Sunday, November 5, 2023

Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (Kỳ 5)
Nguyễn Thông
3-11-2023
Tiengdan
05/11/2023

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3kỳ 4

Những ai ở miền Nam thời kỳ sau năm 1975, cụ thể là nửa cuối thập niên 70, gần hết thập niên 80, chắc khó quên một thành tựu công nghệ, một phát minh khoa học kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội: Xe chạy than. Nỗi ám ảnh của một thời.

Bây giờ tụi trẻ mỗi lần đi xa đi gần đều leo lên ô tô, mà phải ghế nệm rộng rãi, giường nằm, có tivi, máy lạnh, nước uống, khăn ướt, nhạc nhẹ… mới chịu. Xe Phương Trang, Thành Bưởi, Cúc Tùng, Thuận Thảo, Mai Linh, Hoàng Long, Hải Âu… mà không chiều khách sẽ lỗ chỏng gọng, chả ai thèm đi. Nhưng ngược về vài chục năm trước, đó chỉ là giấc mơ, điều hoang tưởng.

Sau khi đánh thắng hai đế quốc to, những người cộng sản, nhất là mấy ông kễnh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười… coi trời bằng vung, tự đắc, chỉ có Việt Nam nhất thế giới, muốn gì cũng được. Họ vênh vang tuyên bố “từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù” (lời hoang tưởng, kiêu ngạo cộng sản của ông Duẩn), đường lớn xã hội chủ nghĩa rộng mở thênh thang, chả mấy chốc nữa sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Ông Duẩn nói chúng ta sẽ vượt cả Nhật Bản. Đi đâu, chỗ nào cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu về chủ nghĩa xã hội. Nếu thời chiến tranh, những câu to đùng trên tường là “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… thì bây giờ chuyển thành “Cả nước phấn đấu tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Trên nóc đầu hồi tòa nhà Hỏa xa Đông Dương cũ trông ra bùng binh chợ Bến Thành, người ta kẻ câu đó mỗi chữ cao hơn mét, mắc đèn đêm đêm chiếu sáng rực, sau này có công nghệ hiện đại còn thay bằng chạy chữ điện.

Tôi đã sống trong những năm tháng dữ dội ấy, đã cố góp phần công sức nhỏ bé của mình vào đại sự nghiệp, đã chứng kiến tất cả, và mau chóng nhận ra rằng, người ta đã ngu dốt phá nát nền kinh tế miền Nam thì sự thành công của chủ nghĩa xã hội còn xa vời lắm.

Say quá nên họ làm càn, bất chấp tất cả quy luật. Không chịu nghe những lời phải trái, cứ quyết là làm. Tất cả chỉ có đúng, bởi cộng sản tự cho mình không bao giờ sai. Nền kinh tế miền Nam đang huy hoàng, phát triển vậy, chỉ vài nhát quét bằng chủ trương này nọ, họ mau chóng đưa về tầm ngang bằng miền Bắc để cùng nhau thụt lùi. Kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhà nước độc quyền, cấm đoán tư nhân, chính sách ngăn sông cấm chợ đã kìm hãm đất nước, dân tộc này gần hai chục năm, nhưng tai hại hơn nữa là nó kéo lùi Việt Nam cả mấy chục năm so với nước khác, để bây giờ không thể nào đuổi kịp.

Hệ thống cửa hàng thương nghiệp nhà nước ban đầu sau tháng 4.1975 còn có hàng tồn kho, hàng chiếm đoạt được từ “bọn tư sản bóc lột” đem phân phối cho cán bộ công nhân viên, nhưng chỉ một thời gian ngắn, cũng hết. Các thầy cô giáo những trường ở khu vực Chợ Lớn, mỗi khi đến đợt mua nhu yếu phẩm thì tới cửa hàng thương nghiệp Bách hóa tổng hợp ở cuối đường Trần Hưng Đạo nối dài, còn có tên là Trần Hưng Đạo B (đường Đồng Khánh cũ) gần nhà thờ Cha Tam, xếp hàng đông như quân Nguyên, chen chúc chầu chực nửa ngày mới mua được mấy mét vải tiêu chuẩn, hoặc nửa ký đường, hộp sữa Thống Nhất. Chỉ riêng lương thực thì bộ phận hành chính của trường nhận giúp từ kho nhà nước đem về phân chia, tiêu chuẩn 14 ký/ người thì chỉ có 4 – 5 ký gạo hẩm đầy bông cỏ hoặc sạn, còn lại là mì tôm (6 gói), mì sợi, củ mì (sắn) và hạt cao lương (dân Nam gọi là hạt bo bo).

Thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán trường tôi bảo, thời đại cách mạng vẻ vang đâu chửa thấy, chỉ thấy “thầy giáo tháo giầy”, “giáo chức dứt cháo”. Thầy Long dạy lý tủm tỉm về nhận xét độc đáo ấy. Thế mà vẫn cứ sống, kéo dài cả chục năm trời, cả thầy Hảo, thầy Long, tôi, mười mấy triệu người đám dân chúng cần lao vừa được “giải phóng”, và bên thắng cuộc cũng không tránh khỏi kiếp nạn.

Hàng hóa hiếm một, thì xăng dầu, nhiên liệu hiếm mười. Những thứ ăn uống bỏ vào mồm còn bắt dân ráng tự túc được, chứ xăng dầu đều phải nhập. Cả thế giới cấm vận không thèm chơi với anh hùng đang “kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”. Không có xăng, xe cộ, ô tô, xe máy thành cục sắt.

Khổ nhất là mấy thầy cô diện lưu dung (giáo viên từng dạy trước năm 1975, được chế độ mới sử dụng tiếp, gọi là lưu dung. Một cách gọi rất bề trên, xách mé, coi thường, kiểu như tao giữ (lưu) mày lại dùng (dung), là ban ơn (dung, khoan dung) lắm rồi, lôi thôi thì tao đá đít. Thế mà từ “lưu dung” kênh kiệu bố thí này được dùng suốt nhiều năm, vào cả văn bản nhà nước) vốn quen dùng xe máy.

Đám giáo viên chúng tôi từ Bắc vào, thì đi bộ là chuyện nhỏ, xếp hàng chen chúc mua vé xe khách là chuyện nhỏ. Nhưng với những người như thầy Long, thầy Thạch, thầy Duyệt, thầy Sanh, thầy Pha, cô Quỳnh, thầy Hoàng, thầy Hữu… không xăng, khổ sở vô cùng, bởi chạy xe máy quen rồi. Chỉ những trí thức cũ, thượng hạng như các vị Chu Phạm Ngọc Sơn, Võ Tòng Xuân, Trần Kim Thạch, mới được tiêu chuẩn xăng thôi.

Thầy Long lý có chiếc Vespa đành gửi dưới nhà ăn, bụi phủ đầy, lâu lâu lấy ra dội vài gáo nước cho hết bụi rồi lại đẩy vào góc. Thầy Tài có chiếc Honda dame màu đỏ, thỉnh thoảng mua được can xăng 2 lít tiêu chuẩn của ai đó, không dám chạy xe thường xuyên, đem xếp mấy can tích trữ dưới gầm bàn trong phòng ký túc xá.

Có hôm tôi vào ngửi sực mùi xăng, mà bếp điện dây may so thì đang đỏ hồng phía góc phòng. Sự thiếu thốn cùng cực khiến con người ta liều mạng hoặc không để ý tới mối nguy hiểm. Cũng may chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment