Friday, November 3, 2023

Joe Biden gặp Tập Cận Bình sẽ nói gì?
Ngô Nhân Dụng
03/11/2023
VOA

Ông Biden và ông Tập bên lề thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, 2022.

Cuộc gặp gỡ Joe Biden – Tập Cận Bình sẽ không thể làm tan biến những mâu thuẫn trong mục tiêu và quyền lợi hai nước; nhưng sẽ cho thế giới thấy hai bên đang tìm cách giảm bớt tình trạng căng thẳng.

Trước khi ông Tập Cận Bình gặp ông Joe Biden, nhân dự hội nghị Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) trong tuần sau, cả hai bên đã báo trước không nên trông đợi kết quả nào lớn lao, ngoạn mục. Quốc vụ khanh Vương Nghị mô tả: “Con đường đi San Francisco” không bằng phẳng để có thể dùng “xe hơi không người lái” để đến gặp nhau. Vương Nghị đứng đầu ban Ngoại giao của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói thẳng như vậy sau khi gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn Anh ninh Quốc gia Jake Sullivan để thảo luận chương trình nghị sự.

Chương trình sẽ rất nhiều đề mục nhưng cuộc gặp gỡ chắc sẽ ngắn ngủi; vì hai bên đã biết không thể thuyết phục người đối diện thay đổi ý kiến trên rất nhiều vấn đề. Tập Cận Bình và Joe Biden thế nào cũng nói đến cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel với Hamas ở Trung Đông, sẽ bày tỏ ý kiến về chiến tranh Ukraine và Nga. Washington ủng hộ quyền trả đũa tự vệ của Israel; Bắc Kinh chỉ kêu gọi ngưng bắn, sẽ có lợi cho quân Hamas. Biden giúp Ukraine chống trả quân Nga xâm lăng, Tập mới tiếp đón Vladimir Putin để nhắc lại tình đoàn kết keo sơn.

Hai bên có thể cùng lên tiếng kêu gọi mở đường tiếp tế cho giải Gaza và “trao đổi tù binh” để cứu những người Israel bị bắt làm con tin. Nhưng Biden không thể yêu cầu Tập khuyến cáo Bắc Hàn đừng cung cấp vũ khí hay Iran ngưng bán máy bay không người lái cho Nga; Tập cũng không hy vọng sẽ yêu cầu Biden nới lỏng các chiêu ngăn cản không cho Trung Quốc phát triển việc sản xuất những con chip mới nhất.

Các biện pháp không cho phép cung cấp chất bán dẫn tinh xảo là đòn kinh tế của chính quyền Biden đánh nặng nhất trên kinh tế Trung Quốc. Ngăn chặn hàng nhập cảng mua từ Trung Quốc không gây hậu quả đáng kể vì họ sẵn sàng chuyển các nhà máy sang các nước láng giềng, sẽ đổi nhãn hiệu “Made in China”, thành “Made in Việt Nam” chẳng hạn. Nhưng nếu không bán các chất bán dẫn nhỏ dưới 7 nano mét thì Trung Quốc không thể dễ dàng mua ở đâu được để thay thế.

Từ tháng Chín năm ngoái ông Sullivan đã nói thẳng chủ trương bảo vệ địa vị dẫn đầu thế giới của Mỹ, ngăn chặn khả năng phát triển những ngành “kỹ thuật cơ bản” của Trung Cộng như sản xuất chíp, trí khôn nhân tạo (AI), kỹ thuật sinh học (biotech). Không những thế, Mỹ còn yêu cầu các nước đồng minh cấm vận các loại chip cực nhỏ, nhất là không được bán cho Trung Quốc những máy móc dùng để chế tạo những con chip nhỏ nhất. Nhật Bản, Hòa Lan, Nam Hàn cũng phải thi hành lệnh cấm này vì các thiết bị của họ đều sử dụng rất nhiều sáng chế do các công ty Mỹ làm chủ.

Lệnh cấm gây thiệt hại tức khắc cho ngành sản xuất chip ở Trung Quốc. Trước đây, họ trù tính đến năm 2030 sẽ tự cung cấp hơn một nửa số chip dùng trong nước; bây giờ hạ chỉ tiêu xuống chỉ còn một phần ba. Công ty Kỹ thuật Bộ nhớ Dương Tử (YMTC) vốn đã cung cấp chíp cho hầu hết các xí nghiệp Trung Quốc. Bỗng nhiên, họ không mua được các máy chế tạo chip; các máy móc đã mua cũng không được mua đồ phụ tùng thay thế. Cả kế hoạch sản xuất năm 2023 của YMTC phải hủy bỏ, một cơ xưởng đang xây phải ngừng, và giảm bớt số chip bán cho khách hàng, có nơi cắt tới 70%, theo tuần báo Economist.

Một hậu quả khác của kế hoạch Sullivan là ngành sản xuất dược phẩm dùng chất liệu sống (biopharmaceuticals) ở Trung Quốc sẽ bị ngưng trệ khi các công ty Mỹ bị cấm không được bán các nguyên liệu, dụng cụ, và thông tin kỹ thuật, hay bằng sáng chế. Chính phủ Biden còn cấm dân Mỹ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến quốc phòng Trung Quốc, trong đó có các ngành kỹ thuật tân tiến nhất.

