekong trở thành ngư trường nội địa lớn nhất thế giới, chiếm 20% sản lượng đánh bắt cá nước ngọt của thế giới. Từ trước đến nay đã có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu rồi, như việc xây đập ở thượng nguồn, khai thác cát, lượng mưa mùa mưa ít dữ dội hơn, và các yếu tố khác, đang làm giảm khả năng mở rộng lượng nước theo mùa của Hồ Tonle Sap.
Kỹ Sư Thủy Học Đỗ Văn Tùng –từng là Kỹ Sư cố vấn cho nhiều công ty Hoa Kỳ và Canada- cho rằng:
“Nếu con kênh này bắt đầu từ Prek Takeo nối dòng chính sông Mekong vào sông Bassac ở hạ lưu, và sau khi hoàn thành dài 180 cây số, sẽ cần khoảng 80.000.000 thước khối nước từ sông Mekong và Bassac chảy vào, chắc chắn là trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long, mực nước sẽ càng thấp xuống, và dòng nuớc sông Cửu Long mức độ nhiễm mặn sẽ trầm trọng hơn. Còn ảnh hưởng như thế nào ở mỗi mùa đối với Biển Hồ Tonle Sap, và đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa rõ. Cần phải có mô hình điện toán về thủy lực (Hydraulic modeling) mới tính được chính xác.
“Ngoài dung tích 80 triệu thước khối cần có ban đầu, phải tính thêm lượng nước hàng năm các tàu chạy trên sông phải xả ra khoảng 113 triệu thước khối nước dơ. Chưa hết, sau khi có con kênh này rồi, Cam Bốt có thể đơn phương bơm nước từ kênh Phù Nam lên tưới khắp châu thổ vùng Takeo suốt lộ trình 180 cây số cho tới vịnh Thái Lan. Khi đó, Cam Bốt không phải chỉ cắt 113 triệu thước khối mỗi năm không cho về châu thổ Cửu Long như họ thông báo, mà sẽ nhiều lần hơn thế không thể nào lường được, và lúc đó Việt Nam sẽ bó tay…”
Nhóm nghiên cứu của Tiến Sĩ Samuel De Xun Chua, Department of Geography, National University of Singapore, đã khảo sát nhịp lũ suốt 60 năm tại Biển Hồ, và công bố tình trạng suy thoái như sau:
“Chúng tôi thấy rằng … thời gian mùa lũ đã giảm khoảng 26 ngày ở Kampong Cham, và 40 ngày ở Chaktomuk, mùa lũ bắt đầu muộn hơn mà lại kết thúc sớm hơn. Dọc sông Tonle Sap, dòng chảy ngược trung bình hằng năm từ sông Mekong đến hồ Tonle Sap đã giảm 56,5 %. Kết quả là mực nước mùa mưa tại hồ Tonle Sap giảm xuống 1,05 thuớc trong những năm 2010–2019 so với những năm 1996–2009, tương ứng với diện tích hồ giảm 20,6 %.”
(Tình trạng khô hạn giữa mùa mưa (Nguồn:Stimson Center)
Phạm vi nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cần thiết cho Kênh Phù Nam
“Báo cáo đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới phải xét tác động tích hợp của kênh Phù Nam, cùng với hoạt động của các đập thủy điện trên thượng nguồn qua các tình huống mưa nhiều cũng như khô hạn. Vận chuyển trên kênh phải tùy vào mực nước ấy. Phạm vi nghiên cứu cần phải có Biển Hồ, lưu vực Tonle Sap ở Cam Bốt, và đồng bằng sông Cửu Long trong lãnh thổ Việt Nam, từ Nam Vang theo các dòng nước ra Biển Đông, vì đó là một hệ sinh thái không thể tách riêng khi khảo sát ảnh hưởng môi trường”.
Chiến lược Việt Nam đối với Cam Bốt và MRC về Kênh Phù Nam
“Việt Nam có khá nhiều phương cách ràng buộc Cam Bốt phải tuân theo các thủ tục của Ủy Hội Sông MéKong (MRC) để kiểm soát kênh Phù Nam. Giới hạn trọng tải tàu thuyền trên kênh Phù Nam theo đúng công bố của Cam Bốt là 1000 DWT. Nam Vang sẵn có hai thương cảng, có khả năng cho tàu 2000 DWT và 5000 DWT ra vào, nên Cam Bốt sẽ vẫn cần vận chuyển tàu trên sông Tiền và cả sông Hậu của Viêt Nam. Do đó, Việt Nam có tư thế thảo luận với Cam Bốt với tiếng nói trọng lượng.
“Việt Nam và Cam Bốt đều không có chiến lược để ngăn được một con đập nào, nên phải chịu mất mùa lũ, thiếu phù sa, và nông ngư sản mất mùa. Lại thêm cảnh hạn hán giữa mùa mưa, xâm mặn, và sói lở ngày càng sâu. Trong khi Ủy Hội Sông MéKong (MRC) đã lần lượt thông qua các đập Xayaburi, Don Sa Hong, Pak Lay, Pak Beng, Sanakham, và Luang Prabang của Lào, do Trung Cộng và Thái Lan tài trợ và cố vấn.
