Những dấu hỏi quanh việc Ngoại trưởng Trung Quốc bị cách chứcNguồn: Chris Buckley và David Pierson, “China’s Foreign Minister Is Removed After a Month of Silence,” New York Times, 25/07/2023.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
27.07.2023
NghiencuuQT
Tần Cương, một nhân vật được Tập Cận Bình trọng dụng, đã bị thay thế bởi Vương Nghị, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, để lại nhiều câu hỏi chưa có lời đáp về sự thất sủng của Tần.
Chỉ mới 5 tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, còn giữ vị trí trung tâm trong nhiệm vụ khôi phục quan hệ ngoại giao cấp cao Mỹ-Trung: Ông đã bắt tay với Ngoại trưởng Antony J. Blinken tại Bắc Kinh và nhận lời mời tới thăm Mỹ.
Nhưng trong một dấu hiệu minh hoạ cho sự thất thường của chính trị cung đình Trung Quốc, Tần đã đột ngột bị cách chức Ngoại trưởng vào thứ Ba, sau khi biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng suốt 30 ngày. Động thái này đã chấm dứt sự nghiệp của một nhà ngoại giao từng vươn lên vị trí hàng đầu, với tư cách là một trong những ngôi sao đang lên được Chủ tịch Tập Cận Bình tin cậy nhất.
“Sự đột ngột và mơ hồ xung quanh việc cách chức Tần cho thấy bất ổn giờ đây đã trở thành một đặc điểm của hệ thống chính trị Trung Quốc dưới thời Tập,” Jude Blanchette, Giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định.
Quyết định chính thức thay thế Tần bởi cựu Ngoại trưởng Vương Nghị đã kết thúc nhiều tuần đồn đoán về số phận của ông. Ban đầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Tần có vấn đề về sức khỏe. Nhưng thông báo miễn nhiệm ngắn gọn từ Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan cao nhất của Quốc hội Trung Quốc, nơi chính thức bổ nhiệm các quan chức cấp cao của chính phủ, lại không đề cập đến sức khỏe hay bất kỳ lý do nào khác.
Chắc chắn, sự thiếu rõ ràng này sẽ làm dấy lên đồn đoán của các nhà bình luận Trung Quốc, về hoàn cảnh đằng sau cú ngã ngựa kịch tính nhất của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong thời gian gần đây. Số phận của Tần Cương đã trở thành một chủ đề gây xôn xao mạng xã hội, với nhiều người tập trung vào đời sống cá nhân của ông và khả năng ông duy trì một mối quan hệ không phù hợp khi còn là đại sứ tại Mỹ.
Bất kể mức độ xác thực của những đồn đoán đó, việc loại bỏ Tần đã gây khó xử cho Tập, người đã chọn Tần cho vai trò bộ trưởng một bộ quyền lực và bỏ qua các nhà ngoại giao lớn tuổi hơn và có thâm niên hơn.
“Nếu mọi người muốn chứng kiến sự mơ hồ của hệ thống Trung Quốc và cách mà nó có thể – dù chỉ là tạm thời – cản trở việc thực thi chính sách, thì họ đã có một ví dụ điển hình ngay trước mắt,” Richard McGregor, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Lowy ở Sydney, chuyên về chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, ông nói thêm, Tập Cận Bình quá quyền lực nên sẽ không bị thiệt hại nhiều sau sự sụp đổ của Tần.
“Nếu có chút gì chính xác trong các lời đồn, thì nó là một lời nhắc nhở rằng, trong hệ thống của đảng, cuộc sống riêng tư của bạn cũng bị giám sát nhiều như nghĩa vụ công của bạn. Dù, trong trường hợp này, hành vi của một đại sứ có liên quan đến an ninh quốc gia,” McGregor nói.
Tần Cương, 57 tuổi, được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Washington vào tháng 7/2021. 17 tháng sau, ông được thăng chức Ngoại trưởng – một dấu hiệu cho thấy ông là người được Tập bảo trợ. Thế rồi, vào tối thứ Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xóa trang viết về Tần và các thông tin chi tiết khác khỏi trang web của họ. Tuy nhiên, trang web vẫn chưa có thông tin về người thay thế ông, Vương Nghị.
Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall của Đức, tin rằng việc Tần bị sa thải là “dấu hiệu cho thấy Tập có thể phán đoán sai lầm và mắc lỗi.” Bà cũng gọi việc bổ nhiệm Vương là một “nước đi thông minh” giúp ổn định ngoại giao Trung Quốc.
Trong một ví dụ khác về việc chính trị cấp cao đã trở nên bí ẩn như thế nào dưới thời Tập, trong tuần này, các nhà chức trách của Đảng Cộng sản đã thông báo rằng Trung tướng Vương Thiếu Quân (Wang Shaojun), cựu Cục trưởng Cục An ninh Trung ương, lực lượng chuyên bảo vệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã qua đời ba tháng trước. Không có lời giải thích nào cho sự chậm trễ trong việc thông báo về cái chết của ông.
