100 năm Văn Cao (Kỳ 2)Phạm Đình Trọng
9-11-2023
Tiengdan
Tiếp theo kỳ 1
VÒ RƯỢU QUỐC LỦI
Dắt xe đạp len lách qua những gánh hàng rau của cái chợ cóc tự phát vỉa hè phố Yết Kiêu, tôi lại lên những bậc cầu thang đổ ra góc phố. Vẫn cánh cửa gỗ cũ kĩ. Vẫn bà Băng, người bạn đời chia sẻ mọi hoạn nạn với Văn Cao ra mở cửa. Vẫn bức tượng chân dung do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở Đà Nẵng tạc, tặng ông, đặt trên chiếc đàn piano cũ. Ở phòng khách lần này có một cái mới là thêm bức ảnh đẹp do Lê Quang Châu chụp Văn Cao ngồi bên đàn với bình hoa cúc vàng đến ngẩn ngơ. Tôi chợt nhận ra màu vàng của hoa cúc mùa thu, sao đồng điệu với Văn Cao đến thế.
Ảnh Văn Cao của Lê Quang Châu
Từ phần buồng phía sau chiếc tủ sách, Văn Cao bước ra. Trông ông khỏe mạnh, bước đi nhanh nhẹn hơn hồi tôi gặp ông năm trước. Cái bắt tay của ông cũng có lực nắm mạnh hơn, bàn tay ông cũng nóng ấm hơn. Ông rót cho tôi li rượu. Căn phòng như ấm hẳn lên bởi mùi rượu thơm nồng.
Mấy năm nay các nhà điện ảnh trong nước và ngoài nước làm khá nhiều phim về Văn Cao. Trong nước có phim Giai Điệu Văn Cao do đạo diễn Kinh Môn ở hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương thực hiện. Phim Người Đi Dọc Biển Không Để Lại Dấu Chân của hãng phim Truyện Một do Hoàng Tích Chỉ biên kịch và Trần Phương đạo diễn. Ban Việt Kiều trung ương cũng làm phim về Văn Cao do anh Nguyễn Thụy Kha thực hiện. Ngoài nước có phim của đài RFI, Pháp, phim của đài BBC, Anh.
Tôi hỏi ông có được xem những bộ phim đó không và cảm nhận của ông về những bộ phim đó. Ông nói rằng mỗi phim ông đều nhận được một băng video và ông thích bộ phim Homeland (Quê Hương) của đài BBC hơn cả, vì nó dung dị, nhẹ nhàng, chân thực, gần gũi với những gì ông có, không cao giọng tán dương như cách làm phim chân dung của ta. Hóa ra những bộ phim người ta cao giọng ca ngợi, hùng hồn tán dương ông thì ông lại không thích
Tôi hỏi về bộ phim Đinh Anh Dũng đang làm về ông. Ông kể về chuyến đi của Dũng và ông đến sông Cầu, về làng Thổ Hà. Bao giờ ông cũng nhắc đến Dũng trước, Dũng và tôi. Ông nâng li rượu lên và nói rằng, rượu này do Dũng mua ở Thổ Hà, cũng thuộc dòng rượu làng Vân, Kinh Bắc, đưa về tận nhà cho ông. Rượu đựng trong vò sành, nút lá chuối khô, đúng cách trữ rượu của dân gian. Vò sành màu đất, nút lá chuối màu quê để dưới gầm bàn thờ. Rượu dân dã, vò đựng rượu cũng rất dân dã! Mở nút lá chuối khô ra, hương nếp thơm thoang thoảng. Thứ rượu quê thuần khiết mang quốc hồn, quốc túy thế mà bao năm phải chui lủi, dấm dúi khốn khổ để rồi phải mang tên là rượu quốc lủi!
Văn Cao tiếp khách với li rượu Thổ Hà thuộc dòng rượu nổi tiếng làng Vân
Tôi thăm dò suy nghĩ của Văn Cao về ý tưởng bộ phim của Đinh Anh Dũng làm về ông:
– Dũng rất thích bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật của bác. Dũng sẽ làm bộ phim về bác theo tứ bài thơ. Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật là năm giấc mơ. Theo Dũng, mỗi tác phẩm của bác là một giấc mơ và cả cuộc đời của bác cũng là một giấc mơ dài, bác thấy thế nào ạ?