Với kênh Phù Nam, Việt Nam có thể đặt Cam Bốt trước trách nhiệm bảo vệ lưu vực, đúng theo năm thủ tục và hướng dẫn mà MRC đã thông qua, nhất là cho dòng chính:
1. Thông báo đến thỏa hiệp (PNPCA).
2. Theo dõi, báo cáo vận hành kênh đào, không vi phạm những thông số giới hạn đã quy định (PWUM).
3. Bảo trì lưu lượng cần thiết tại dòng chính theo từng tháng sông Mekong và Bassac. Kênh Phù Nam sẽ không được chuyển nước gây xâm phạm vào lượng nước cung cấp cho hạ lưu sử dụng, và đáp ứng nhu cầu sinh thái.
4. Bảo vệ phẩm chất nước sông (PWQ).
5. Cung cấp tin tức và số liệu quan trắc (PDIES).
(Đường màu đỏ là mức nước dòng chính cần phải ̃bảo vệ theo từng tháng (PMFM. Nguồn MRC)
Nếu Cam Bốt tuân theo những hướng dẫn ghi trên, thì Châu Đốc, Tân Châu, và Biển Hồ, cùng với các tác động môi sinh có biện pháp giảm thiểu được, thì cơ hội hợp tác hai nước cho kênh Phù Nam có thể thành sự thật.
Chiến lược toàn diện lâu dài cho Cam Bốt và Việt Nam đối với Trung Cộng.
“Từ năm 1995, Trung Cộng đã kích thích sự chia rẽ giữa hai dân tộc Cam Bốt với Việt Nam, để Trung Cộng và Lào dễ dàng khai thác thủy điện trên sông Mekong. Trung Cộng biến lào thành bình điện của Đông Nam Á. Kết quả trước mắt là Cam Bốt với Việt Nam hưởng lợi ít nhất, nhưng gánh tất cả thiệt thòi, tình trạng bất công này vi phạm tôn chỉ của Công Ước Liên Hiệp quốc 1997 cho các dòng sông quốc tế. Nguyên tắc không gây nguy hại, và chia sẻ công bằng hợp lý giữa các nước không được thực hiện, mà Ủy Hội Sông MéKong (MRC) nghiễm nhiên đi ngược lại tôn chỉ của Hiệp Định 1995 lập ra tổ chức này.
“Kênh Phù Nam có thể là cái đinh cuối trên nắp quan tài đồng bằng sông Cửu Long theo nhận định của Tiến Sĩ Brian Eyler. Chính Trung Cộng đã đem quan tài này đến Cam Bốt và Việt Nam. Kênh Phù Nam với quyết tâm của Cam Bốt sẽ thực hiện, và Việt Nam có thể phản đối như từng phản đối các dự án của Lào, nhưng nếu thỏa hiệp được với Cam Bốt cùng bảo vệ Biển Hồ và đồng bằng sông Cửu Long, dựa vào các thủ tục MRC quy định nói trên, có lẽ thiết thực hơn.
Với dự án kênh Phù Nam, Cam Bốt và Việt Nam cần tìm cách hợp tác, đừng cho Trung Cộng cơ hội biến kênh Phù Nam thành biểu tượng xung đột giữa hai dân tộc. Cam Bốt và Việt Nam, cần phải hợp tác chiến lược toàn diện để bảo vệ quyền lợi của cả hai quốc gia, trước một âm mưu thâm độc của Trung Cộng.
Mục đích hợp tác chiến lược ở mức cao nhất của hai quốc gia, là cùng làm bản tuyên ngôn chung:
“Không chấp nhận đắp thêm con đập nào nữa”, và “Yêu cầu giới hạn hoạt động các đập thượng nguồn, để bảo vệ và phục hồi nhịp lũ cho môi sinh Biển Hồ là vựa cá của dân tộc Cam Bốt, và Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa của dân tộc Việt Nam”.
“Trong tương lai xa, hai quốc gia cần nhắm tới một Hiệp Ước toàn lưu vực, đầy đủ và chặt chẽ hơn Hiệp Định 1995, đó là “Lancang-Mekong Initiative” hay “Lancang-Mekong River Treaty” theo Công Ưước 1997 của Liên Hiệp Quốc, và lập quỹ “Lancang-Mekong Fund” để trợ giúp dân cư khắp lưu vực chia sẻ lợi ích và đền bù thiệt hại công bằng cho họ. (tóm lược bài của (Kỹ Sư Phạm Phan Long, P.E. Chairman Viet Ecology Foundation, trong e-mail tonthat.son3943@gmail.com ngày 18/10/2023)
No comments:
Post a Comment