Thế Vận Hội Montréal 1976 : Châu Phi nhất loạt tẩy chayRFI
Đăng ngày: 09/11/2023 - 11:55Sửa đổi ngày: 09/11/2023 - 11:59
RFI
Đoàn vận thể thao Nigeria tại phi trường Mirabel, Montréal, đợi chuyến bay quay về nước ngày 16/07/1976, sau khi thông báo tham gia tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Hè Montréal 1976. © AP
RFI
Đứng đầu là Tanzania, Guinée và Irak, các nước châu Phi đã tẩy chay để phản đối sự có mặt của đoàn New Zealand tại sự kiện thể thao này. Lý do là vì New Zealand đã đưa đội bóng bầu dục của họ đến thi đấu tại Nam Phi, nước đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) đình chỉ tham gia các hoạt động thể thao vì chính sách apartheid phân biệt chủng tộc.
Chỉ có Mali và Swaziland ( vùng lãnh thổ nhỏ ở phía nam Châu Phi) vẫn tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội, dưới sự chủ trì của nữ hoàng Elizabeth II cùng các thành viên Hoàng gia Anh. Nhưng sau đó hai đoàn này cũng từ chối tham gia các cuộc thi đấu ở Thế Vận Hội. Cameroun, Ai Cập, Maroc và Tunisia tham gia vài ngày đầu rồi sau đó cũng rút đoàn về nước.
Quyết định tẩy chay này đã kéo theo khoảng ba chục nước với 700 vận động viên rút khỏi Montréal 1976. Trong số những vận động viên đáng chú ý có Filbert Bayu và John Akii-Bua (của Tanzania và Ouganda) là những vận động viên có khả năng đoạt huy chương. Trong một hoàn cảnh khác, Đài Loan, bị từ chối sử dụng tên Trung Hoa Dân Quốc, cuối cùng cũng tẩy chay sự kiện. Chỉ có hai quốc gia Bờ Biển Nga và Senegal là vẫn có mặt vì muốn tham gia tất cả các môn thi đấu mà họ đã qua vòng tuyển chọn và để được trải nghiệm Thế Vận Hội.
Angola : Hy sinh cả một thế hệ thể thao
Năm 1976, Angola đã trải qua một loạt các thử thách khó khăn về phương diện thể thao. Đất nước này giành được độc lập năm 1975, kéo theo đó là tình trạng di dân và lĩnh vực thể thao sụt giảm. Chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Gia hiện tại của Angola, đồng thời là cựu tuyển thủ bóng rổ, Gustavo da Conceição, nhớ lại năm 1976, dù lúc đó Ủy Ban Olympic Angola chưa hình thành, các vận động viên đã có tinh thần « đoàn kết chính trị » với quyết định tẩy chay của các nước châu Phi.
Ông kể lại : « Tôi đã suy nghĩ về những gì diễn ra khi đó, về mặt chính trị chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết. Lục địa của chúng tôi đã chứng kiến vô số cảnh vô nhân đạo, với các mối quan hệ vẫn còn mang tính chất thuộc địa, kỳ thị chủng tộc. Đợt tẩy chay đó là hệ quả của việc chính trị hóa thi đấu thể thao diễn ra giữa New Zealand và Nam Phi, nước đã bị loại khỏi các hoạt động thể thao vì chính sách apartheid ».
Đặc biệt, Gustavo da Conceição nhận thấy trên bình diện thể thao, ông cũng đã ý thức được việc tẩy chay đã khiến các vận động viên phải trả giá đắt vì họ bị tước đi trải nghiệm Olympic. Ông giải thích : « Chúng tôi ý thức được có thể sẽ phải hy sinh cả một thế hệ và nhiều năm tập luyện. Thế Vận Hội là những cuộc thi đấu mang tính chiến lược và sự chuẩn bị là thành quả của một kế hoạch dài hạn. Thường thì với đa số vận động viên, Olympic là cơ hội duy nhất để tham dự, vì 4 năm sau, họ đã nhiều tuổi rồi ».
Ủy Ban Olympic Angola được thành lập năm 1979 và một năm sau được công nhận. Đó là năm mà đoàn thể thao nước này tham gia Olympic Matxcơva, nhưng không giành được huy chương nào.
