Đại án Vạn Thịnh Phát: Tham nhũng nghiêm trọng mang tính hệ thống và vấn đề cải cách tăng trưởng
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
25-11-2023
RFA
RFA edited
Đây là đại án trọng điểm, được chia thành nhiều vụ án với tính chất nghiêm trọng khác nhau, mà Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực trung ương đã yêu cầu xét xử trong năm 2023. Ngày 17/11/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra C03, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 86 bị can với nhiều tội danh, trong đó bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), về ba tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Bà ta bị cáo buộc chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng - khoảng 12,36 tỷ USD, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ cho ngân hàng và các “trái chủ.”
Xoay quanh đại án này có nhiều chủ đề được quan tâm. Báo chí nhà nước đang khai thác và cho đăng loạt bài viết có thông tin khá “chi tiết”, chẳng hạn, vai trò “quyền lực tuyệt đối” của nữ tài phiệt họ Trương này và tham nhũng tập thể với “100% thành viên đoàn thanh tra” của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ v.v… Hơn thế, vấn đề thêm “nóng” khi báo chí mới cho biết, trong cuộc họp ngày 22/11 của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực vụ án đã mở rộng, khởi tố thêm hai vụ án với 72 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp cục, vụ... có liên quan đại án VTP, bao gồm: 6 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 12 cán bộ Ngân hàng Nhà nước; một vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; một cán bộ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương; một chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng; một phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM… Tất cả đều phơi bày thực trạng tham nhũng nghiêm trọng và mang tính hệ thống ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế ảm đạm khi tăng trưởng suy giảm và cải cách khó khăn khi vấn nạn tham nhũng thêm trầm trọng, sự sụp đổ của Tập đoàn VTP cần được coi vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tình hình, trong đó nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan kéo dài trong suốt quá trình cải cách mà không có giải pháp chính sách đúng đắn và đủ mạnh để phòng ngừa. Căn nguyên của tình trạng này mâu thuẫn giữa thể chế chính trị với chế độ độc Đảng cộng sản (CS) lãnh đạo và thể chế kinh tế thị trường. Thay vì cải cách thể chế theo hướng dân chủ để kiểm soát tha hoá quyền lực do độc quyền thì Đảng lại coi đây là vấn đề “nội bộ” khi đưa ra những chính sách không phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường, phí tổn cao để thực hiện, phân biệt đối xử và mang nặng tính cưỡng bức, áp đặt nhưng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Sau nữa, xét thấy cam kết của Đảng vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và chống tham nhũng, bài viết nhấn mạnh vai trò quyết định của thể chế đối với tăng trưởng đặt ra sự cần thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng thị trường. Bởi vậy, bốn vấn đề chủ yếu dưới đây được lựa chọn để trình bày.
Một là, trước hết cần nhận thức rõ về sự liên quan giữa tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan là nghịch lý kéo dài và ngày càng căng thẳng, đạt đến đỉnh điểm khi tăng trưởng suy giảm và tham nhũng là nguy cơ tồn vong chế độ Đảng cộng sản (CS) độc quyền lãnh đạo.
Không nên đơn giản hoá đại án VTP là đặc thù, riêng lẻ, mà theo tính chất, đặc điểm và quy mô vụ việc cần phải nhận diện nó như một điển hình của hình thức tham nhũng này. Từ sau Đổi mới năm 1986 kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP khá cao, duy trì trung bình khoảng 7% trong thời kỳ khá dài. Trong chính sách của Đảng CS, cùng với cải cách pháp lý tự do hơn cho hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp được tôn vinh. Nhà nước tặng các danh hiệu là cách thể hiện truyền thống. Bà Trương Mỹ Lan và chồng, ông Chu Lập Cơ, lãnh đạo VTP, từng được tặng Huân chương lao động hạng ba năm 2011. Thiết nghĩ, Đảng đã đánh giá sự đóng góp của VTP cho tăng trưởng ở thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung.
