Đôi nét về “Ngoại giao gấu trúc” của Trung QuốcTác giả: Nguyễn Thị Thanh Uyên
15.09.2023
NghiencuuQT
Tháng 7/2023, gấu trúc Yuan Meng – thế hệ gấu trúc đầu tiên sinh ra tại sở thú Baeuval, Pháp – đã trở về Tứ Xuyên, Trung Quốc theo thỏa thuận cho thuê giữa hai quốc gia năm 2012. Thỏa thuận cho thuê gấu nằm trong khuôn khổ triển khai chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc kể từ năm 2008. Hiện nay, ngoại giao gấu trúc đã trở thành một trong những công cụ đắc lực giúp Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao công chúng và gia tăng quyền lực mềm.
Quyền lực mềm là gì?
Khái niệm quyền lực mềm lần đầu được đề xuất bởi Joseph Nye vào năm 1967, mô tả khả năng quốc gia đạt được mục đích của mình thông qua việc tác động đến mong muốn quốc gia khác dựa trên các nguồn lực vô hình như văn hóa, hệ tư tưởng và thể chế. Văn hóa được hiểu là bao gồm văn hóa vật chất (nguồn lực kinh tế, khoa học công nghệ, kinh tế), văn hóa tinh thần và hành vi cư xử; hệ tư tưởng tập hợp các ý tưởng, niềm tin, giá trị và quan điểm nhằm giải thích cho cho việc thực thi một mô hình chính sách. Các quốc gia đẩy mạnh hệ tư tưởng của mình với hy vọng truyền cảm hứng cho những quốc gia khác học hỏi hoặc thu hút người dân từ các nước khác tìm đến; thể chế được các quốc gia sử dụng để tạo nên những nhóm hợp tác mới nhằm liên kết và tạo ra tác động đến các quốc gia liên quan. Phát triển quyền lực mềm giúp các quốc gia dễ dàng thu hút các quốc gia và cộng đồng bên ngoài lãnh thổ, từ đó, có động lực để xúc tiến các chương trình hợp tác, tạo sự ràng buộc lẫn nhau. Các quốc gia sử dụng nhiều công cụ để phát huy quyền lực mềm của nước mình và ngoại giao công chúng là một công cụ quan trọng. Ngoại giao công chúng được các quốc gia sử dụng như một công cụ thu hút sự quan tâm để hiểu về văn hóa, giá trị và chính sách của một quốc gia thông qua truyền tiếp thông tin, xuất khẩu văn hóa, trao đổi văn hóa dưới nhiều hình thức…
Từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình, nền kinh tế mở cửa của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu và đối mặt với nhiều thách thức đến từ thế giới bên ngoài. Với góc nhìn của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc là một chủ thể ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Quyền lực mềm là một hướng phát triển tiềm năng, giúp Trung Quốc tạo dựng được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời, tạo dựng lòng tin với các quốc gia khác. Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc khai thác ngoại giao công chúng chủ yếu là qua việc phổ biến ảnh hưởng của tư tưởng, ngôn ngữ, giáo dục hoặc phim ảnh. Nổi bật trong số đó có thể kể đến việc xây dựng Viện Khổng Tử, sự phát triển toàn cầu của thể loại phim cung đấu như Như Ý truyện, Chân Hoàn truyện, vv…
Tuy nhiên, khi các mô hình ngoại giao công chúng ngày càng phát triển tại châu Á thì những lĩnh vực kể trên dần mờ nhạt, đòi hỏi Trung Quốc phải khai thác các chủ thể đặc trưng hơn nhằm làm hình ảnh của quốc gia trội hơn so với các quốc gia khác. Trong bối cảnh ấy, chính phủ Trung Quốc đã nhìn thấy chủ thể thay thế phù hợp – gấu trúc khổng lồ. Những chú gấu quý hiếm với vẻ ngoài đáng yêu vốn đã có một lịch sử được trao đổi lâu dài tại Trung Quốc.
