VNTB – Mẹ vợ của ông Phạm Trung Kiên cần bị khởi tố về tội rửa tiền
Hoài Nguyễn
15.07.2023 7:31
VNThoibao
Cựu thư ký thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, khai rằng số tài khoản mà các doanh nghiệp ‘hiếu hỷ’ chuyển vào để ‘hậu tạ’ việc ‘trình ký’ cho thủ tục của “chuyến bay giải cứu”, là của… bà mẹ vợ ông Phạm Trung Kiên.
Số bạc hàng chục tỷ này trong tài khoản của bà mẹ vợ ở mùa dịch Covid đã được ông con rể Phạm Trung Kiên dùng để đầu tư vào các dự án bất động sản, và cho một người chú bên vợ mượn. Tất cả đều là “giao dịch không tiền mặt”, tức mọi thanh toán của dòng tiền đều qua các lệnh của – tạm gọi, “Internet banking”.
Vậy thì xem ra ở vụ án này bắt đầu xuất hiện tình tiết của nghi vấn phạm tội rửa tiền ở bà mẹ vợ ông Phạm Trung Kiên. Hoặc giả bà mẹ vợ này đã bị gã con rể lừa cho một thỏa thuận chia chác tế nhị nào đó
Theo đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) của Việt Nam, tội phạm rửa tiền xuất phát từ 17 loại tội phạm theo luật hình sự, được sắp xếp theo nguy cơ rửa tiền bao gồm: (1) Tham ô tài sản (Điều 353); (2) Tổ chức đánh bạc (Điều 322); (3) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy (Điều 249-252);
(4) Nhận hối lộ (Điều 354); (5) Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); (6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (Điều 355); (7) Đánh bạc (Điều 321); (8) Trốn thuế (Điều 200);
(9) Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234); (10) Lửa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); (11) Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền qua biên giới (Điều 189); (12) Mua bán người (Điều 150);
(13) Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207); (14) Sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); (15) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 190, 191); (16) Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304) và (17) Buôn lậu (Điều 188).
Luật Phòng chống rửa tiền ra đời năm 2013, nhưng chỉ khi Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, thì cơ quan cảnh sát điều tra mới có cơ sở khởi tố và điều tra 10 vụ án về tội rửa tiền với 26 bị can, đã xét xử 5 vụ với 11 bị can trong các vụ án tiêu biểu như: vụ Giang Kim Đạt (2016), vụ Phan Sào Nam (2018), vụ Nhật Cường (2019), vụ Alibaba (2021)…
Theo nhận định, xét về khối lượng các tội phạm nguồn tại Việt Nam, số lượng vụ án và bị can bị khởi tố về tội rửa tiền còn rất ít, chưa tương xứng so với rủi ro tiềm ẩn loại tội phạm này tại Việt Nam.
Mục đích của hoạt động rửa tiền là làm cho đồng tiền “bẩn” trở nên sạch hơn; hay nói cách khác là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó. Hình thức biểu hiện lợi nhuận có được ban đầu thông thường là tiền, nhưng sau các giai đoạn chuyển đổi để hợp pháp hoá đã có các hình thức biểu hiện khác như: ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản…
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, như khai nhận của cựu thư ký thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thì Phạm Trung Kiên chọn tài khoản của người mẹ vợ để rửa tiền. Nếu mọi chuyện không vỡ lỡ, rất có thể về sau này người ta lại có những phiên bản làm giàu kiểu “buôn chổi đót xây biệt phủ” của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái; hay như Phó ban Nội chính Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ “chạy xe ôm xây biệt thự”…
No comments:
Post a Comment