Sunday, February 26, 2023

VNTB – Vừa là bị cáo, vừa là bị hại
Hà Nguyên
27.02.2023 1:32
VNThoibao


(VNTB) – Các bên liên quan trong vụ ‘chửi nhau trên mạng’, theo những gì đang diễn ra cho thấy việc hoán đổi tư cách tố tụng từ bị hại thành bị can và ngược lại có thể xảy ra xung đột vì tư pháp ở Việt Nam thiếu tính độc lập.

 Sau gần 1 năm kể từ khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, ngày 24-2-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong vụ án này, bà Nguyễn Phương Hằng được xác định là bị hại.

Lập luận chung về pháp lý ở đây, đó là pháp luật không cho phép thực hiện một hành vi trái pháp luật để chống lại một hành vi trái pháp luật khác. Đối với hành vi đôi co trên mạng xã hội như bà Phương Hằng và bà Hàn Ni thì rất dễ dẫn đến tình trạng mình là bị hại, nhưng hành vi của mình cũng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.

Như vậy, bà Phương Hằng và bà Hàn Ni sẽ là bị cáo trong vụ án này và là bị hại trong vụ án kia. Những rối rắm, lẫn lộn có thể diễn ra qua cảm xúc có thể bị chi phối của “định hướng xét xử” và cả sức ép công luận.

Đơn cử, theo quy trình thì chuyện xác định tư cách tố tụng tại phiên tòa hình sự sẽ như “đám rừng” đối với công chúng theo dõi vụ án này; và càng rối rắm thì người ta càng luận bàn với đủ mọi thuyết âm mưu.

Nếu trường hợp lại có một kịch bản dẫn dắt dư luận để phục vụ mục đích “chính trị thời vụ” nào đó thì càng tệ hại hơn đối với thân phận pháp lý của các bên liên quan.

Theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật tố tụng hình sự, thì có đến 20 loại người tham gia tố tụng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau, bao gồm: 1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; 2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; 3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; 4. Người bị bắt; 5. Người bị tạm giữ; 6. Bị can; 7. Bị cáo; 8. Bị hại; 9. Nguyên đơn dân sự; 10. Bị đơn dân sự;

  1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án; 12. Người làm chứng; 13. Người chứng kiến; 14. Người giám định; 15. Người định giá tài sản; 16. Người phiên dịch, người dịch thuật; 17. Người bào chữa; 18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; 19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; 20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

Tuy nhiên trong số những người tham gia tố tụng quy định như trên, chủ yếu những người sau đây tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự: 1. Bị cáo; 2. Bị hại; 3. Nguyên đơn dân sự; 4. Bị đơn dân sự; 5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án; 6. Người làm chứng; 7. Người giám định; 8. Người định giá tài sản; 9. Người phiên dịch, người dịch thuật; 10. Người bào chữa; 11. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; 12. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc quy định phân biệt những người tham gia tố tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc giải quyết dân sự trong vụ án hình sự. Tư cách tố tụng được xác định về bản chất từ góc độ tố tụng hình sự và tố tụng dân sự.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, về bản chất pháp lý, có một số người tham gia với hai tư cách tố tụng, tùy theo từng lãnh vực giải quyết vấn đề là hình sự hay dân sự, cụ thể: Trong trường hợp bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc nguyên đơn, thì người đó tham gia tố tụng với hai tư cách: Bị cáo (trong lãnh vực hình sự) và Bị đơn dân sự (trong lĩnh vực tố tụng dân sự);

Trong trường hợp Bị hại được bồi thường thiệt hại, thì người đó tham gia với hai tư cách: Bị hại (trong lãnh vực hình sự) và Nguyên đơn dân sự (trong lãnh vực tố tụng dân sự).

Trong các trường hợp này, căn cứ vào quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án sẽ xác định tư cách tố tụng có quyền và nghĩa vụ bao trùm hơn, đảm bảo lợi ích của người đó cao hơn, đó là bị cáo trong trường hợp thứ nhất và bị hại trong trường hợp thứ hai…


 

No comments:

Post a Comment