Nếu có mặt, Mozambique cũng tham gia tẩy chay
Trả lời phỏng vấn của RFI, Alexandre Zandamela, một người am hiểu về lịch sử thể thao của Mozambique, nhấn mạnh nếu khi đó dự Thế Vận Hội Montréal, thì có lẽ nước ông cũng gia nhập phong trào tẩy chay. Ông nhắc lại « Mozambique tuyên bố độc lập ngày 25/06/1975. Giai đoạn đó được đánh dấu bởi việc người dân ồ ạt bỏ nước ra đi, chủ yếu sang Bồ Đào Nha. Đó là những người liên quan đến thể thao, các lãnh đạo cũng như vận động viên. Thực tế này làm cho Mozambique, một quốc gia độc lập, khởi đầu lĩnh vực thể thao trong sự thiếu thốn bộ khung có đào tạo ».
Phong trào châu Phi tẩy chay Thế Vận Hội Montréal « đã diễn ra hoàn toàn ngoài Mozambique », khi đó vẫn chưa hiện diện trong « gia đình Olympic ». Ủy Ban Olympic đầu tiên được thành lập ở nước này năm 1979 và tại Matxcơva 1980, Angola đã lần đầu tiên tham dự một kỳ Thế Vận Hội.
Phong trào tẩy chay năm 1976 do Tanzania tổ chức. Đây là cái nôi ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang tại Mozambique Do sự gần gũi giữ hai nước láng giềng và bối cảnh chính trị thời bấy giờ, “ tôi nghĩ Mozambique có cũng có thể gia nhập tẩy chay. Chúng tôi đã trải qua thời kỳ rất căng thẳng với Nam Phi”, Alexandre Zandamela giải thích.
Bồ Đào Nha : 1974 tự do, 1976 có huy chương Olympic
Hai năm trước Thế Vận Hội Montreal, năm 1974, chế độ độc tài sụp đổ ở Bồ Đào Nha. Vào ngày 25 tháng 4 năm đó, cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng đã lật đổ chế độ của Marcelo Caetano, tổng thống cuối cùng của Hội đồng "Nhà nước Mới". Vào tháng 9 năm 1968, Marcelo Caetano thay thế António de Oliveira Salazar đứng đầu chế độ chuyên chế.
Việc Bồ Đào Nha tham dự Thế Vận Hội Montreal diễn ra vào thời điểm nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và chính trị, với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao, vừa mới thoát khỏi chế độ độc tài đã tồn tại hơn 40 năm.
Hơn nữa, cùng với sự sụp đổ của chế độ độc tài, 5 nước thuộc địa châu Phi cũng giành được độc lập: Angola, Cape Verde, Guinea-Bissau, Mozambique và São Tomé và Principe. Cuộc chiến tranh thuộc địa đã in dấu sâu đậm ở đất nước này.
Đối với Bồ Đào Nha, năm 1974 giành lại tự do, năm 1975 bầu cử tự do và năm 1976 được ghi dấu ấn bằng Hiến pháp dân chủ và các huy chương Olympic.
Vào ngày 25/04/1974, Mário Moniz Pereira, mệnh danh là "Ông Điền Kinh", một trong những người khởi xướng vĩ đại nhất của điền kinh Bồ Đào Nha, đã thuyết phục được giới chính trị đặt cược vào bộ môn này. Năm 1975, các vận động viên hàng đầu bắt đầu tập luyện hai lần một ngày và được nghỉ làm vào buổi sáng. Kết quả nhanh chóng đến vào năm sau. Chính nhờ bàn tay của "Chúa tể điền kinh", mà Carlos Lopes đã nổi lên trở thành nhà vô địch Olympic đầu tiên của Bồ Đào Nha.
Tại Montréal, trong bộ môn điền kinh, Carlos Lopes là một trong những điểm sáng lớn khi giành huy chương bạc nội dung 10.000 mét. Ngày 26/07/1976, Carlos Lopes dẫn đầu cuộc đua từ vòng thứ tám. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho đến khi chỉ còn hơn một vòng nữa, Lasse Viren, "The Flying Finn", dẫn đầu và giành chiến thắng trong cuộc đua. Một chiến thắng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng sử dụng chất cấm. Carlos Lopes giành huy chương bạc và huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử điền kinh Bồ Đào Nha.
Chuyên gia Thierry Terret phân tích những biến động địa chính trị tại Montréal 1976
No comments:
Post a Comment