Việt Nam: Giải mã ồn ào quanh dự án xe đạp 3D Superstrata05.07.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN HIỆP
Chiếc xe đạp được giao cho ông Trần Hiệp không thể gắn bánh trước vào xe
Cộng đồng mạng Facebook và báo chí ở Việt Nam tuần qua có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh start-up sản xuất xe đạp 3D có thương hiệu SuperStrata.
Trong bài viết này, BBC giải thích nguồn cơn của những tranh cãi, dựa vào các phát ngôn của những người liên quan vụ việc và các thông tin thực tế.
Chúng ta biết những gì?
Hiện tại, công ty Arevo Việt Nam (chủ thương hiệu xe đạp carbon SuperStrata) của ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang đã dừng hoạt động từ tháng 5/2023. Từ đầu năm 2023, vợ chồng bà Trang không nắm quyền điều hành Arevo.
Arevo có tham vọng kiếm doanh thu chính từ việc bán các sản phẩm được in bằng công nghệ in 3D như xe đạp, xe scooter.. với chất liệu từ sợi carbon. Vì thế, vào khoảng đầu năm 2020, Arevo giới thiệu sản phẩm xe đạp Superstrata-làm từ công nghệ in 3D, khung bằng sợi carbon nguyên khối.
Thương hiệu xe đạp này đã gọi được giới thiệu trên nền tảng gọi vốn cộng đồng Indiegogo. Trong vòng 24 giờ đầu tiên đã cán mốc 1 triệu USD doanh số và trong vòng 3 tháng đạt 7,5 triệu USD. Nhờ thành công này, startup trải qua vòng gọi vốn Series B và kêu gọi được 25 triệu USD, dẫn Vneconomy.
Theo giấy phép đầu tư, Arevo Việt Nam có số vốn đăng ký là 19,5 triệu USD. Đến thời điểm ngưng hoạt động, theo số liệu của Arevo Việt Nam, doanh nghiệp đã chi 165,59 tỉ đồng (chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Nhà máy lắp những hệ thống máy in 3D bằng robot đầu tiên của Arevo được đặt tại TP Thủ Đức với diện tích 5.500 m2. Cơ sở có 70 máy in 3D với hệ thống robot tự động hóa, được kết nối hoàn toàn lên đám mây, kết nối các điểm sản xuất khác nhau.
NGUỒN HÌNH ẢNH,AREVO
Xưởng lắp ráp xe đạp Superstrata
Tới thời điểm hiện tại, theo cập nhật từ đội Arevo, công ty đã hoàn thành 100% việc gửi sản phẩm đến các nhà tài trợ có địa chỉ giao nhận tại Việt Nam, trong đó có 4 xe đang chờ khách hàng hoàn tất các thủ tục xuất khẩu tại chỗ theo quy định của Nhà nước.
Chương trình gọi vốn cộng đồng của Arevo đã nhận được 3.301 khoản đóng góp đến từ 54 quốc gia, trong đó có 135 khoản đóng góp từ người dùng có địa chỉ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trên mạng internet, một số người cáo buộc về chuyện giao hàng trễ hẹn, liên tục thất hứa của phía Arevo, có những người nhắn email nhưng bị ngó lơ.
Trong những bình luận về sản phẩm BBC đọc được và ghi nhận, có người phản ánh xe đạp không đảm bảo chất lượng như Arevo quảng bá, có trường hợp không thể gắn bánh xe trước vào, hoàn toàn không thể sử dụng được và có những lo ngại về độ an toàn của chiếc xe.
Về điểm này, bà Lê Diệp Kiều Trang trả lời Thanh Niên, giải thích rằng sản phẩm Arevo đến thời điểm này vẫn còn trong giai đoạn R&D và chưa đi đến được giai đoạn thương mại hóa cũng như chưa đạt độ hoàn thiện.
"Sản phẩm Superstrata đã đạt chuẩn để lưu hành tại cả thị trường Mỹ và EU như EN 15194 -17, UL 2849, CPSC 16 CFR 1512, là công sức của cả trăm anh em kỹ sư, công nhân đã đạt được trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn," bà Trang nói với Thanh Niên.
Tranh cãi
Mặc dù số lượng đơn hàng từ Việt Nam, như thông tin ở trên, là rất ít, nhưng câu chuyện tuần qua trở nên sôi nổi qua báo chí và Facebook ở Việt Nam.
Có hai vấn đề chính được đem ra tranh cãi trên mạng internet.
Thứ nhất là một số người hỏi có sự nhập nhằng giữa mua bán và tài trợ hay không trên nền tảng gọi vốn cộng đồng Indiegogo.
Thứ hai là họ tranh cãi về cách xử lý khủng hoảng truyền thông về chất lượng sản phẩm.
Bà Kiều Trang chia sẻ với Thanh Niên rằng, Arevo kêu gọi cộng đồng tài trợ cho dự án, nghĩa là tặng cho dự án một khoản tiền, để công ty có đủ nguồn lực nghiên cứu phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp làm ra thành phẩm sẽ 'tặng' lại cho các nhà tài trợ những sản phẩm đầu tay của mình. Người tài trợ trước khi ủng hộ tiền đều đã đồng ý với Indiegogo, họ hiểu đây là những khoản 'tài trợ'.
"Đối với người dùng Việt Nam, có lẽ do thấy giao diện của các đơn vị gọi vốn cộng đồng này khá giống với giao diện thương mại điện tử, nên khi có những thông báo bằng tiếng Anh giải thích rõ đây là "donation" (tài trợ) chứ không phải là "shopping" (mua hàng), các bạn đã bỏ qua, không lưu ý."
"Tôi nghĩ đây là điểm mấu chốt khác biệt về kỳ vọng dẫn tới những lùm xùm trong thời gian qua," dẫn Thanh Niên.
Nhưng một số người mua sản phẩm lại cho rằng thông điệp chính của bà Kiều Trang cho dự án lại không dùng cụm từ "tài trợ" như bà giải thích phần trên mà bà kêu gọi mọi người "mua sản phẩm".
Một vài bài viết trên Facebook Christy Le của bà Lê Diệp Kiều Trang vào thời điểm tháng 10/2021 đã kêu gọi "Cơ hội cuối cùng dành cho các bạn quan tâm, muốn mua xe đạp Superstrata được giảm giá (~50% off)".
Bà cũng nhấn mạnh "chỉ còn 24 tiếng có thể mua được giá này thôi." Tương tự, ở phần bình luận, khi có người thắc mắc về việc đặt trước sản phẩm, bà Kiều Trang cũng trả lời bằng cách gửi đường dẫn vào trang web của Superstrata để "đặt hàng" và "mua".
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, ông Trần Hiệp - quản trị viên diễn đàn công nghệ Tinh Tế cho biết ông nhận được lời mời chào mua sản phẩm xe đạp Superstrata từ chính bà Lê Diệp Kiều Trang từ rất sớm.
Vì thế, ông mua với giá ưu đãi trong tệp khách hàng đầu tiên là 999 USD trước thuế. Ông Hiệp cũng khẳng định với BBC rằng, từ đầu đến cuối cuộc trò chuyện giữa ông với bà Kiều Trang, không có nhắc chữ nào đến "donation" (tài trợ) mà chỉ thuần là mua bán, mua sớm thì được giá tốt.
Ông Hiệp cho rằng, bà Lê Diệp Kiều Trang không phải nhập nhằng giữa tài trợ và mua bán mà nói lệch hẳn đi và trong suốt quá trình từ khi mua cho đến khi nhận sản phẩm, ông không có ý niệm rằng đang tài trợ, mà là đang mua bán.
Theo tìm hiểu của BBC, ông Hiệp là một trong những người thuộc nhóm KOC (tức người dùng có tầm ảnh hưởng) được Arevo chào mời với giá đặc biệt.
Còn lại, tùy vào thời điểm mua và dòng sản phẩm mà giá của chiếc Super Strata có thể dao động. Ví dụ như Super Strata Terra có giá 2.799 USD trong khi Ion có giá 3.999 USD. Nếu đặt hàng trong giai đoạn đầu, mức giá sẽ giảm xuống còn 1.299 USD cho Terra và 1.799 USD đối với Ion.
Một chuyên gia công nghệ lý giải với BBC rằng, những nền tảng gọi vốn cộng đồng như Indiegogo hay Kickstarter luôn nhấn mạnh rằng, những người bỏ tiền ra cho một sản phẩm là backer (người tài trợ) chứ không phải là người mua hàng dù trải nghiệm đem đến sẽ giống nhau. Nhưng backer mang ý nghĩa hơn vì đang đổ tiền cho một dự án, ý tưởng mà họ thích và mang tính độc đáo. Nếu thành công thì các backer sẽ nhận được sản phẩm. Thực tế, có những sản phẩm không được chất lượng hoặc backer không nhận được gì dù bỏ tiền ra.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH
Việc bỏ tiền cho một dự án trên Indiegogo cũng được nền tảng này cảnh báo trước khi bấm xác thực chuyển tiền là có thể nhận được sản phẩm hoặc không.
"Arevo sau khi được góp vốn đã dẫn người dùng có nhu cầu nhận sản phẩm sang website để lên đơn, thanh toán ở một địa chỉ khác, sử dụng hóa đơn xác thực khác Indiegogo và dùng các từ như "order" (đặt hàng), "shopping" (mua sắm) khi đề cập tới giao dịch đôi bên, chính điều này làm cho cộng đồng hiểu đây đang là hoạt động của bên mua - bên bán", chuyên gia phân tích dựa theo các quy định của Indiegogo, theo Thanh Niên.
Vì không ràng buộc pháp lý nên việc ứng xử ra sao nếu dự án thất bại là tùy mỗi chủ dự án.
Xe đạp 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang vào thời điểm ra mắt sản phẩm có nhiều chiến dịch quảng cáo, nhiều người nổi tiếng như Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy, hồi tháng 10/2021 khoe trên Facebook chiếc Superstrata.
