Saturday, July 1, 2023

Huyền Trân có một tầm nhìn rất khác
Thức Phạm
1-7-2023
Tiengdan

Cuộc phỏng vấn của BBC với Huyền Trân rất đầy đủ, thú vị. Mình muốn cung cấp thêm một vài thông tin để ai quan tâm có thể hiểu thêm về sự cầu tiến của Trân.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, và BBC cũng lấy ý đó để làm đoạn dẫn dắt, giới thiệu, Trân nói rằng chán làm nail nên xin gia nhập hải quân. Ai ở Mỹ đủ lâu mới thấy được ý chí, sự bứt phá của cháu.

Nghề nail không nặng nhọc và thu nhập tốt, thậm chí ai khéo có thể có thu nhập cao. Do nhận tiền công và tiền tip bằng tiền mặt nên né được thuế rất nhiều, trên giấy tờ là người thu nhập thấp, có thể xin các trợ cấp, phúc lợi…

Mình đã từng tính nhẩm rằng một người làm nail có thu nhập 7.000 đôla/tháng (84.000đôla/năm) về thực tế có nhiều tiền hơn người có lương 100.000 đôla/năm.

Đó là vì 7.000 đôla/tháng người làm nail được đút túi trọn vẹn. Trong khi đó, người làm quản lý cấp trung hoặc chuyên viên khoa học… với lương 100.000đôla/năm có sổ sách, giấy tờ đàng hoàng phải nộp thuế liên bang, thuế tiểu bang, trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ hưu trí, tiền tiết kiệm đầu tư… thì thực nhận mỗi tháng chỉ là khoảng 5.000-5.500đôla. Thế có phải là người có thu nhập 84k lại giàu hơn người có lương 100k không.

(Tất nhiên đấy là so ở hiện tại, còn khi về hưu, người từng làm lương 100k sẽ có thu nhập lúc về hưu cao hơn do lúc đó đc nhận lại nhiều từ các khoản đã đóng. Nhưng già thì cần nhiều tiền làm gì nữa nhỉ). Cũng nhân đây, các bạn “dư luận viên” hay dè bửu nghề nail của Việt kiều hãy nhìn thấy là bà con làm nail còn phong lưu hơn nhiều người làm công việc trí thức, và chắc là cũng hơn xa chính các bạn dư luận viên nhỉ).

7.000 đôla so với 5.000 đôla, hơn 2.000 đôla là rất nhiều, vì nếu quy ra một bữa ăn khá sang xịn cho hai người là 100 đôla/bữa, có nghĩa là mỗi tháng ăn được 20 bữa hơn người mang tiếng là có lương 100k/năm.

Quy ra ô tô, cứ 2 năm, người mang tiếng là làm nail, ko kiếm ra 100k/năm lại có thể dễ dàng để ra 40k để mua 1 chiếc CRV hay Rav4 mới cứng.

Chính vì làm nail ngon ăn như thế nên nhiều người một khi đã bước vào rồi lại khó rút ra.

Các bố mẹ làm nail vì sẵn tiền nên mạnh tay đầu tư cho con cái học, chắc muốn con cái làm công việc khác nhiều chất xám hơn.

Nhưng chính các bố mẹ đó thấy con học hành vất vả kéo dài nhiều năm, khi ra trường, lương thấp, không đến 100k/năm, họ lại bảo con thôi cứ làm nail cho nhanh, tiền nhiều thấy ngay.

Thực tế, số người Việt học hành có bằng cấp ở Mỹ song chán công việc cổ cồn trắng và chọn đi làm nail cho nhanh có tiền thì đông hơn người làm nghề nail rồi cố học hành để làm nghề khác.

Như thế mới thấy cháu Huyền Trân có một tầm nhìn rất khác chứ không đơn giản. Cháu còn trẻ, chịu khó học tập và rèn giũa, năng nổ trong công việc, biết đâu có ngày cháu sẽ nổi tiếng trong một quan trọng nào đó hơn hẳn chuyện chỉ là một hình ảnh quan hệ công chúng của hải quân Mỹ như vừa qua.

Nhân đây cùng xin nói rằng mình có những đóng góp để làm cho việc PR đó đạt mức độ hấp dẫn, hiệu quả như hiện nay.

Tầu hải quân Mỹ lần đầu thăm nước VN thống nhất là năm 2003, sau đó liên tục có các chuyến thăm như vậy.

Ngoài việc phỏng vấn chỉ huy, quan chức, các bạn phóng viên VN hay nhờ mình tìm một vài thủy thủ để phỏng vấn.

Bộ máy PR của hải quân hay chọn ra vài bạn thủy thủ Mỹ trẻ khỏe, đẹp đẽ để trả lời phỏng vấn, nhưng những câu chuyện, suy nghĩ của họ ít hấp dẫn vì không gắn với VN lắm.

Sau vài lần, khi họp hoặc trao đổi email để chuẩn bị cho các chuyến thăm của tàu HQ Mỹ, mình đề nghị chọn ra thủy thủ gốc Việt để PR, như tham gia sửa chữa trường học, trạm xá, múa hát, vẽ, chơi bóng… với trẻ em VN, trả lời phỏng vấn của báo đài VN, v.v…

Thời gian đầu cũng không suôn sẻ mấy vì các thủy thủ gốc Việt nói tiếng Việt không sõi, nói tiếng Anh lại không hay (nội dung) bằng mấy người Mỹ gốc Mỹ, xa VN lâu nên cũng không gắn bó, không nói những chuyện gây cảm động…

Mình lại tiếp tục góp ý tế nhị, dần dần, có thể thấy là phía hải quân đã chọn lựa, chuẩn bị tốt hơn trong hoạt động PR như kể trên.

No comments:

Post a Comment