Việt-Nhật hợp tác khai thác đất hiếm, sản xuất chất bán dẫn2023.11.04
RFA
Saigon Times
Nhật Bản muốn hai nước Việt-Nhật hợp tác triển khai các dự án sản xuất chất bán dẫn, AI, khảo sát và khai thác đất hiếm.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bàn Nishimura Yasutosh đưa ra đề nghị trên trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào chiều 3/11 và được truyền thông loan trong ngày 4/11.
Bộ trưởng Nhật Bản nói Nhật sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam thông qua các các nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là trong chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên cũng tăng cường hợp tác cơ chế đa phương, nhất là CPTPP.
Thủ tướng Việt Nam khẳng định Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư và đề nghị phía Nhật hỗ trợ để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này.
Việt Nam cũng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực quản trị để Việt Nam phát triển các lĩnh vực trên.
Trước mắt, Việt Nam muốn Nhật hỗ trợ, cấp vốn vay ODA thế hệ mới cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam, như dự án đường sắt tốc độ cao. Cùng với đó, phía Chính phủ Nhật xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp visa, hướng tới miễn visa cho người Việt Nam vào Nhật Bản và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống, học tập và làm việc.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu về đầu tư, thương mại. Nước này cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi ODA lớn nhất cho Việt Nam, với khoảng 2.980 tỷ yen (21,6 tỷ USD), gồm ODA vốn vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ hợp tác kỹ thuật từ năm 1992. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. Các khoản vay ODA thế hệ mới sẽ có ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn trước.
Hôm tháng 5/2023, bản tin của Reuters cho biết sản lượng đất hiếm của Việt Nam tăng 10 lần vào năm ngoái, khi các hãng trên thế giới tìm đến mua mặt hàng này nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (US Geological Survey - USGS) cho thấy sản lượng đất hiếm của Việt Nam tăng lên 4.300 tấn vào năm ngoái so với chỉ 400 tấn vào năm 2021.
Theo số liệu của USGS thì Việt Nam có trữ lượng đất hiếm ước tính chừng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc và bằng phân nửa trữ lượng của nước láng giềng này thôi, sẽ là nhà cung ứng quan trọng của mặt hàng này cho những nhà sản xuất thế giới.
No comments:
Post a Comment