Mặc dù có nhiều lời xì xào cách thức làm ăn “mờ ám” của VTP nhưng đồn đoán về “thế lực chống lưng khủng” là “thực hư”, những mối quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp và quan chức là không tránh khỏi. Khi vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cũng như của ngân hàng nhà nước thành phố cũng như trung ương bị buông lỏng, yếu kém cũng là lúc bà Lan thâu tóm “quyền lực tuyệt đối” không chỉ trong Tập đoàn VTP mà cả trong các quan hệ tài chính ngân hàng, các dự án bất động sản. Việc điều tra, truy tố gặp cản trở, kéo dài không chỉ vì tính chất vụ việc mà còn vì mối quan hệ thân hữu chằng chịt, và chỉ được thực hiện khi sự phá huỷ trở nên nguy hiểm và mọi việc vỡ lở. Hàng nghìn doanh nghiệp ma, các cá nhân là pháp nhân “giả” bị bắt làm “con tin”, ký giấy tờ khống, lũng loạn nghiệp vụ ngân hàng để cho bà Lan chiếm đoạt tiền trong thời gian dài. Hơn 40 nghìn nhà đầu tư cá nhân bị lừa mua trái phiếu! Rõ ràng, nếu không có sự tiếp tay của Ngân hàng SCB, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra, qua hai đợt năm 2017 và 2018, đã che giấu những sai phạm hoạt động nghiệp vụ là nguyên nhân quan trọng của tình hình. Ngoài ra, tình hình nghiêm trọng kéo dài như thế, các cảnh báo “nóng” được đưa ra bởi giới chuyên môn, mà các nhà quản lý cấp cao hơn như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cơ quan quản lý trực tiếp và chính phủ lại không biết gì? Họ phải có trách nhiệm liên đới!
Hai là, chính sách chống tham nhũng được cho là vấn đề “nội bộ” của Đảng, đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng hiệu quả thấp, chi phí cao trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế thị trường. Những kết quả tăng trưởng tương đối cao được coi là thành tích khiến giới tinh hoa có “tự mãn” có đủ năng lực lãnh đạo chuyển đổi thị trường để tăng trưởng và chống tham nhũng, trục lợi, tiêu cực.. cho đến khi bất ổn thể chế xảy ra. Đặc biệt là những diễn biến căng thẳng ở “cung đình” giữa phe đảng và chính phủ từ nhiệm kỳ Đại hội 11 Đảng CS (2011-2016) đến nay. Không chia sẻ quyền lực độc tôn với bất kỳ đối tượng nào, kể cả các xã hội dân sự và người dân, Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá 11 năm 2011 về chống tham nhũng “trong nội bộ”. Tuy nhiên, mặc dù chính sách này của Đảng đã hai lần “nâng cấp”, sau các Đại hội 12 năm 2016 và ĐH 13 năm 2021 và, dường như, Đảng đang thắng thế khi ngày 22/11 trong phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, khi kêu gọi “hợp đồng tác chiến” giữa các cơ quan của hệ thống chính tri để chống tham nhũng trong bối cảnh tình hình tham nhũng vẫn phức tạp và nghiêm trọng trong khi tăng trưởng kinh tế trồi sụt, việc làm và đời sống người lao động khó khăn, các hiện tượng tiêu cực xã hội tràn lan. Nhưng liệu Đảng có thể sử dụng “ưu thế” của chế độ về sự khôn ngoan của Thiên tử hay minh triết của Thiên đàng để quy “trách nhiệm chính trị” cho các lãnh đạo cao cấp có liên đới, như Đảng đã từng làm đối với cựu Chủ tịch nước và cựu hai Phó thủ tướng vào tháng 1/2023 hay không?
Nguyên nhân sâu xa tình hình kinh tế - xã hội ảm đạm là sự níu kéo của ý thức hệ về chủ nghĩa xã hội (CNXH). Trong khi ưu tiên tăng trưởng GDP dựa vào thị trường, thì lại ảo tưởng về XHCN là “thiên đường” tất yếu sẽ đến, “giáo điều” về chủ nghĩa tư bản (CNTB) bất công, nền kinh tế kế hoạch hoá không hiệu quả trong cạnh tranh với CNTB. Đơn cử cá nhân cố tổng bí thư Liên – Xô, M. Goocbachev đã bị đổ lỗi về sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu và quan niệm “giản đơn” về thị trường coi nó là công cụ “biệt lập” với CNTB, và tuyên truyền gây nhầm lẫn chính sách xã hội với CNXH, … tất cả đã và đang cản trở cải cách và huỷ hoại nhiều cải cách đúng đắn. Giới lãnh đạo đã “nhanh quên” khi không coi trọng sự dũng cảm của những người nông dân, cố bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc (1917 - 1979) đã “vượt rào” chủ trương hợp tác hoá của Đảng CS. Sự “đột phá” này đã mở đường cho đường lối Đổi mới năm 1986 và khởi đầu cho động lực tăng trưởng. Đây chính là hạt giống cho sức mạnh của CNTB, được chứng tỏ trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường những năm tiếp theo. Trước tình hình bất ổn hiện nay Đảng có xu hướng quay lại mô hình toàn trị kiểu cũ, tập trung quyền lực tối đa và can thiệp nhiều hơn vào công việc hành chính và quan hệ thị trường. Xu hướng này đang gây lo ngại cho tiếp tục cải cách dân chủ và tăng trưởng kinh tế!
*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do
No comments:
Post a Comment