Văn Cao tặng tôi bản photocopy trang thơ Văn Cao in trên tờ báo của người Việt ở nước ngoài, trong đó có bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật. Ông nói nhỏ và chậm rãi:
– Thật ra cuộc đời ai cũng chỉ là một giấc mơ thôi. Có giấc mơ ngọt ngào nhưng cũng có giấc mơ cay đắng!
Dừng giây lát, tôi tưởng ông nghĩ ngợi, bỗng ông nói to:
– Còn cuộc đời mình là vò rượu quốc lủi thì đúng hơn!
Văn Cao cười rung chòm râu thưa. Gương mặt ông dãn ra. Vui vì câu trả lời bất ngờ và hóm của Văn Cao, tôi càng vui hơn thấy Văn Cao cười rạng rỡ. Nhưng gương mặt rạng rỡ và tiếng cười của ông thoáng qua nhanh rồi gương mặt già nua, gày guộc của ông lại hằn sâu nét khắc khổ, trầm luân.
Sau này, khi hoàn thành, bộ phim của Đinh Anh Dũng về những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao có tên chính thức là Giấc Mơ Một Đời Người.
Ảnh Văn Cao của Đinh Anh Dũng
GIẤC MƠ MỘT ĐỜI NGƯỜI
Xem phim Giấc Mơ Một Đời Người của đạo diễn Đinh Anh Dũng về những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, mọi người đều thòm thèm, như một món ăn ngon được chờ đợi nhưng lại quá ít, vừa đụng đũa đã hết. Giọng hát hay. Tạo hình đẹp. Những giai điệu làm lay động, xao xuyến lòng người còn đang muốn được nghe nhưng đã hết rồi. Mới chỉ có Thiên Thai, Suối Mơ, Bến Xuân, Cung Đàn Xưa, Sông Lô. Văn Cao còn nhiều bài hát hay nữa chưa có trong Giấc Mơ Một Đời Người. Hình ảnh Văn Cao còm cõi, mong manh như chiếc bóng và xiết bao trìu mến, thân thiết nhưng xuất hiện quá ít trong Giấc Mơ Một Đời Người. Nhiều người hối thúc Dũng làm tiếp phần hai bộ phim ca nhạc về người nhạc sĩ tài hoa và lận đận.
Đối với Dũng, được làm phim về Văn Cao, được tìm hiểu cuộc đời và khám phá thế giới tâm hồn phong phú và đẹp đẽ của Văn Cao là một điều may mắn, quí giá, là một hạnh phúc không dễ có được. Vì thế mỗi dịp được gặp Văn Cao, Đinh Anh Dũng đều hối hả tranh thủ ghi hình ông khá kĩ làm tư liệu. Dũng đã nung nấu rất kĩ ý tưởng cho phần tiếp theo của Giấc Mơ Một Đời Người và anh tự hẹn rằng khi nào Văn Cao về chốn Thiên Thai anh sẽ làm phim ca nhạc tài liệu thứ hai về ông. Không ngờ anh lại phải thực hiện lời hứa này quá sớm, chỉ hơn một năm sau.
Ngày mồng mười, tháng bảy, năm một ngàn chín trăm chín mươi nhăm (10. 7. 1995), bốn giờ sáng, Dũng vừa từ Mỹ về đến Sài Gòn thì sáu giờ một cú phôn từ Hà Nội gọi vào thảng thốt báo cho Dũng biết, nhạc sĩ của những giai điệu thần tiên đã đi về chốn Thiên Thai trước đó hai giờ, tức là đúng lúc Dũng đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng là số phận cho Dũng cái duyên được gắn bó với Văn Cao vì thế Dũng mới may mắn kịp về nước đúng giờ phút hệ trọng này. Dũng lại hối hả mang máy quay phim ra sân bay, bay ra Hà Nội và một trăm năm mươi ngày sau khi Văn Cao mất, bộ phim thứ hai về Văn Cao của Đinh Anh Dũng đã hoàn thành với tên gọi Buổi Sáng Có Trong Sự Thật.
Rút từ tập kí sự Những Cánh Buồm — Chân dung chính trị. Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia, 2022
Kỳ sau: BUỔI SÁNG CÓ TRONG SỰ THẬT
No comments:
Post a Comment