VNTB – Tâm thư có chữ ký 71 giáo viên trường Lê Lợi, Hà Nội là… dàn dựng?
Nguyễn Nam
27.07.2023 11:24
VNThoibao
Trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 27-7-2023 có bài viết Đừng tiếp tục “ăn mày quá khứ”. Một nguồn tin khả tín cho biết, khi báo chí đưa tin về “tâm thư” đó, nhiều giáo viên có tên trong tâm thư đã lên tiếng khẳng định họ không hề ký vào văn bản nào có nội dung như báo chí đăng khi tường thuật về vụ án “chuyến báy giải cứu”.
Nếu các tin tức mà báo chí Việt Nam và tác giả bài viết Đừng tiếp tục “ăn mày quá khứ” chuyển tải đều có căn cứ về “nguồn tin”, vậy thì ở đây xem ra có dấu hiệu của gần với tội “Làm giấy tờ giả, mạo danh chữ ký” trong luật hình sự. Phía cơ quan cảnh sát điều tra cần nhanh chóng làm rõ bản chữ kiến nghị này có chi chít chữ ký ấy có phải “mượn” danh nghĩa giáo viên trường Lê Lợi, Hà Nội.
Các giáo viên bị hệ lụy vụ này có thể kiện hiệu trưởng vì hậu quả không nhỏ. Bởi rất có thể hàng ngàn phụ huynh học sinh đang rất hoang mang, bất bình khi họ trao gửi con em, họ cho những giáo viên đã ký vào văn bản bất lương, bất minh này nếu vụ việc không được làm sáng tỏ.
Tính đến cuối giờ chiều ngày 27-7-2023 thì mới có 1 người chính thức lên tiếng với báo chí về bản “tâm thư” trên. Theo lời kể của bà Đinh Thị Điệu – phó hiệu trưởng trường Lê Lợi: Hôm đó cán bộ, giáo viên của trường đi du lịch hè. Trong bữa ăn trưa thì một người có chuyền tay cho những người khác bức tâm thư.
“Tôi thấy mọi người đều ký. Bản thân tôi cũng ký. Tôi khẳng định tôi không hề bị ép, tôi ký vì tôi thương thầy Dũng”, bà Điệu nói.
Trao đổi về nghi vấn trên, luật sư T.Th., một thân hữu trang Việt Nam Thời Báo nói rằng theo diễn giải pháp lý thì chữ ký là một biểu tượng viết tay của con người, có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ để thể hiện dấu ấn của một người. Do vậy, chữ ký của mỗi người sẽ do chính người ấy sáng tạo ra nên thường khó có sự trùng lặp.
Giả mạo chữ ký được hiểu là hành vi tạo ra biểu tượng viết tay không thực của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác. Chủ thể thực hiện hành vi này gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn và những người không có chức vụ, quyền hạn.
Theo đánh giá của luật sư T.Th., giả dụ như tâm thư kể trên là giả chữ ký, có lẽ vị hiệu trưởng có “chủ mưu” đi nữa thì cũng khó có thể đối mặt tù tội, vì pháp luật cho rằng trường hợp này là đã thực hiện việc ký, nhưng việc làm này không nhằm mục đích vụ lợi vật chất, do vậy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự, mà chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội giả mạo trong công tác:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
…
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.
Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên thì ai đó giả mạo chữ ký nếu là hiệu trưởng trường Lê Lợi, tức thỏa mãn yêu cầu “có chức vụ quyền hạn”, song ở vụ việc này vẫn chưa rõ về hành vi được gọi là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện việc giả chữ ký của người khác trong khi thực hiện công việc”; bởi “tâm thư” không phải là “phận sự” của hiệu trưởng.
Tuy nhiên dù xét trên bất kỳ phương diện nào đi chăng nữa thì cũng cần làm rõ về các chữ ký ở “tâm thư giải cứu Chử Xuân Dũng” là có những toán tính lợi ích gì?
No comments:
Post a Comment