Thầy Tuệ Sỹ trong ba ngàn thế giớiNgô Nhân Dụng
25/11/2023
VOA
Tháng 9 năm 1988, sau bốn năm bị bắt giam, hai thầy Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình vì “hoạt động lật đổ chính quyền.” Người Việt Nam khắp thế giới đã kêu gọi các chính phủ nơi mình cư ngụ can thiệp, đòi phải xóa bỏ bản án.
Lời tâm sự đầu năm Tân Sửu, Phật lịch 2564, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ kể lại lời Đức Thích Ca dặn dò các đệ tử trước khi nhập Niết-bàn: “Mọi thứ đều vô thường, các con hãy không ngừng tinh tấn.”
Bây giờ, theo lý vô thường, Hòa thượng cũng về cõi tịch diệt, những người kính yêu Hòa thượng có thể nhớ lại lời Phật dạy trên đây, lấy làm phương châm: “Hãy không ngừng tinh tấn.” Thầy Thích Tuệ Sỹ đã viết nhiều, đã giảng dạy nhiều, nhưng điều đáng học hỏi, tu tập tinh tấn chính là con người, hành vi, thái độ thong dong mà vẫn thiết tha với cuộc sống của vị thiền sư nhập thế.
Năm ngoái, lần sau cùng được hầu chuyện Thầy Tuệ Sỹ, có bạn Tâm Thường Định tham dự, chúng tôi đang nôn nóng với tin tức thời sự, đã đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đưa ra một bản tuyên bố về việc quân đội Nga tấn công nước Ukraine. Tôi bàn rằng việc này rất ích lợi, cho thấy Giáo hội vẫn hoạt động, lại nhắc nhở cả thế giới thấy dân Việt Nam cũng xúc động trước số phận dân Ukraine. Thầy bình thản nghe, không phê phán, cũng không tán thành. Rồi tiếp tục nói chuyện về công trình phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Tâm không dao động. Đêm nằm tôi mới thấy mình quá nông nổi, không hiểu Thầy, cũng không hiểu đồng bào trong nước. Thầy mang những mối suy nghĩ, ưu tư mà tôi không nhìn thấy.
Thầy Tuệ Sỹ có lần nhắc lại một câu thơ Nguyễn Trãi: “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn, 人生識字多憂患” nghĩa là: “Người đời, càng biết chữ càng nhiều lo nghĩ.” Mối lo nghĩ được Thầy giãi bày “Thảm họa chết chóc bởi bom đạn vô tình đã không làm nhụt chí tình tự dân tộc; nhưng ám ảnh không nguôi về một tương lai bấp bênh đè nặng bởi bóng tối của hận thù, nghi kỵ, bởi tham vọng quyền lực, tham ô tài vật, trong một xã hội bất an, đạo đức băng hoại, …” Đó là mối lo lớn. Những chuyện khác, những phiếm đàm, tạp thoại, chỉ nghe, biết, thông cảm, rồi buông thả, cho trôi qua. Nhưng Thầy rất lạc quan con người Việt Nam: “Dù vậy, trong tận cùng tâm khảm của đồng bào vẫn âm thầm trôi chảy dòng tâm thức thấm nhuần đức tính từ bi, nhân ái, giữ vững khí tiết của một dân tộc qua nhiều thế hệ.”
Người Việt có thể lạc quan. Thầy kể lại chuyện lịch sử với hai câu thơ của Trần Nhân Tông: “Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông thiên cổ vững âu vàng,” ( Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã - Sơn hà thiên cổ điện kim âu – 社稷兩回勞石馬,山河千古奠金甌).
Sau khi đuổi được giặc Mông Cổ ba lần xâm lăng, triều đình trình lên Nhân Tông những văn thư, tài liệu của quân Nguyên, muốn tố cáo những người đã muốn đầu hàng. Nhà vua bảo đem đốt hết.
Thầy Tuệ Sỹ bàn: “Đất nước đang cần sự hòa hiệp đồng tâm nhất trí của toàn dân để xây dựng lại những gì đổ vỡ do chiến tranh. Hãy quên đi những lỗi lầm lớn nhỏ của bên này hay bên kia, ứng xử với nhau bằng khoan dung, tha thứ, không nhìn nhau bằng đôi mắt hoài nghi…” Nghe những lời bàn này, người Việt Nam còn sống sau năm 1975 phải suy ngẫm!
Rồi Thầy kết luận với một cách nhìn tích cực: “… dù cho thế lực tham tàn hung bạo như thế nào cũng chưa hề, và cũng sẽ không bao giờ làm cho cạn kiệt” được nguồn “phẩm chất đạo đức quân vương ấy!” Phẩm chất đạo đức quân vương này, Thầy Tuệ Sỹ nghĩ, “khơi nguồn dòng suối nuôi dưỡng khí phách của dân tộc này.”
Sau khi đánh đuổi quân xâm lăng rồi, Trần Nhân Tông lại viết biểu “xin hàng,” tự xưng là “Một bầy tôi nhỏ xíu” – “vi thần,” rất nhỏ bé so với chữ “tiểu thần!” Nhà vua biết lực lượng và lòng tự kiêu của triều đình Mông Cổ rất lớn! Họ có thể mở những cuộc chinh phạt mới, không biết bao giờ đất nước mới yên! Nhờ lời lẽ khiêm cung của vị Hoàng đế Đại Việt, dân chúng tránh được những cuộc xâm lăng trả thù!
Mối quan tâm lớn khác của Thầy Tuệ Sỹ là trách nhiệm Tăng thống do “di chúc ủy thác của Đức Cố Tăng Thống Thích Quảng Độ.” Thầy kể trong Thư Khánh Tuế, viết sau mùa An Cư Kiết Hạ năm Canh Tý, Phật lịch 2564: “… trông lên Tổ đức uy nghiêm, vô khả nại hà, tôi cúi đầu lãnh thọ.”
Thầy nhìn công việc của vị Tăng thống rất khiêm tốn: “… trong thực tế (tôi) chỉ có vai trò liên lạc, chuyển tải tôn ý giữa Chư Tôn đức, trong nước và Hải ngoại đang hoằng hóa tại các châu lục khác nhau…” Tuy vậy, Thầy tận tâm tận lực để “liên lạc, chuyển tải” này. Trong bức “Thư Khánh Tuế,” Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết: “Cầu nguyện cho bốn chúng đệ tử … cùng hòa hiệp đồng tu trong Chánh Pháp, vì sự tăng ích và an lạc cho chính mình và cho nhiều người...” Một kết quả là kho “Đại Tạng Kinh Việt Nam” đã tiến được một bước đầu. Đây là công trình Thầy đã khởi xướng từ năm 1973, rồi tiếp tục theo đuổi suốt đời.
Phật Giáo Việt Nam đã được vua Nhà Nguyên tặng một số bản trong Đại Tạng Kinh, sau khi hai bên giao hảo. Từ đó đến nay, rất nhiều hòa thượng đã bỏ công phiên dịch nhưng vẫn chưa hoàn tất. Các nước Phật Giáo khác ở Á châu đều có kinh tạng bằng ngôn ngữ mà người dân nghe là hiểu được. Tiếng Việt là một trong 20 ngôn ngữ được nhiều người dùng nhất thế giới, nhưng người Việt vẫn còn đọc nhiều kinh tạng qua chữ Hán. Quả thật, đây là một vấn đề đáng quan tâm. Thầy Tuệ Sỹ đã khuyến khích, thúc đẩy chư tăng và Phật tử, ở trong và ngoài nước, góp công dịch và in Đại Tạng Kinh. Năm nay, bản Thanh Văn Tạng hoàn tất, ra mắt các vị hòa thượng từ khắp nơi trên thế giới về Quận Cam chứng kiến, kể cả các thầy từ Việt Nam qua.
Phổ biến Kinh điển, Hoằng dương Phật Pháp là một trách nhiệm của vị Tăng thống. Cùng với Pháp, một phần trách nhiệm nữa là Tăng Già, ngôi thứ ba trong Tam Bảo, là tập thể của những người tu học. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nhấn mạnh: Chư Tăng và các Phật tử cần giữ gìn “tự thể thanh tịnh hòa hiệp.”
