Tuesday, November 28, 2023

Việt-Nhật bàn về viện trợ quân sự giữa mối đe dọa từ Trung Quốc
AP
28/11/2023
VOA

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) họp báo chung tại Tokyo, ngày 27/11/2023.

Nhật Bản và Việt Nam ngày 27/11 nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng hội đàm tại Tokyo và nhất trí mở rộng hợp tác an ninh, hợp tác về thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ, đồng thời bắt đầu thảo luận về chương trình viện trợ mới của Nhật Bản cho quân đội các nước đang phát triển có cùng quan điểm trong khu vực.

Hai nhà lãnh đạo tuyên bố mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam sẽ trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, đưa sự hợp tác đang diễn ra giữa hai nước lên “tầm cao mới và tiếp tục mở rộng sang các mặt trận mới”, theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Nhật Bản cung cấp.

Nhật Bản đang nhanh chóng phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á chủ chốt có vai trò kinh tế và an ninh quan trọng trong khu vực phải đối mặt với sự trỗi dậy và cạnh tranh của Trung Quốc với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác.

Với loan báo ngày 27/11, Nhật Bản hiện đã giành được vị thế là đối tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Kishida tuyên bố Việt Nam là “đối tác quan trọng trong việc đạt được một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông Thưởng cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước góp phần mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.

Theo thoả thuận Hỗ trợ An ninh Chính thức, Nhật Bản gần đây đã đồng ý cung cấp radar giám sát ven biển cho Philippines, một quốc gia Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược khác đối với Nhật Bản và Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang về Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Chính phủ Kishida vào tháng 12 năm ngoái đã thông qua một chiến lược an ninh mới, liên quan đến việc tăng cường quân sự đáng kể, bao gồm cả khả năng phản công. Đây là sự thay đổi lớn từ nguyên tắc chỉ tự vệ của Nhật sau chiến tranh.

Nhật Bản trong những năm gần đây cũng đã cung cấp một số tàu tuần tra cho Việt Nam để giúp tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển. Việt Nam là một trong số các quốc gia bảo vệ lợi ích lãnh thổ của mình trước Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp. Nhật Bản từ lâu đã có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về các đảo ở Biển Hoa Đông.

Ông Kishida và ông Thưởng nhất trí mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, biến đổi khí hậu và kinh tế để đạt được một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ông Thưởng, người đang có chuyến thăm bốn ngày với tư cách là quốc khách hiếm hoi đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng sẽ đến thăm Cung điện Hoàng gia để dự cuộc gặp và ăn trưa do Hoàng đế Naruhito và Hoàng hậu Masako khoản đãi. Ông sẽ có bài phát biểu tại Hạ viện, cơ quan quyền lực hơn trong số hai viện quốc hội của Nhật Bản, và thăm một cơ sở năng lượng hydro ở Fukuoka, miền nam Nhật Bản.

No comments:

Post a Comment