VNTB – Tiếng Dân và VNTB đưa tin về vụ cháy ở Hà Nội ra sao?TS Phạm Đình Bá
15.09.2023 7:46
VNThoibao
Tôi xin trao đổi những điều tôi học được khi đọc các bài trên tờ Tiếng Dân và VNTB vào ngày 14/09/2023 về vụ cháy nầy.
Tiếng Dân – Trong bài có tựa “Xử lý chủ nhà “chung cư mini” như thế nào?”, Dương Quốc Chính (DQC) gợi ý là “chủ nhà xây nhà cho thuê trá hình dưới dạng nhà ở riêng lẻ, nên được cấp phép đàng hoàng, đúng luật, thậm chí còn dư. Bởi nhà này đúng ra cũng không cần có công ty thẩm tra thiết kế, mà đây có.”
Tiếng Dân – Trong bài có tựa “56 người chết trong “chung cư mini” ở Hà Nội”, Đỗ Duy Ngọc (ĐDN) viết “Những cái chết gây nhiều xót xa và nhức nhối. Nhà nước đang điều tra, còn rất nhiều người đang cấp cứu ở bệnh viện. Chủ chung cư mini đã bị bắt. Trong vụ cháy với quá nhiều người chết giữa thủ đô Hà Nội, ai là người có lỗi.”
Tiếng Dân – Trong bài có tựa “Lặng câm và… nghĩ!”, Lê Huyền Ái Mỹ (LHAM) viết “Nghĩ về 56 con người ra đi và bao thân nhân ở lại. Nghĩ về những thảm kịch đã qua, và chắc chắn vẫn còn lặp lại. Nghĩ cái không thể khác, một bức tranh tăm tối, cùng cực vẫn cứ tồn tại ở bất kỳ đô thị “đầu tàu” sáng loáng nào. Nghĩ cả cho mình, đôi khi sự may mắn lại mang theo cảm giác… tội lỗi.”
VNTB – Trong bài có tựa “Trách nhiệm quản lý về phòng cháy chữa cháy ở Hà Nội?”, Đông Đô (DĐ) gợi ý “Cần phải khởi tố vụ án về trách nhiệm từ phía quản lý nhà nước khi để xảy ra sự việc tang thương này, vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội”. ĐĐ nêu đích danh những nhân vật liên hệ trong chính phủ địa phương Hà Nội và chính phủ trung ương Hà Nội về trách nhiệm giải trình của vụ việc nầy.
Nguyên nhân của vụ cháy và sự leo thang của nó
ĐDN viết “Hãy nhìn dây nhợ của điện lực trong ảnh trước căn nhà bị cháy, tai hoạ không đến hôm nay thì cũng sẽ đến ngày mai thôi.”.
LHAM viết “Nhớ mang máng, nhà ở cũng là cái kho, cất chứa vật liệu nhựa nên lửa vừa bén là bùng phát, khí độc thải ra nên cả gia đình 4 người ở Tân Bình (TP.HCM) đều tử vong. Mới năm ngoái, cháy karaoke An Phú, (Bình Dương) 33 người ra đi, trong đó có nhiều nhân viên là con em miền Tây lên các đô thị kiếm sống. Cũng năm rồi, trong khi chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn ở quán karaoke Cầu Quan (Hà Nội), để cứu được 8 người dân, 3 chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh. Cũng là Hà Nội, cũng là quán karaoke, 2016, có 13 người khách xấu số. Giờ, thì chung cư, lại chung cư mini 56 sinh mạng.”.
DQC gợi ý là “Còn cháy mà do sạc pin thì do đen thôi, chứ chủ nhà có đốt đâu?! Mà nguyên nhân cháy cũng phải điều tra.”
Thông tin và quản lý vụ cháy
ĐĐ tường trình là “Theo UBND TP Hà Nội, đến 5g ngày 13-9, thống kê sơ bộ đã thực hiện cứu nạn thành công trên 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người. Số người bị thương đang được cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố: Đại học Y Hà Nội; Bạch Mai, Đa khoa Hà Đông, Quân y 103… Đến chiều 13-9, cơ quan chức năng xác định số người chết trong vụ cháy lên đến 56 người.”.
ĐĐ viết “Nếu có văn hóa biết nhận lỗi, có thể không từ chức, nhưng ông Bộ trưởng Tô Lâm, chí ít cũng lên sóng đài truyền hình quốc gia ngay vào tối ngày 13-9-2023 để nhận trách nhiệm về quản lý của cá nhân ông”.
Vai trò của nhà báo để diễn giải cho công chúng biết rủi ro phức tạp trong các vụ cháy
LHAM viết về “Tôi nhiều lần ra Hà Nội, và những căn chung cư cũ luôn ám ảnh về mối họa.” … “Và thật lòng, khi thứ giấy phép kia được đặt ra và ngang nhiên làm xiếc, hoặc có khi một chút lợi ích trước mắt hoặc thói quen phòng vệ kẻ trộm… chúng ta đã quên phải tự bảo vệ mình mà đã vô tình tự đặt sinh mạng mình và người thân vào những rủi ro, tai họa. Một phản xạ có điều kiện trong tôi khi đặt chân vào bất cứ đâu, việc đầu tiên là tìm… lối thoát hiểm. Việc để chìa khóa các cửa chính, phụ trong nhà, tôi chú mục chỗ nào mà khi hoảng loạn vẫn có thể cầm lấy ngay.”.
ĐĐ đưa dữ liệu “Qua rà soát toàn quốc hiện còn khoảng 38.140 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.”
DQC viết “Từ vụ này có thể thấy loại hình nhà riêng lẻ cho thuê làm nhà trọ này không hề có ràng buộc về thiết kế để đảm bảo về phòng cháy chữa cháy.”
ĐDN viết “Khi hoàn công một căn nhà đông người ở như thế này, cơ quan Phòng cháy chữa cháy thường đến kiểm tra và kiểm tra định kỳ nhưng thiếu trách nhiệm khi không yêu cầu chủ nhà phải có cửa và cầu thang thoát hiểm. Nhà chức trách địa phương cũng phải có trách nhiệm khi căn nhà xây thêm mấy tầng không giấy phép. Không phải các cán bộ của các ban ngành không biết mà chẳng qua biết mà lơ đi vì lý do tế nhị nào đó? Khi hậu quả xảy ra, chẳng có ai nhận tội.”
Đặt vụ cháy trong bối cảnh xã hội
LHAM viết “Cũng đêm qua, hình như ở Hà Nội, người ta tưng bừng trao giải báo chí cho văn hóa gì gì đó. Ôi thôi, những nhà báo mắt sáng lòng trong, thay vì phải lao ra khỏi những căn phòng, đi về những chung cư mini, đi vào những ngõ ngách để ghi chép, để phản ánh, để cảnh báo. Cùng người dân và chính quyền, hãy “thức tỉnh” trước nguy và họa đang treo trên đầu mình. Họ cà vạt xanh hồng, cùng trao nhận, vỗ tay, chúc mừng.”
ĐDN viết “Qua vụ cháy, càng rõ thêm khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Những dinh thự nguy nga, tráng lệ của tầng lớp cán bộ càng ngày càng xuất hiện nhiều. Những mộ phần chiếm hàng chục hecta đất của lãnh đạo tiếp tục được xây dựng. Cuộc sống xa hoa của giới trọc phú vẫn diễn ra hàng ngày đối lập với cuộc sống nhiều khó khăn của đại đa số nhân dân. Miếng bánh đáng lẽ được chia đều cho tất cả mọi người giờ chỉ dành cho một nhóm. Bất công xuất hiện từ đây.”
Quản lý nhân sự, giám sát hoạt động, khung trách nhiệm và trách nhiệm giải trình trong vụ cháy
ĐĐ cân nhắc khi cố gắng phân biệt trách nhiệm giải trình trong những cái chết liên quan đến vụ cháy. ĐĐ dẫn chứng các nghị định về “Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước. Như vậy trước mắt thì người đứng đầu Bộ Công an và Sở Công an thành phố Hà Nội – tức Trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm đầu tiên về vụ cháy”, … “Về phía chính phủ thì để xảy ra thảm họa nhân đạo như vụ cháy hôm 13-9-2023 ở Hà Nội, trách nhiệm quản lý thuộc về Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.”
DQC tạm kết bài viết với “”nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ cháy thương tâm này là ở chỗ luật về PCCC bị lách một cách dễ dàng. Cái sai ở ông ra luật nhé. Việc xây nhà sai giấy phép không phải nguyên nhân dẫn tới vụ cháy và cái chết của 54 người kia. Vì thế không nên vội vàng tấn công chủ nhà. Người ta xây nhà ở mà không ở hết thì cho thuê, có sai luật gì đâu, ơ kìa?!.”
Để thay lời kết, tôi đọc các tin tức mới nhất và chi tiết tường trình có phần đầy đủ ở các báo “chính” như Tuổi trẻ, VnExpress, Tiền Phong, Dân Trí v.v.
Nhung nhìn chung, các bài báo ở Tiếng Dân và VNTB phản ánh việc đưa tin chính xác và phù hợp, sự nhạy cảm với trải nghiệm của những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy và việc tuân thủ các chuẩn mực báo về việc đưa tin cũng như cung cấp những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh xã hội của các sự kiện, bên cạnh việc đưa tin.
No comments:
Post a Comment