Lịch sử của ngoại giao gấu trúc
Gấu trúc khổng lồ là động vật đặc hữu, chỉ phân bố ở khu vực Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Hoạt động đối ngoại sử dụng động vật như một công cụ ngoại giao đã tồn tại lâu đời tại Trung Quốc. Từ những năm 624–705 SCN, trong giai đoạn trị vì của Võ Tắc Thiên, nhà Đường đã tặng cho Nhật Hoàng một cặp gấu nhằm bày tỏ thiện chí của Trung Hoa đối với Nhật Bản, từ đó, thắt chặt mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đến thời kỳ Mao Trạch Đông, hoạt động gửi tặng gấu trúc bắt đầu được nhìn nhận như một trong những chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Mao đã tặng gấu trúc cho nhiều quốc gia, trước là trong khối xã hội chủ nghĩa sau là Hoa Kỳ, thể hiện thiện chí muốn làm bạn của Trung Quốc đối với các quốc gia có nhiều quyền lực. Những con gấu trúc lần lượt được trao tặng cho Liên Xô và Triều Tiên. Năm 1972, sau chuyến công du của Nixon đến Trung Quốc, Mao tặng cặp đôi gấu trúc đầu tiên cho Hoa Kỳ thể hiện thiện chí muốn làm bạn và phát triển hợp tác giữa hai nước về sau.
Đến thời kỳ Đặng Tiểu Bình, chiến lược đối ngoại sử dụng gấu trúc đã được thay đổi theo hướng thực dụng hơn. Trao đổi gấu trúc trong giai đoạn này tương ứng với đường lối “mở cửa kinh tế” với phương Tây và xây dựng các đặc khu kinh tế theo chủ nghĩa tư bản. Theo đó, ngoại giao gấu trúc áp dụng mô hình kinh tế tập trung vào thị trường, là các vườn thú uy tín trên thế giới, và sản phẩm tiêu thụ của thị trường này là gấu trúc khổng lồ do Trung Quốc cung cấp. Chính sách cho thuê gấu trúc chính thức có hiệu lực từ năm 1984 với mức thuê là $50,000 USD /con /tháng trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian này, gấu trúc sẽ trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi WWF chọn gấu trúc khổng lồ làm biểu tượng logo thì chính sách cho thuê này đã vi phạm một số điều khoản về bảo vệ động vật. Cụ thể, “thương mại gấu trúc chỉ được thực thi duy nhất trong trường hợp phục vụ cho nghiên cứu khoa học, và/ hoặc để nhân giống và phát triển giống loài”. Sự vi phạm này đã khiến cho chính phủ Trung Quốc loại bỏ chính sách cho thuê tạm thời vào năm 1991 và thúc đẩy chính quyền của Đặng điều chỉnh chính sách, chuyển sang hình thức cho thuê dài hạn, có nhân giống. Đồng thời, số tiền cho thuê sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục tiêu nhân giống gấu trúc tại Trung Quốc.
Chính sách cho thuê gấu trúc khổng lồ chứng kiến bước ngoặt vào năm 2008, sau trận động đất Tứ Xuyên. Trận động đất 8 độ richter, theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, đã phá hủy vĩnh viễn hơn 652km2 môi trường sống của gấu trúc, trong đó có 249km2 khu vực sinh sống trong các khu vực bảo tồn thiên nhiên. Trung tâm nhân giống và bảo tồn thiên nhiên Wolong bị hư hại nặng nề và tất cả 60 con gấu trúc của trung tâm đều phải chuyển đến nơi ở khác. Trung tâm Wolong trở thành lý do để Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược ngoại giao gấu trúc. Bằng cách thuê gấu trúc khổng lồ, các quốc gia chung tay góp sức bảo tồn loài vật trên đà tuyệt chủng, cung cấp cho gấu trúc nơi trú ngụ và điều kiện để nhân giống chúng. Chấp nhận thuê gấu trúc trong giai đoạn này không chỉ thể hiện thiện chí của quốc gia mà còn giúp các quốc gia nhìn thấy được một Trung Quốc thân thiện với nỗ lực bảo vệ loài động vật đáng yêu nhưng dễ bị tổn thương – gấu trúc khổng lồ.
Thực tiễn triển khai mô hình “ngoại giao gấu trúc”
Mặc cho các diễn ngôn kêu gọi bảo vệ gấu trúc thì Trung Quốc, trên thực tế, đã biến quy trình cho thuê gấu trở thành mô hình cho thuê có lựa chọn. Trung Quốc chủ động trong việc lựa chọn quốc gia được phép thuê gấu trúc cũng như chủ động liệt kê các điều khoản trong hợp đồng cho thuê.