CEO VNG Lê Hồng Minh đã đăng hình chiếc xe đạp của Arevo trên trang Facebook cá nhân kèm lời bình khen ngợi.
Là người thích ủng hộ công nghệ mới cũng như khuyến khích các Startup Việt Nam, ông Trần Hiệp quyết định "xuống tiền". Nhưng cho tới tháng 8/2022 ông mới nhận được sản phẩm sau hơn một năm hẹn lần hẹn lượt về việc giao hàng.
Tuy nhiên, sau bao nhiêu mong đợi thì chiếc xe đạp in 3D đầu tiên thế giới tới tay lại trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của ông.
Điều gây sốc nhất là phần ty gắn bánh trước không vừa nên không thể gắn vào xe để chạy được, đồng nghĩa chiếc xe không thể dùng được.
Ông Hiệp còn nhấn mạnh với BBC xe được sơn, thiết kế một cách "nham nhở" và linh kiện gắn trên xe có chất lượng thấp, khó có thể chấp nhận được và nói chung là "chất lượng quá tệ".
Vì thế, dù có mua phụ tùng về sửa thì ông cũng thấy không đảm bảo độ an toàn để sử dụng. Ông Hiệp cũng đã phản ánh điều này với bên Arevo nhưng gần 20 ngày sau mới nhận được phản hồi.
NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN HIỆP
Cây ti không nhét vào được cái lỗ ở phần bánh trước nên cuối cùng không thể gắn được cái xe lên
Ông Huỳnh Trúc Lâm, người sở hữu hai chiếc Superstrata nói với BBC rằng ông đặt xe hồi 12/2020, tới tháng 1/2022 mới nhận được xe. Tuy nhiên, chiếc xe thường xuyên bể lốp không thể đi được và đặc biệt nguy hiểm nếu chạy với tốc độ cao.
Ông Lâm cũng cho rằng thương hiệu quay lưng với người ủng hộ, tự chối trách nhiệm và tới 4/2023, ông vẫn phải chật vật yêu cầu sửa lốp xe. Cho tới khi công ty thay lốp xe khác thì không phải hàng zin vì bảo đã ngưng sản xuất. Phía Arevo hiện còn nợ ông hai bộ líp xe.
Giá ưu đãi của hai sản phẩm nhờ mua sớm là 3.999 USD trước thuế. Nhưng ông Lâm đã khiếu nại rằng ông bị đánh thuế trên mức gốc là 8.000 USD và phải trả thuế là 800 USD.
"Tôi yêu cầu xuất hóa đơn VAT ở Việt Nam vì tôi có thể hoàn thế về công ty nhưng Arevo từ chối, họ nói thuế này bên Mỹ nên không xuất hóa đơn ở Việt Nam," ông Lâm nói với BBC.
NGUỒN HÌNH ẢNH,HUỲNH TRÚC LÂM
Số tiền thuế mà ông Lâm phải trả
Tờ Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Minh Thọ, Tổng giám đốc Arevo Việt Nam rằng công ty vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả để triển khai các mục tiêu hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer (PEEK, Nylon…) dành cho in 3D và dịch vụ in 3D từ sợi carbon.
Ông cũng nói việc chưa thể sản xuất vật liệu sợi carbon, nguyên vật liệu chính trong việc tạo ra sản phẩm in bằng công nghệ 3D là vấn đề nan giải của Arevo Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Sony Vũ vào tháng 5/2021 lại mở thêm dự án trên trang Idiegogo có tên Scotsman cũng liên quan in 3D carbon và lần này là xe scooter thay vì xe đạp, thu hút hơn nửa triệu USD được người dùng ủng hộ dự án.
Cộng đồng mạng đặt nghi vấn nếu sợi carbon bị thiếu hụt, vì sao lại mở thêm một dự án khác dùng đúng chất liệu này và liệu scooter có thành phẩm hay không.
BBC đã liên hệ với bà Lê Diệp Kiều Trang yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH
Hai dự án Superstrata và Scotsman làm từ sợi carbon đều do ông Sony Vũ, chồng bà lê Diệp Kiều Trang mở ra trên Indiegogo
Thạc sỹ Lê Anh Tú, giảng viên truyền thông từ Sài Gòn nói với BBC rằng, xử lý khủng hoảng truyền thông không khéo sẽ gây nhiều tổn hại, nhất là về tài chính, uy tín (niềm tin của người khác với cá nhân và tổ chức), thương hiệu cá nhân và thương hiệu tổ chức bị tổn thương và suy giảm.
Ông Tú viết trên Facebook rằng không thể xử lý khủng hoảng vụ xe đạp Superstrata chỉ bằng một bài báo trên Thanh Niên:
"Trong thời mạng xã hội lên ngôi, chúng ta không thể chỉ cần một bài phỏng vấn (có thể là độc quyền) để làm lắng yên dư luận. Do đó, có thể thấy vụ khủng hoảng đang dần lên cao trào chứ không lắng xuống."
No comments:
Post a Comment