Virus Nipah gây chết người ở Ấn Độ là gì? Trị được không?Reuters
15/09/2023
VOA
Một nhân viên phòng thí nghiệm bắt dơi để nghiên cứu về virus Nipah tại khu vực Shuvarampur ở Faridpur, Bangladesh, ngày 14/9/2021.
Bang Kerala phía nam Ấn Độ đóng cửa một số trường học và văn phòng trong tuần này khi các quan chức chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của loại virus Nipah chết người, sau khi nó cướp đi sinh mạng của hai người trong đợt bùng phát thứ tư kể từ năm 2018.
Virus đến từ đâu?
Virus Nipah lần đầu tiên được xác định vào năm 1998 trong đợt bùng phát dịch bệnh ở những người chăn nuôi lợn ở Malaysia và Singapore.
Nó có thể lây nhiễm trực tiếp sang người thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của dơi và lợn bị nhiễm bệnh, với một số trường hợp lây truyền được ghi nhận ở người.
Các nhà khoa học nghi ngờ Nipah đã tồn tại giữa loài cáo bay trong nhiều thiên niên kỷ và lo ngại một chủng đột biến, có khả năng lây truyền cao, sẽ xuất hiện từ loài dơi.
Điều trị thế nào?
Không có vắc-xin để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi. Bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 70%. Phương pháp điều trị thông thường là cung cấp dịch vụ chăm sóc hỗ trợ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những người nhiễm bệnh ban đầu xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, suy hô hấp, đau đầu và nôn mửa. Viêm não và co giật cũng có thể xảy ra trong trường hợp nặng, dẫn đến hôn mê.
Loại virus này nằm trong danh sách của WHO nghiên cứu và phát triển các mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh.
Các vụ bùng phát trước đây
Đợt dịch năm 1998 ở Malaysia và Singapore đã giết chết hơn 100 người và làm gần 300 người nhiễm bệnh. Kể từ đó, nó đã lan rộng hàng ngàn dặm, giết chết từ 72% đến 86% số người mắc bệnh.
Dữ liệu của WHO cho thấy hơn 600 trường hợp nhiễm virus Nipah ở người đã được báo cáo từ năm 1998 đến năm 2015.
Một đợt bùng phát năm 2001 ở Ấn Độ và hai vụ khác ở Bangladesh đã giết chết 62 trong số 91 người nhiễm bệnh.
Năm 2018, một đợt bùng phát ở Kerala đã cướp đi sinh mạng của 21 người. Các đợt bùng phát khác xuất hiện vào năm 2019 và 2021.
Trong đợt bùng phát hiện nay, các chuyên gia đã đến bang Kerala miền nam Ấn Độ để thu thập các mẫu dịch thủy từ dơi và cây ăn quả ở khu vực nơi virus Nipah đã giết chết hai người và ba người khác có kết quả xét nghiệm dương tính.
Bà Veena George, Bộ trưởng Y tế bang, nói với Reuters: “Chúng tôi đang xét nghiệm trên người… đồng thời các chuyên gia đang thu thập các mẫu dịch thủy từ các khu vực rừng có thể là điểm nóng lây lan”.
Các mẫu nước tiểu dơi, phân động vật và trái cây ăn dở được thu thập từ Maruthonkara, ngôi làng nơi nạn nhân đầu tiên sinh sống, nằm cạnh khu rừng rộng 121 ha là nơi sinh sống của một số loài dơi.
Dơi ăn quả trong khu vực đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah trong đợt bùng phát năm 2018, đợt bùng phát đầu tiên ở bang này.
Bà George nói: “Chúng tôi đang trong giai đoạn tăng cường cảnh giác và phát hiện”, đồng thời cho biết thêm rằng 77 người đã được xác định là có nguy cơ lây nhiễm cao.
Gần 800 người đã được xét nghiệm trong 48 giờ qua tại quận Kozhikode của bang, trong đó hai người lớn và một trẻ em được đưa vào bệnh viện để theo dõi sau khi có kết quả dương tính.
Các bang lân cận Karnataka và Tamil Nadu đã ra lệnh xét nghiệm du khách đến từ Kerala, với kế hoạch cách ly bất kỳ ai có triệu chứng cúm.
Loại virus này có thể lây nhiễm sang nhiều loại động vật, tạo cơ hội lây lan. Virus có thể nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc do tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm virus.
Các đợt bùng phát xảy ra lẻ tẻ và các ca nhiễm bệnh trước đây ở Nam Á bắt nguồn từ việc tiêu thụ các mặt hàng bị nhiễm phân dơi.
Vào tháng 5, một cuộc điều tra của Reuters cho thấy các khu vực của Kerala nằm trong số những nơi có nguy cơ bùng phát virus dơi cao nhất trên toàn cầu, vì việc phá rừng để phát triển khiến con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần gũi hơn.
No comments:
Post a Comment