Friday, February 17, 2023

Phẩm cách quốc dân
Thái Hạo
16-2-2023
Tiengdan

Cách đây 2 ngày (14/2) 35 công dân Hàn Quốc, gồm thường dân, luật sư, nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, nhiếp ảnh gia, đã tham dự một lễ tưởng niệm đặc biệt trên đất Quảng Nam. Họ đến để làm gì vậy?

Hình: Người dân Hàn Quốc cúi đầu trước bia tưởng niệm những người dân Việt Nam bị lính Hàn thảm sát năm xưa. Nguồn: Thái Hạo

Năm 1968, lính Hàn Quốc khi tham chiến tại Việt Nam đã thảm sát 135 thường dân tại Hà My, để lại lòng căm hờn và nỗi đau vô hạn cho những người còn sống. Chiến tranh đã lùi xa, mọi thứ tưởng chừng như đã phai mờ, nhưng từ một vụ kiện lạ lùng của một người nông dân Quảng Nam kiện chính phủ Hàn Quốc – vì cả 5 người trong gia đình bà đã chết oan khốc trong tay lính Hàn. Và mới đây, phiên tòa có một không hai ấy đã tuyên thắng kiện cho người phụ nữ nông dân Việt Nam.

Vụ kiện kéo dài mấy năm trời, như lời bà Thanh kể trong bộ phim tài liệu do đạo diễn Doan Hong Le thực hiện, lúc đầu bà rất căm thù người Hàn Quốc, nhưng trong quá trình theo kiện, rất nhiều người dân xứ kim chi đã đứng cạnh bà, từ sinh viên, luật sư, ký giả đến dân thường, họ hoạt động bằng tất cả thái độ công chính phi quốc gia, đòi hỏi chính phủ nước mình phải thực hiện trách nhiệm đối với tội ác đã gây ra, và bà Thanh dần thay đổi cái nhìn của mình.

Họ góp tiền để cô Thanh đi kiện chính phủ của mình, bởi vì với họ, chính phủ hay bất cứ đảng phái nào cũng chỉ là một tổ chức quản lý điều hành xã hội, cái họ yêu mến và đấu tranh cho nó chính là những giá trị dân chủ và nhân quyền – những thứ vì con người – đứng ngoài thể chế và ý thức hệ, từ những học sinh đứng cúi đầu bên bia tưởng niệm vụ thảm sát lắng nghe câu chuyện lịch sử bi thảm do quốc gia mình gây ra; những sinh viên cầm tấm bảng đề “Tôi Muốn Sự Thật” trong các cuộc biểu tình trước Bộ Quốc phòng, những nhà hoạt động xã hội làm việc quên cả tuổi thanh xuân; những luật sư đeo đuổi vụ việc hàng năm trời miễn phí; những nhà báo – bất chấp sự đe dọa từ các cựu chiến binh Hàn từng tham chiến ở Việt Nam – quyết bảo vệ sự thật đến cùng, đến một hệ thống truyền thông vây quanh cô Thanh trong các cuộc họp báo ở Seoul – để chỉ mong đem tới cho công chúng một điều: sự thật” (Đoàn Hồng Lê).

Một vụ kiện trở thành một cuộc hòa giải, và lớn hơn nữa, thành một sự tha thứ và tình yêu thương, vượt qua bờ cõi quốc gia. Người Hàn Quốc đã thể hiện một phẩm cách quốc dân tử tế, họ xứng đáng được sống trong thịnh vượng và hạnh phúc.

Cũng ngày này cách đây 44 năm, một đội quân xâm lược của Tàu đã tràn qua biên giới Việt Nam, giết hại hàng vạn người, “Độc ác thay, trúc Nam sơn không ghi hết tội/ Nhơ bẩn thay, nước Đông hải không rửa sạch mùi”. Nhưng, không biết đến khi nào chúng ta mới được nhìn thấy một sự tử tế như thế từ nước láng giềng?

Xin mượn lời đạo diễn Đoàn Hồng Lê, “Một xã hội đẹp vì sự đấu tranh cho lương tri con người, cho phẩm giá của quốc gia họ, và vì thế nó đem lại cho con người niềm tin. Niềm tin đó được khẳng định ngày hôm qua, khi tòa án Seoul phán quyết rằng bị cáo- chính phủ Hàn quốc thua kiện! Một xã hội mang tinh thần như vậy chẳng phải là điều đáng mơ ước hay sao?”.

Có ai mơ ước?

No comments:

Post a Comment