Sunday, May 21, 2023

VNTB – Ân sư từ ở Vĩnh Long
Hoàng Mai
21.05.2023 4:00
VNThoibao



(VNTB) – Ân Sư Từ là nơi ghi nhớ công ơn của các nhà giáo đã đến dạy chữ cho người dân nơi đây.

 Sử sách ghi, những thầy giáo đầu tiên được đào tạo bài bản ở Sài Gòn đến dạy tại đây là ông Giáo Chánh (có người cho là Hồ Biểu Chánh) ở Tân An, ông giáo Khảm ở Giồng Ké (Vũng Liêm, Vĩnh Long). Các thầy Phan Văn Cam (về trường năm 1926), rồi đến thầy Lê Văn Tình, Trần Văn Có, Vương Kim Liêng, Trần Gi Minh, Phan Văn Nhạc, Trương Ngọc Hữu,…

Những thầy giáo thuộc thế hệ đầu lặn lội đi ghe xuồng từ làng Long Châu, cầu Kênh Cụt, chợ Vĩnh Long… qua ăn ở ngày đêm, rọi ánh sáng chữ nghĩa vô đầu trẻ quê nghèo khó. Nhiều thầy đã gửi lại nắm xương nơi vùng đất mới này. Trường xưa không còn, chỉ còn nền đá xanh vài chỗ.

Có lần một vị chức sắc ở Vĩnh Long cảnh báo Tám Tâm: “Mày là thằng hay quậy, coi chừng!”. Ông thản nhiên đáp lại: “Thì trong cuộc đời này tui có hai vai, một vai tui thờ anh, còn vai kia cho tui thờ nhân dân với chớ!” – đó là cách mà ông “bình dân hóa” chính kiến của mình.

Có những người ông một mực gọi là “thầy” và nói sẽ thờ họ dù họ chỉ gieo trong ông một vài ý tưởng tốt đẹp nào đó mà thôi… Chính vì vậy mà con trai ông nhận xét về cha mình: “Ông là người sống quyết liệt trong cuộc đời”.

Người con trai này của ông Tám Tâm hiện là nhà báo ở Sài Gòn, và ông Tám Tâm, tên thật Nguyễn Hồng Tâm, là người đã tự mình lập nên một Ân sư từ (miếu Ơn thầy) “có một không hai” trên đất Vĩnh Long vào năm 2001.

Khác với những bài báo giới thiệu về Ân sư từ, trên thực tế đường vào nơi đây không hề dễ dàng, và việc người xứ khác muốn viếng Ân sư từ, lúc hỏi thăm đường vào phải chọn các “từ khóa” để hỏi người dân bản xứ: “chỗ ông Tám Tâm/ Tám đen/ Tám nhà văn xây miếu”.

Một lưu ý khác, trên báo chí ghi là ông Tám Tâm từng học ở Elementaire Ecole Ninh Thuận, dân gian thường gọi là trường Bà Cò, vì nó nằm ngay vàm sông Bà Cò, nơi có miếu Ân sư hiện tại – tuy nhiên trên thực tế thì năm 10 tuổi ông Tám đã… vào bưng theo cách mạng. Chữ nghĩa học vấn ‘lận lưng’ ở trường Tây học đối với ông giờ là điều ông tránh nhắc tới, còn vì ông từng có giai đoạn trong nhóm “biệt động thành” ở Sài Gòn trước 1975.

Thực tế trên đã phần nào lý giải cho thắc mắc vì sao có câu “Thì trong cuộc đời này tui có hai vai, một vai tui thờ anh, còn vai kia cho tui thờ nhân dân với chớ!” của ông Tám Tâm.

Bảng chỉ dẫn vào miếu Ân sư, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long).

Miếu Ân sư hoang vắng vì lau lách, ẩn khuất khá xa so khu thị tứ; và nói theo kiểu chữ nghĩa văn chương, thì Ân sư từ nằm nép mình bên bờ sông Tiền, phía thượng nguồn vàm Bà Cò.

Bảng tên vinh danh những người thầy đã đến dạy tại nơi đây được thờ phượng ở miếu Ân sư.

Tên các ân sư được bổ sung dần theo thời gian tìm hiểu về lịch sử vùng đất này của ông Tám Tâm.


No comments:

Post a Comment