Tập Cận Bình sẽ không thể thuyết phục Joe Biden thay đổi những biện pháp kiềm chế trên. Cũng như Biden không thể yêu cầu Tập Cận Bình hứa sẽ không tấn công Đài Loan. Một vấn đề lớn hai bên có thể nói thẳng với nhau là đồng ý không để cho chiến tranh xảy ra giữa hai nước chỉ vì những hiểu lầm bất ngờ. Ngoài ra, đành để cho các mối xung khắc tiếp tục biểu hiện, miễn là không bên nào có thể chiếm phần thắng lợi lớn, đe dọa bên kia.

Cộng sản Trung Quốc đã thuyết phục dân chúng tin rằng Mỹ chỉ muốn giữ địa vị độc tôn không chấp nhận cho họ tiến bộ để vượt lên bằng, hay qua mặt Mỹ. Ngoài các hành động ngăn chặn về kỹ thuật, Mỹ còn thắt chặt các liên minh quân sự cũ với Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines; và không quên nhắc lại những cam kết bảo vệ Đài Loan mà trước đây quốc hội Mỹ đã thông qua. Chính quyền Biden cũng gia tăng những quan hệ thân thiện với Indonesia, Malaysia, Việt Nam; đồng thời tìm cách bao vây Trung Quốc bằng các liên minh quân sự mới: Với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong liên minh QUAD, rồi ký kết thêm AUKUS cùng Anh quốc với Australia.

Những mâu thuẫn kinh tế và chính trị trên không thể giải tỏa được khi hai quốc gia theo đuổi những mục tiêu hoàn toàn khác biệt. Nước Mỹ đề cao chế độ tự do dân chủ, hoạt động ngoại giao cởi mở và công khai, giải quyết các xung đột trong tinh thần tôn trọng luật pháp và những quyền làm người căn bản. Tập Cận Bình muốn tạo một “trật tự thế giới mới,” trong đó Trung Quốc, Nga và Iran cùng bảo hộ và liên kết với các nước theo chế độ độc tài, chuyên chế. Với hai cách nhìn thế giới đối nghịch nhau như vậy, Mỹ và Trung Cộng không thể thỏa hiệp trong hầu hết các vấn đề đang tranh chấp.

Hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden khi gặp nhau sẽ chỉ tạo không khí hòa hoãn và cộng tác trong những chuyện nho nhỏ và bày tỏ thiện chí khi có cơ hội. Chính phủ Mỹ đã cử một phái đoàn đông đảo chưa từng thấy qua dự cuộc Hội Chợ Nhập cảng Quốc tế (CIIE) ở Thượng Hải vào chủ nhật vừa qua. Tuần trước, các viên chức hai nước thuộc Nhóm Cộng Tác Kinh tế (Economic Working Group) đã họp phiên đầu tiên cùng làm việc. Ngày 1 tháng 11, báo Nhân Dân bản tiếng Anh ở Bắc Kinh đã đặt một tựa đề: “Cộng tác là ‘lựa chọn tốt nhất’ trong bang giao Mỹ, Trung Quốc.” Ngày hôm sau, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh “Mối bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc quan trọng nhất cho cả thế giới. Chúng ta cần hành động cho đúng.

Nói chuyện tại cuộc họp của Hội Á Châu (Asia Society) ở Washington D.C., bà xác định chính phủ Mỹ không muốn gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc, cũng không ép các nước láng giềng phải “chọn đứng về một phía” giữa Washington và Bắc Kinh. Bà quả quyết chính phủ Mỹ không muốn “tách rời” (decouple) nền kinh tế hai nước: “Chúng tôi không bao giờ muốn thế giới chia làm hai phe, sẽ gây ra những hậu quả tai hại.”

Janet Yellen là một bộ trưởng trong chính quyền Biden gây được cảm tình nhiều nhất trong dư luận Trung Quốc, trong một chuyến viếng thăm năm nay. Bà xác nhận kinh tế là mối quan tâm chính của Mỹ trong vùng này: “Ý tưởng cho rằng nước Mỹ đang chuyển hướng ra khỏi Á châu Thái Bình Dương là hoàn toàn không căn cứ. Chúng tôi đang thắt chặt thêm mối quan hệ với tất cả vùng này,” kể cả Trung Quốc và các nước chung quanh.

Cuộc gặp gỡ Joe Biden – Tập Cận Bình sẽ không thể làm tan biến những mâu thuẫn trong mục tiêu và quyền lợi hai nước; nhưng sẽ cho thế giới thấy hai bên đang tìm cách giảm bớt tình trạng căng thẳng. Như ông Vương Nghị mới nói ở thủ đô nước Mỹ, hai nhà lãnh đạo sẽ có thể vạch ra hướng đi chính để giải quyết các xung đột, mở cửa cho các cuộc đối thoại trong tương lai, và sẽ “không làm gì khiến tình trạng xấu hơn.” Ít nhất, đó cũng là một điều ích lợi, giúp các nước khác yên tâm hơn.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment