Sunday, May 21, 2023

Lại bàn về cái gọi là “người cộng sản” Việt Nam
Hồng Hoa
20-5-2023
Tiengdan

Câu chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam có… dân tộc chủ nghĩa hay không, cũng già như tuổi của tôi vậy. Thế mà đài BBC lại xới nó lên một lần nữa, có lẽ nhân ngày (gọi là) sinh nhật của ông Hồ Chí Minh (19/5) chăng?

BBC trích dẫn hai tác giả, Vũ Tường và Stephen Young, trong bài: “Cuộc chiến VN: bàn về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản“. Hai ông nhận định chẳng khác nhau mấy, rằng người cộng sản Việt Nam là… cộng sản.

Cả hai vị đều là những nhà nghiên cứu uyên thâm, quan trọng nhất là rất rành Việt ngữ, điều làm cho hai ông đọc và hiểu được các tài liệu Việt ngữ của đảng cộng sản, phân tích được những lời lẽ tuyên truyền chính trị của họ.

Kết luận của họ rất đúng, dựa trên sự phân định thế nào là một chủ nghĩa quốc tế, như là cộng sản, và các tôn giáo lớn (Stephen Young), và quan niệm về dân tộc chủ nghĩa, giai cấp trong những tài liệu do người cộng sản Việt Nam ấn hành.

Tôi có thể bổ sung cho hai ông là cái cách mà những nhà lãnh đạo Hà Nội chủ trương về một xã hội ở Việt Nam, sau khi họ thắng cuộc chiến quân sự, chẳng hạn như quốc hữu hóa mọi thứ, từ nhà máy tới đất đai, là điều chứng minh rất rõ họ, những nhà lãnh đạo ấy, là… cộng sản.

Nhưng tôi vẫn thấy nó thiếu điều gì đó.

Ngẫm nghĩ cả ngày tôi nhận ra: À, đó là cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến không phải chỉ bắt đầu sau khi hai miền Nam – Bắc bị chia cắt, mà là phải trở ngược lên thời chống thực dân Pháp.

Có thể tầng lớp lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam toàn là những người cộng sản, nhưng những người đi theo họ, đâu phải là cộng sản! Có thể chúng ta cho rằng họ bị tuyên truyền lừa mị của đảng cộng sản, lợi dụng tinh thần dân tộc của họ, nhưng chắc chắn rằng họ chẳng cộng sản gì cả. Lý do rất dễ hiểu là những chiến binh Việt Minh, hay là Cộng sản Bắc Việt, Việt Cộng, đại đa số là nông dân, làm sao mà hiểu cho được những thứ rối rắm do mấy ông Tây, Marx, Engel, Lenin… chế tạo ra?!

Ông Vũ Tường đưa ra một nhận định, rằng chủ nghĩa dân tộc của người Việt đã bắt đầu từ lâu với những phong trào như Đông kinh Nghĩa thục, Đông Du, Việt Nam Quốc Dân đảng, Tự lực Văn đoàn,… và Việt Nam Cộng hòa là hậu thân của họ.

Có vẻ có lý về mặt từ ngữ, về mặt ý thức hệ… nhưng về mặt con người thì chưa đúng hẳn.

Có bao nhiêu nhân vật trong các phong trào mà ông Vũ Tường đưa ra, tham gia Việt Minh, hay thậm chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam? Thiết nghĩ, bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều. Chỉ xin nhắc hai nhân vật quan trọng của Đảng Cộng sản là Nguyễn Văn Linh và Văn Tiến Dũng, họ cũng bắt đầu cuộc đời chính trị của mình trong Quốc dân đảng.

Ngay cả câu khẩu hiệu rất buồn cười còn lây lất tới ngày nay, dưới tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”, vốn bắt đầu từ chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Đây chính là ảnh hưởng của Quốc Dân đảng còn để lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Không có quốc gia cộng sản nào trên thế giới, ở thời hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản, lại có khẩu hiệu này, ngay cả hai “đồng chí” Á châu là Hoa Lục và Bắc Hàn.

Ông Vũ Tường cũng nhận định rằng, trong cuộc chiến Việt Nam, nước Mỹ đã nhìn nhận sai về Việt Nam Cộng hòa, rằng quốc gia này không có chủ nghĩa dân tộc thực sự. Ông Stephen Young dẫn nguồn rất thú vị là Henry Kissinger, nhân vật quyết định kết thúc cuộc chiến, bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, đã bị ảnh hưởng của Jean Sainteny người Pháp, rất xem thường chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam Cộng hòa.

Thiết nghĩ chúng ta cũng nên thông cảm cho chính phủ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, hay là ông jean Sainteny, vì họ có biết được người nào đối lập với người cộng sản mà đủ bản lĩnh để họ tin tưởng? Tổ chức phi cộng sản nào đủ tổ chức và sức mạnh để họ dựa vào?

Chủ nghĩa cộng sản, hay nói cách khác là thí nghiệm cộng sản, là một đại bi kịch cho nhân loại, mà trong đó dân tộc Việt Nam lại xui xẻo rơi vào. Chúng ta hãy đặt câu hỏi ngược lại là, tại sao những dân tộc khác, chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia, Miến Điện… cũng có cùng hoàn cảnh thuộc địa, lại không rơi vào cái bẫy cộng sản đó? Phải chăng là do nhận thức của người Việt, ở vào thời điểm đó, không bằng người Ấn Độ, người Indonesia?

Người Mỹ không mơ hồ về người cộng sản Việt Nam. Ông Vũ Tường đúng về điều này. Họ biết tính quốc tế của chủ nghĩa cộng sản, và đó là lý do họ can thiệp vào Việt Nam.

Nhưng để làm gì? Để bảo vệ tính quốc tế của chủ nghĩa tư bản toàn cầu! Đó cũng là lý do họ bỏ Việt Nam Cộng hòa để sử dụng con bài Hoa Lục mà hạ gục Liên Xô cộng sản. Và đó cũng là lý do họ ủng hộ người Ukraine hiện nay.

No comments:

Post a Comment