VNTB – Dân quyền, khởi đầu và đích đến!Trần Dzạ Dũng
18.02.2023 1:49
VNThoibao
(VNTB) – Sùng bái lãnh tụ, mù quáng với thánh thần cũng vì thiếu dân quyền mà ra…
Thay vì sử dụng Luật phòng, chống tham nhũng để xử trí với sự tôn trọng thật sự các quyền xét xử độc lập của tòa án; đàng này bằng quyền lực đảng chính trị độc tôn, ông Tổng bí thư chọn đưa ra cung cách tìm và diệt tham nhũng bằng mô thức đảng của ông ra sức thanh trừng nội bộ, với mục đích là để giúp lòng dân níu kéo niềm tin vào chế độ.
“Không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ” – ông Nguyễn Phú Trọng đã lên tiếng như vậy trong một tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (đơn vị bầu cử số 1) báo cáo kết quả kỳ họp 4 Quốc hội khóa 15 hồi tháng mười một năm 2022.
Sỡ dĩ gọi là chống tham nhũng kiểu thanh trừng nội bộ, bởi chính Tổng bí thư đã công khai nhắc lại tại hôm tiếp xúc cử tri kể trên, là “Đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay đi, như thế nhẹ nhàng hơn mà đỡ có thù oán gì không cần thiết”.
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đưa ra nhận định: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Ở đây cần đặt vấn đề “quyền dân”, điều mà trước đây cựu phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông Bùi Minh Quốc đã nhiều lần lên tiếng về quyền này.
Bởi không thể kiểm soát được quyền lực, tham nhũng, tha hóa hệ thống nếu thiếu dân quyền. Cũng không thể có chiến lược phát triển kinh tế dài hạn nếu thiếu dân quyền. Và phải không, dân quyền là điểm khởi đầu cũng là đích đến của các hoạt động xã hội như giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo?
Đề xuất về chuyện dân quyền, hiểu theo nghĩa nào đó thì đây cũng là chủ đề mà các chức sắc lãnh đạo đảng vẫn hay nhắc đến nhưng lại chưa thấy thực thi.
“Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân. Phải lấy ý kiến của dân thực chất chứ không nên tổ chức hình thức, như vậy mới chọn được người đúng tiêu chuẩn”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh điều này khi còn giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư.
Theo ông Trần Quốc Vượng, “Chúng tôi nghĩ rằng, việc lấy ý kiến đại biểu, cử tri nơi cư trú và nơi công tác phải được tiến hành hết sức thực chất. Chỗ này rất quan trọng vì đây là ý kiến của dân tại những nơi đó để đánh giá đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân”.
Thế nhưng với những gì đã xảy ra như việc buộc phải từ nhiệm của các ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu năm nay, cho thấy việc hỏi ý kiến người dân chỉ dừng lại ở thủ tục hình thức.
Thậm chí bệnh hình thức này còn công khai thách thức công luận khi Đại hội XII của Đảng đã thừa nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”, vậy mà đến khóa XIII lại vẫn tiếp tục giữ nguyên người đã đứng đầu đảng hai khóa trước đó rồi.
Lúc còn kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng trong bài viết: “Về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, đưa ra yêu cầu mang tính đạo đức: “Người cán bộ phải vừa có Đức, vừa có Tài, trong đó Đức là gốc”.
Theo diễn giải của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chữ Đức của người cán bộ, như Bác Hồ dạy chính là người cán bộ cần – kiệm – liêm – chính. Người cán bộ có đức sẽ làm cho tài năng thêm phát triển, bởi người thực sự có đức bao giờ cũng khiêm tốn, chịu khó học tập, phấn đấu nâng cao tài năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho.
Vậy thì với biến động nhân sự chính trị đang diễn ra trong bộ máy chính phủ và đảng, cho thấy các rao giảng đạo đức đã không mang đến hiệu quả, bởi ở đây quyền lên tiếng đa chiều, quyền được phê phán, quyền chỉ trích đảng cầm quyền trong khuôn khổ pháp luật của người dân đã không được tôn trọng.
No comments:
Post a Comment