Trong bức “Thư Khánh Tuế,” Hòa thượng viết, “Tăng-già, chúng đệ tử Phật, tự thể vốn thanh tịnh và hòa hiệp, là cỗ xe vững chắc mà Đức Thích Tôn đã tác thành.” Thực hành tâm bất phóng dật thì có thể đạt được mười điều thanh tịnh, như lời Kinh Hoa Nghiêm. Hòa thượng lập lại nhiều lần hai chữ Hòa Hiệp. “Tôi được ủy thác nhiệm vụ kế thừa, … chính xác là kế thừa tâm nguyện chưa được viên thành của Hòa Thượng Trưởng lão Thích Quảng Độ, muốn thấy uy đức Tăng-già được thể hiện trong bản thể thanh tịnh hòa hiệp,...” Giữ thể tính thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già thì mới có thể “từ đó phục hồi và kiện toàn cơ chế Giáo Hội.”
Dù đảm đương trách nhiệm Tăng Thống, nhưng Thầy Tuệ Sỹ vẫn tâm sự: “Bản thân tôi trước sau vẫn chỉ là nhà giáo dục, sự nghiệp suốt đời chỉ giới hạn trong những việc trước tác, phiên dịch kinh điển. Những khi cần đến kiến thức hàn lâm, Chư tôn Trưởng lão triệu tôi đến để thông diễn tôn ý cho bốn chúng đệ tử. Khi không cần thiết, tôi được phép trở về bản vị trong các giảng đường và thư viện.” Thầy phải hy sinh không làm theo ước nguyện của mình, chấp nhận nghiệp dĩ: Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Bản chất Thầy là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu, giáo dục, nhưng lại bị chế độ nhìn như một người đấu tranh chính trị! Tất cả mọi người Việt Nam phải chịu đựng nghiệp dĩ này, các thầy cũng không tránh khỏi.
Tháng 9 năm 1988, sau bốn năm bị bắt giam, hai thầy Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình vì “hoạt động lật đổ chính quyền.” Người Việt Nam khắp thế giới đã kêu gọi các chính phủ nơi mình cư ngụ can thiệp, đòi phải xóa bỏ bản án.
Giáo sư John T.P. Humphrey, Đại học McGill ở Montréal, rất xúc động khi nghe chúng tôi kể câu chuyện, trong bối cảnh chế độ vô sản chuyên chính ở Việt Nam. Ông đã tổ chức một cuộc họp báo, về án tử hình trên hai vị thầy tu khác đạo mà ông mới biết tên. Hàng trăm nhà trí thức ở Montréal đã ký kiến nghị yêu cầu chính phủ Canada lên tiếng đòi đảng Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho hai thầy.
Ông Humphrey lúc đó đã 77 tuổi, từng giữ chức Giám đốc Ủy ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, từ năm 1946 đến 1966. Đại học McGill vẫn dành riêng cho ông một văn phòng. Ông là tác giả đầu tiên soạn thảo bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1948. Chúng tôi báo tin cho ông Humphrey về hai bản án tử hình vì đã đọc cuốn hồi ký ông cho, trong đó ông nhắc đến Hai Bà Trưng. Ông ca ngợi hai phụ nữ lãnh đạo đầu tiên của dân tộc Việt chống cường quyền. Ông đã đến Việt Nam năm 1963, đứng đầu phái đoàn Liên Hiệp Quốc gửi sang vì “Vụ Phật Giáo.”
Nghiệp Báo đã vô tình đưa đẩy khiến Giáo sư Humphrey có lúc rơi vào một cơn gió cuốn với nước Việt Nam, với Phật Giáo Việt Nam, rồi với hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu. Hai thầy không bao giờ biết đến tên ông. Ai gây ra những Nghiệp Báo như vậy? Không ai là tác giả. Cũng giống như trọng lực hoặc điện từ lực, không có ai là tác giả. Như ý Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Bồ Tát Vấn Minh: “Hựu như chư thế giới - Đại hỏa sở thiêu nhiên - Thử hỏa vô lai xứ - Nghiệp sinh diệc như thị.” (又如諸世界,大火所燒然,此火無來處,業性亦如是). Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch: “Lại như các thế giới – Lúc đại hỏa cháy tan – Lửa này không từ đâu (tới) – Nghiệp tánh cũng như vậy.”
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã ra đi. Thần thức có thể còn ở lại thế gian hay đã qua một thiên hà nào trong “ba ngàn thế giới.” Nghiệp tánh như vậy. Hãy không ngừng tinh tấn!
No comments:
Post a Comment