Về các điều khoản hợp đồng, sau khi thống nhất, hợp đồng sẽ được đích thân chủ tịch nước ký và phê chuẩn. Các điều khoản trong hợp đồng đều hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Gấu con được sinh ra trong quá trình cho thuê là tài sản của Trung Quốc và phải trở về Trung Quốc sau 3 năm cho mục đích sinh sản. Số tiền thuê gấu trúc có giá 1 triệu USD/năm, kéo dài 10 năm. Việc gia hạn hợp đồng sẽ do Trung Quốc toàn quyền quyết định, đồng thời, Trung Quốc được quyền ra thông báo thu hồi trong trường hợp cần thiết.
Về chủ đích lựa chọn quốc gia, tính đến 2019, trên toàn thế giới chỉ mới có 19 quốc gia ký kết hợp đồng thuê gấu với Trung Quốc (Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Thái Lan, Scotland và Hoa Kỳ) và 2 vùng lãnh thổ Trung Quốc (Hong Kong và Đài Loan). Đặc điểm chung của các quốc gia ký hợp đồng thuê gấu trúc với Trung Quốc là có vị trí địa chính trị nhất định trong khu vực hoặc có lịch sử hợp tác hòa thuận và lâu dài với Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, bốn trong 5 quốc gia trụ cột là Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia đều có hợp đồng thuê gấu kéo dài 10 năm với Trung Quốc. Các mốc thời gian khi Trung Quốc và các quốc gia này ký kết hợp đồng đều được tiến hành sau khi cả hai bên ký các hiệp định hợp tác hoặc kỉ niệm thời gian hợp tác. Năm 2014, Malaysia ký hợp đồng thuê hai gấu trúc khổng lồ là Xing Xing và Liang Liang nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia; năm 2012, hai chú gấu Kai Kai và Jia Jia được vận chuyển đến Singapore thể hiện cho sự ủng hộ của Singapore cho chương trình bảo tồn loài động vật này cũng như mối giao hảo giữa chính phủ hai nước. Ở khu vực châu Âu, năm 2019, Trung Quốc vận chuyển Xing Er và Mao Sun đến sở thú Copenhagen như sự khẳng định cho mối quan hệ thân thiện lâu năm giữa Trung Quốc và Đan Mạch cũng như thể hiện sự đánh giá cao thị trường Đan Mạch hơn các quốc gia Châu Âu khác như Scotland hay Na Uy. Trước đó vào năm 2015, một cặp gấu trúc khổng lồ được chuyển cho vườn thú Berlin sau chuyến thăm thành công của thủ tướng Đức Merkel cùng với nhiều hợp đồng kinh doanh, tài chính được ký kết giữa hai nước.
Những đại diện dễ thương trở thành công cụ hữu hiệu để Trung Quốc gửi đi thông điệp chính trị đến các quốc gia sở hữu chúng. Có hai kiểu tín hiệu được gửi đi, một là thể hiện chất lượng của mối quan hệ hai nước, và hai là sự bất đồng chính trị trên nhiều khía cạnh. Năm 2009, mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp biển khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản khiến Bắc Kinh có nhiều động thái thể hiện quan điểm của mình, trong đó bao gồm việc không phản hồi bất kì đề nghị gia hạn hợp đồng thuê gấu trúc nào từ phía Nhật Bản. Mặt khác, việc Trung Quốc lựa chọn các quốc gia ký kết hợp đồng cho thuê gấu còn khẳng định sự thân thiết trong quan hệ ngoại giao hai nước, đồng thời trong nhiều trường hợp, còn cho thấy sự quan tâm của Trung Quốc đối với quốc gia ở một khía cạnh nhất định, chủ yếu là kinh tế. Qatar là quốc gia mới nhất vừa ký hợp đồng thuê gấu trúc 15 năm tại vườn thú Al Khor – thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với nước chủ nhà World Cup ở trên cả hai khía cạnh xã hội và kinh tế. Tuy đội bóng quốc gia không góp mặt trong World Cup 2022 nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc lại đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư xây dựng các sân vận động ở đây.