Người kế nhiệm Tần, Vương Nghị, dường như là một lựa chọn an toàn sau những sóng gió hậu trường của tháng trước. Vương, 69 tuổi, là một nhà ngoại giao cấp cao, đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương của Đảng, vị trí giúp ông trở thành cố vấn chính sách chính của Tập. Ông cũng đồng thời là thành viên Bộ Chính trị, cơ quan gồm 24 quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc.
Vương từng là Ngoại trưởng cho đến khi Tần được bổ nhiệm vào cuối năm ngoái, và việc ông trở lại vị trí này sẽ không làm thay đổi định hướng chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ, vốn do Tập đề ra. Tuy nhiên, lịch sử những cuộc gặp không mấy tốt đẹp gần đây giữa Vương với các quan chức chính quyền Biden sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ xoa dịu căng thẳng của ông. Vương và Blinken từng có một cuộc họp gây tranh cãi tại một hội nghị an ninh ở Munich vào tháng 2, sau khi máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc đi vào vùng trời nước Mỹ.
Christopher K. Johnson, chủ tịch của công ty tư vấn China Strategies Group và là cựu chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc “dường như đánh giá rằng tình hình tại Bộ Ngoại giao đã nghiêm trọng đến mức họ không còn có thể tin tưởng bất kỳ ai ở đó có thể đảm nhận công việc này. Chúng ta đã từng chứng kiến điều này trước đây, với các vụ án lớn trong đó một thành viên Bộ Chính trị được cử đến để ổn định tình hình và xử lý những kẻ phản bội. Tôi cho rằng đó là nhiệm vụ mà Vương sẽ được giao.”
Các quan chức Mỹ có mặt trong cuộc họp và bữa tối kéo dài tổng cộng 7 tiếng đồng hồ giữa Tần với Blinken tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh vào ngày 18/06 đã không nhận thấy bất cứ điều gì bất thường vào thời điểm đó. Các quan chức này nói rằng Tập sẽ không để Tần gặp Blinken nếu các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã hay biết về những rắc rối, vì vậy các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Tần có thể đã bắt đầu ngay sau đó trong tháng 6.
Về mặt công khai, Tần vẫn luôn trung thành với Tập. Trước đó, Tần từng là Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Đại sứ ở London, và Vụ trưởng Vụ Lễ tân, công việc đã giúp ông được Tập tín nhiệm trong các chuyến công du nước ngoài. Tần tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế, một trường đại học ở Bắc Kinh có liên hệ với cơ quan an ninh Trung Quốc, và từng làm trợ lý tại văn phòng Bắc Kinh của hãng tin United Press International trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 1992.
Từ cuối năm 2022, với tư cách là Ngoại trưởng, Tần là người đi đầu trong nỗ lực kéo Trung Quốc ra khỏi sự cô lập ngoại giao trong giai đoạn hậu Covid, đồng thời cố gắng xoa dịu căng thẳng với Mỹ và các nước phương Tây khác. Nhưng ông cũng là người ủng hộ tầm nhìn của Tập – rằng Trung Quốc là một cường quốc tự tin trên thế giới, thiếu kiên nhẫn trước những lời chỉ trích từ các chính phủ khác, và hiếm khi bỏ lỡ cơ hội để đề cao Tập.
“Nhân loại một lần nữa đứng trước một ngã ba lịch sử,” Tần nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 3. “Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra con đường đúng đắn cho quản trị toàn cầu từ tầm cao của thế giới, lịch sử, và nhân loại.”
Pavel Slunkin, nhà ngoại giao Belarus tham gia chuẩn bị cho chuyến thăm Belarus năm 2015 của Tập, nhận xét rằng, khi còn phụ trách lễ tân cho Tập, Tần cực kỳ chỉn chu. Trong chuyến thăm, Slunkin cho biết Tần đã gọi điện cho ông vào khoảng 2 giờ sáng và yêu cầu được ngay lập tức đến bảo tàng mà Tập dự định đến thăm, để Tần có thể kiểm tra lại mọi chi tiết của kế hoạch, kể cả thời điểm chính xác mà nhạc sẽ nổi lên khi Tập bước lên bậc thang.
“Cấp dưới và các nhân viên đại sứ quán đều rất sợ tiếp cận ông ấy. Vì vậy, việc giao tiếp với ông ấy đã được phân cấp nghiêm ngặt,” Slunkin, hiện là nghiên cứu viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói về Tần trong cuộc phỏng vấn qua email. Ông nói thêm, “rõ ràng là Tần rất thích vị trí đặc biệt của mình, người thân tín với lãnh đạo hàng đầu, với Tập.”
Chris Buckley là phóng viên chính của New York Times tại Trung Quốc, nơi ông đã sống gần 30 năm qua. Trước năm 2012, ông là phóng viên tại Bắc Kinh của Reuters.
David Pierson là phóng viên đưa tin về chính sách đối ngoại, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment