Saturday, November 11, 2023

Úc cải thiện giao thương nhưng vẫn đề phòng Trung Quốc về an ninh
Thu Hằng
Đăng ngày: 10/11/2023 - 11:05
RFI

Bắc Kinh và Canberra muốn “gác lại quá khứ đế hướng tới tương lai”. Chuyến công du Trung Quốc bốn ngày (04 - 07/11/2023) của thủ tướng Anthony Albanese, cùng với một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, khẳng định rằng “một mối quan hệ vững chắc” giữa hai nước chỉ “có lợi cho tương lai”. Ông Anthony Albanese là thủ tướng Úc đầu tiên công du Trung Quốc kể từ năm 2016.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/11/2023. AP - Lukas Coch

Rất nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo hai nước cố cải thiện quan hệ song phương, vốn đã trở nên căng thẳng hơn dưới thời thủ tướng Úc Scott Morrison. Cũng thời điểm đó, ngành ngoại giao Trung Quốc theo đuổi chính sách “chiến lang”, phản ứng rất hung hăng khi Canberra chỉ trích tình hình nhân quyền ở Trung Quốc hoặc kêu gọi điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19. Để trừng phạt, Bắc Kinh đã tăng thuế đối với hàng loạt sản phẩm Úc như đại mạch, thịt bò, rượu vang và ngừng nhập khẩu than, khiến Úc mất vài tỉ đô la. 

Những căng thẳng dường như biến mất dưới nụ cười của ông Tập Cận Bình khi tiếp thủ tướng Albanese cùng với lời hứa Trung Quốc và Úc có thể trở thành “những đối tác tin cậy”. Đây là bước tiếp theo trong quá trình cải thiện quan hệ song phương kể từ cuộc gặp giữa ông Tập và ông Albanese vào tháng 11/2022 tại Bali, Indonesia. Thủ tướng Úc cũng đề nghị chủ tịch Trung Quốc xóa các hàng rào thuế quan còn lại, kêu gọi “nối lại hoàn toàn giao thương tự do”. Từ đó, Trung Quốc đã lần lượt xóa bỏ hạn chế về nhập khẩu cỏ khô, gỗ, đại mạch và chấp nhận xét lại mức thuế 218% đối với rượu vang Úc. 

Trung Quốc và Úc cùng tỏ thiện chí xoa dịu 

Cả Trung Quốc và Úc đều tỏ thiện chí cải thiện quan hệ song phương. Bắc Kinh đã chọn củ cà rốt thay vì cây gậy. Một mặt, theo nhà nghiên cứu Neil Thomas chuyên về chính trị Trung Quốc tại Asia Society, được AFP trích dẫn, “Bắc Kinh thừa nhận là sự phát triển kinh tế và chiến lược ngoại giao chiến lang gặp thất bại”. Kế hoạch ly tán Mỹ-Úc “lại đẩy Canberra về phía Washington gần hơn và gây tổn hại cho chính nền kinh tế Trung Quốc”

Tom Harper, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cũng có chung nhận định trên trang The Conversation, cho rằng “sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể được lý giải là những nỗ lực của Bắc Kinh để đối phó với một nền kinh tế trong nước ngày càng khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đạt mức kỉ lục… Đây có thể được coi là một nỗ lực nhằm thiết lập thêm quan hệ đối tác ở cấp quốc tế hơn là chống lại toàn bộ phương Tây”. Chuyến công du Mỹ sắp tới của chủ tịch Tập Cận Bình và cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Joe Biden phần nào giải thích cho xu hướng này. 

Về phần Úc, chuyến công du của ông Albanese “mang tầm quan trọng lớn cho quốc gia”, theo bà Louise Edwards, chuyên gia về Trung Quốc và là giáo sư danh dự Đại học New South Wales, vì ông trấn an được hàng triệu người dân Úc lo lắng về mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc dưới thời chính phủ trước. Bà nhận định : “Các nhà xuất khẩu Úc trong mọi lĩnh vực hoan nghênh sự trở lại với cách tiếp cận chín chắn hơn, bởi vì rất nhiều người trong số này chịu tổn thất liên đới vì những tính toán chính trị nhỏ nhặt và ngắn hạn”.  

Cách tiếp cận bớt đối đầu hơn của thủ tướng Albanese có lẽ đã mang lại kết quả. Trong 8 tháng đầu năm 2023, dường như Úc đã xuất đến 6 tỉ đô la hàng hóa sang Trung Quốc, so với 85 triệu đô la vào cùng kỳ năm 2022. Trong buổi làm việc tại Bắc Kinh, thủ tướng Úc và chủ tịch Trung Quốc nhất trí tiếp tục hợp tác trên quy lớn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu và giáo dục. 

Ông Tập hoan nghênh “những đối tác tin cậy” “đang đi đúng hướng để cải thiện và phát triển mối quan hệ song phương” vì hai nước không có “bất kỳ tranh chấp lịch sử hay xung đột lợi ích sâu sắc nào”. Còn thủ tướng Albanese nhấn mạnh: “Nhờ vị trí địa lý gần nhau, sự bổ trợ kinh tế giữa hai nước và mối quan hệ chặt chẽ giữa hai tộc khiến chúng ta trở thành những đối tác quan trọng của nhau trong hiện tại và tương lai”.  

Giáo sư Zhiqun Zhu, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, Pennylvania, được trang Japan Times trích dẫn ngày 08/11, khẳng định chuyến công du của thủ tướng Úc cũng có thể là ví dụ hay cho các đối tác khác của Mỹ về cách thức mà họ “có thể và phải” xử lý khôn khéo mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh địa-chính trị ngày càng bất ổn. 

Nghi ngờ về an ninh 

Dù chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Albanese được coi là một bước tiến mới trong tiến trình xoa dịu quan hệ, giữa hai nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Úc lo ngại trước những tham vọng chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc, còn Bắc Kinh thì lo ngại về vai trò ngày càng lớn của Canberra trong mạng lưới an ninh của Washington ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Tại Bắc Kinh, ông Albanese không úp mở khi tái khẳng định Canberra bảo vệ lợi ích và những giá trị của Úc trong các vấn đề quốc gia hay địa phương, ngụ ý đến việc can thiệp, thao túng chuyện nội bộ. Ông cũng nhắc lại phản đối của Úc đối với mọi ý đồ đơn phương dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng, dù là về Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông, hay bất kỳ nơi nào khác. 

Trước đó, vào tháng 4, Canberra đã công bố chính sách quốc phòng cứng rắn hơn, đặt ưu tiên vào các lĩnh vực công nghệ, năng lực tấn công hàng hải và tấn công tầm xa trong bối cảnh quan ngại ngày càng lớn trước năng lực quân sự của Trung Quốc được củng cố nhanh chóng. Về mặt quốc tế, Úc thắt chặt hợp tác an ninh với những nước có chung lý tưởng, như Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Canberra cũng là thành viên chủ chốt trong liên minh AUKUS, Bộ Tứ-QUAD. Những nhóm này được coi là lực lượng mang tính răn đe trước nguy cơ một cuộc tấn công từ Trung Quốc, hoặc nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong vùng.  

Nói tóm lại, “chúng ta thấy Úc, đặc biệt là về lĩnh vực an ninh và quốc phòng, vẫn còn rất gần với Washington”, theo nhận định của giáo sư Bec Strating, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Melbourne. Thủ tướng Úc thì trấn an những biện pháp đó không nhằm chuẩn bị chiến tranh, mà là “cảnh báo thông qua hình thức răn đe, trấn an và tăng cường sức bền trong vùng”.  

Dù chuyến công du của ông Albanese không tập trung vào các vấn đề an ninh, nhưng cả hai bên đều dịu giọng hơn. Canberra cũng nỗ lực để duy trì những kênh liên lạc mở. Tuy nhiên, theo trang Japan Times, việc cải thiện những mặt khác trong quan hệ Úc-Trung sẽ tùy thuộc vào môi trường quốc tế theo nghĩa rộng hơn.  

Cho dù ít có khả năng Canberra sớm thay đổi lập trường về quốc phòng, cách tiếp cận của ông Albanese cho thấy sự khác biệt lớn so với người tiền nhiệm: mong muốn đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh. Canberra đã vượt qua được một chặng quan trọng trong việc cải thiện trở lại quan hệ với Trung Quốc và đã thực hiện việc này theo cách bảo vệ lợi ích kinh tế của Úc.

No comments:

Post a Comment