Mặt tối của ngoại giao gấu trúc
Mặc dù được chính phủ Trung Quốc xem như một trong những công cụ đắc lực của ngoại giao công chúng nhưng vấn đề liên quan đến những chú gấu lại không dễ thương như vẻ bên ngoài của chúng. Trong suốt 15 năm triển khai, số lượng gấu trúc đạt được 1800 cá thể, bao gồm cả nuôi nhốt và sống trong tự nhiên nhưng chỉ mới ghi nhận được 6 cá thể được trả về tự nhiên. Báo cáo về mức độ sinh tồn của loài cho thấy, không có cá thể nào có thể sống sót hoàn toàn ngoài môi trường nuôi nhốt. Kể từ năm 2017, số lượng loài được lai giống tại Trung Quốc không được ghi nhận chính xác, đồng thời, rất ít bằng chứng ghi nhận được số tiền thuê gấu đã được Trung Quốc sử dụng minh bạch cho việc nuôi và nhân giống loài này tại quê nhà. Mặt khác, việc chỉ tập trung bảo tồn gấu trúc của cả Trung Quốc lẫn các nước đã tạo nên hàng loạt các tranh cãi liên quan đến đạo đức đối xử đối với các loài khác. Việc tập trung giải quyết vấn đề môi trường sống của gấu trúc ở Trung Quốc có thể dẫn tới sự biến mất môi trường sống của một nhóm động vật khác; ngân sách các vườn thú quốc gia sử dụng để thuê gấu trúc là quá lớn – vốn có thể được dùng để bảo tồn nhiều giống loài đang trong tình trạng nguy cấp hơn.
Không chỉ tại Trung Quốc, gấu trúc trở thành tâm điểm của truyền thông toàn thế giới bởi sự dễ thương mà không đòi hỏi người xem phải hiểu biết về văn hóa hay ngôn ngữ Trung Hoa. Một chú gấu trúc trên Weibo có thể thu hút hơn 58,000 lượt theo dõi và hàng trăm ngàn lượt quan tâm đến hoạt động hằng ngày thông qua phát trực tiếp. Tuy nhiên, điều này dẫn đến sự thiên vị nhất định trong việc đối xử với từng cá thể gấu. Tại cơ sở nhân giống và nghiên cứu gấu trúc Thành Đô – cơ sở lớn nhất về bảo tồn gấu trúc – gấu trúc được cho là không sinh sống theo đúng môi trường sống cũng như không được tạo điều kiện để có đủ kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên. Các cá thể gấu được truyền thông chú ý cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm sóc và khai thác hình ảnh truyền thông so với các cá thể ít được chú ý khác. Kết quả, nhiều cá thể gấu trúc không được chăm sóc đúng cách và chết trong các trung tâm bảo tồn một cách bí ẩn.
Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ và các chiến dịch truyền thông, gấu trúc cũng tạo nên một hình thức chủ nghĩa dân tộc kiểu mới tại Trung Quốc. Sự quan tâm tới gấu trúc của người dân Trung Quốc không chỉ dừng lại trong nước mà còn vươn xa đến các vườn thú trên toàn thế giới. Sự an toàn của những chú gấu đã trở thành chất keo kết dính nhiều người Trung Quốc lại với nhau. Sự kết dính ấy dễ dàng trở thành một làn sóng mạnh mẽ trước những bất lợi xảy đến với những chú gấu tại cả Trung Quốc lẫn nước ngoài.
Chú gấu Ya Ya trở về Trung Quốc sau 20 năm nuôi nhốt tại sở thú Memphis, Hoa Kỳ, và cái chết trước đó của gấu trúc Le Le đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ của nhóm người quan tâm đến gấu trúc. Tại Trung Quốc, một nhóm người đã kêu gọi ký tên nhằm tạo áp lực, yêu cầu chính phủ xem xét và đưa Ya Ya về nước; số khác cho rằng, việc đối đãi với Ya Ya của sở thú Memphis thể hiện sự đáp trả của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Tạm kết
Trong thời kì mà ngoại giao công chúng ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay, hình ảnh những chú gấu vẫn sẽ tiếp tục lan rộng, khán giả vẫn sẽ biết đến một Trung Quốc thân thiện và đầy nỗ lực trong việc bảo vệ những đại sứ dễ thương này hơn là quan tâm đến số lượng của chúng trong thực tế.
Nhưng mặc cho các tranh cãi của giới nghiên cứu động vật và công chúng, khó có thể phủ nhận sự hiệu quả trong việc triển khai chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc. Tính đến 2022, chính sách này đã đạt kết quả rõ ràng trong việc khẳng định thái độ của Trung Quốc đối với mối quan hệ với các quốc gia ký kết hợp đồng. Với các quốc gia, dù số tiền dành cho những đại sứ dễ thương là không nhỏ, thì việc thể hiện cũng như thắt chặt quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay cần được đánh giá cẩn trọng và ưu tiên hàng đầu.
No comments:
Post a Comment